(KTSG Online) - Bằng cách thúc đẩy các dịch vụ kỹ thuật số, kết nối trong xe hơi cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, các startup (công ty khởi nghiệp) xe điện Trung Quốc đang mở rộng thị phần tại Trung Quốc, thậm chí tăng cường sự hiện diện tại châu Âu, đe dọa "nồi cơm" của các hãng xe lâu đời ở khu vực này.
- Cuộc đối đầu không cân sức giữa các startup xe điện Trung Quốc và Tesla
- Trung Quốc ráo riết thâu tóm nguồn cung lithium trong bối cảnh bùng nổ xe điện
Trong nhiều năm, thị trường xe điện của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi chính sách. Sự kết hợp của quy định yêu cầu tăng tiết kiệm nhiên liệu ở xe ô tô, hệ thống hạn ngạch sản xuất và bán xe năng lượng mới áp dụng bắt buộc đối với các hãng xe, chương trình trợ cấp trực tiếp cho người mua xe điện đều tạo thêm áp lực pháp lý và khuyến khích cả nhà sản xuất ô tô và người tiêu dùng chuyển sang xu hướng xe điện.
Các chính sách này vẫn còn quan trọng, nhưng phân tích gần đây của BloombergNEF cho thấy mức độ phổ cập xe điện ở Trung Quốc hiện đang tăng nhanh hơn so với những gì được yêu cầu từ các quy định và mục tiêu chính sách quốc gia. Các chính sách cấp thành phố cũng góp phần thúc đẩy xe điện như hạn chế việc cấp biển số mới cho xe động cơ đốt trong ở các đô thị lớn của Trung Quốc. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ để giải thích tại sao tỷ lệ phổ cập xe điện lại tăng nhanh đến như vậy.
Có nhiều yếu tố tác động khi công nghệ tiêu dùng bắt đầu phát triển. Sự trưởng thành về công nghệ, khả năng cạnh tranh về chi phí và hiệu ứng truyền miệng đều đóng vai trò quan trọng. Tại thị trường xe điện của Trung Quốc, có một yếu tố khác đang diễn ra, đó là các startup xe điện trong nước đã giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về phương tiện di chuyển sạch này.
Cách đây vài năm, các chuyên gia thường thảo luận về việc bao nhiêu startup xe điện ở Trung Quốc có nguy cơ bị xóa sổ bởi các tiêu chuẩn công nghệ khắt khe hơn. Nhưng thực tế, một số startup này không chỉ sống sót mà còn đang tăng doanh số bán hàng khá nhanh chóng. Xpeng, Hozon New Energy Automobile, Li Auto, Nio, Leap Motor và WM Motor hiện đang bán gần 150.000 xe điện mỗi quí, chiếm khoảng 7% tổng số doanh số xe điện toàn cầu. Con số này tăng hơn 10 lần so với đầu năm 2020.
Những startup xe điện này ít có khả năng thiết kế các phương tiện tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, như một số nhà sản xuất ô tô lâu đời của phương Tây, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Họ không có mảng kinh doanh truyền thống nào để bảo vệ và hiểu rằng trợ cấp cho xe điện sẽ không kéo mãi mãi. Do vậy, các sản phẩm của họ cần nhanh chóng tự đứng vững trên đôi chân của chúng.
Các startup xe điện của Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các dịch vụ kỹ thuật số, kết nối trong xe hơi và trải nghiệm dịch vụ khách hàng đồng thời với các nỗ lực tăng doanh số xe điện của họ. Điều này đã giúp làm thay đổi nhận thức về xe điện từ chỗ như một phương tiện được thúc đẩy phát triển để tuân thủ những quy định của chính phủ sang một sản phẩm giúp người tiêu dùng tiếp cận công nghệ tuyệt vời nhất.
Tất nhiên, các startup này không đơn độc. Các hãng xe điện năng động khác cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự và thị phần doanh số của các startup xe điện Trung Quốc vẫn còn tương đối nhỏ so với Tesla (Mỹ) và hãng xe BYD, có trụ sở tại Thâm Quyến, đã bán lần lượt 255.000 và 354.000 xe điện trên toàn cầu trong quý trước,
Dù vậy, doanh số xe điện mà các startup Trung Quốc tạo ra vẫn có ý nghĩa. Họ đang phát triển nhanh chóng và có thể sẽ đạt doanh số tổng cộng 250.000 xe mỗi quý vào năm sau.
Họ đang “phả hơi nóng vào gáy” của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu có tên tuổi. Tính đến năm 2020, các hãng xe quốc tế chiếm 61% thị phần ô tô ở Trung Quốc. Con số đó đã giảm xuống còn 49% cho đến nay trong năm 2022.
Những thất bại về phần mềm và tranh chấp với các đối tác liên doanh địa phương đã cản trở triển vọng tăng trưởng của thương hiệu xe quốc tế. Và với doanh số bán xe điện ở Trung Quốc tăng nhanh, các startup điện như Xpeng, Li Auto, Nio...sẽ tiếp tục "gặm nhấm" thị phần của các hãng xe truyền thống.
Trong khi các thương hiệu xe phương Tây đang chứng kiến thị phần của họ tại thị trường Trung Quốc bị thu hẹp, các startup xe điện của Trung Quốc lại nhanh chóng mở rộng sự hiện diện ở châu Âu. MG Motor, thuộc sở hữu của hãng xe nhà nước SAIC, đã bán được 40.000 chiếc xe điện ở châu Âu vào năm ngoái, trong khi các hãng xe điện khác của của Trung Quốc như Nio, Xpeng, BYD bắt đầu thâm nhập vào các thị trường nhỏ hơn ở châu Âu bao gồm Na Uy.
Tất cả các starup xe điện của Trung Quốc đều có kế hoạch tăng cường đáng kể sự hiện diện trên thị trường quốc tế trong vài năm tới và một số startup này đang tung ra các mẫu xe xe điện rất cạnh tranh về giá để đạt được mục tiêu đó.
Hiện tại, cơ hội đang mở ra cho họ ở châu Âu khi nhiều hãng xe lâu đời ở khu vực này giảm tốc độ triển khai xe điện vì các quy định quản lý khí thải carbon áp dụng các phương tiện giao thông của khu vực này sẽ chưa thắt chặt thêm cho đến năm 2025. Với việc Tesla, BYD và các công ty startup xe điện của Trung Quốc đều đã bước vào "sân nhà" của họ, đây có thể không phải là một chiến lược khôn ngoan.
Nhận thức về xe điện ở Trung Quốc thay đổi rất nhanh. Năm 2019, Trung Quốc đã đề xuất điều mà lúc đó được nhiều người xem là mục tiêu "khó nhằn": xe năng lượng mới (gồm xe thuận điện, xe lai sạc điện, xe pin nhiêu liệu hydro) phải chiếm 25% tổng doanh số bán ô tô con trong nước vào năm 2025.
Tuy nhiên, tỷ lệ đó có vẻ sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Các startup xe điện của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến mục tiêu này thành hiện thực.
Theo Bloomberg