Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng nhiên liệu sạch: lo ngại chi phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sử dụng nhiên liệu sạch: lo ngại chi phí

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang trao đổi tại diễn đàn sáng ngày 6-4, Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) - Ứng dụng khí nén tự nhiên (Compressed Natural Gas - CNG) nhằm thay thế xăng dầu trong ngành vận tải ở Việt Nam là một giải pháp được các chuyên gia và giới doanh nghiệp đánh giá giúp tiết kiệm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ý kiến này được đưa ra tại diễn đàn quốc tế với chủ đề "The Green Road to Vietnam" (Con đường xanh đến Việt Nam) về ứng dụng khí nén tự nhiên cho xe ô tô được tổ chức tại TPHCM vào ngày 6-4 với sự tham dự của gần 150 chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư và giới doanh nghiệp ô tô trong và ngoài nước.

Thị trường tiềm năng cho CNG

Tại diễn đàn kéo dài 2 ngày này, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao về tiềm năng thị trường khí nén tự nhiên của Việt Nam trong tương lai, nhất là ứng dụng đối với ngành giao thông vận tải công cộng như xe buýt và taxi.

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam hầu như các phương tiện ô tô vẫn chạy bằng xăng dầu. Chính điều này, đã làm cho chi phí vận chuyển của Việt Nam tăng cao. Và mỗi năm nhà nước phải trợ giá nhiên liệu hàng nghìn tỉ đồng. Riêng TPHCM, mỗi năm thành phố phải bỏ ra hơn 600 tỉ đồng trợ giá xe buýt, mà chủ yếu là trợ giá nhiên liệu xăng dầu.

Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc hoặc nước láng giềng như Thái Lan đã ứng dụng khí  nén tự nhiên dùng trong vận chuyển cho xe buýt cũng như taxi với chi phí vận chuyển thấp hơn ở Việt Nam trong việc sử dụng nhiên liệu xăng dầu hiện nay.  

Các chuyên gia cho rằng, nhiên liệu CNG là loại khí nén methane tự nhiên phát sinh từ quá trình phân hủy xác thực vật, khai thác dầu khí, bùn... có thể dùng làm nhiêu liệu cho động cơ ô tô, xe máy... với nhiều ưu điểm là sạch, rẻ và an toàn.

Ông Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng - Cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam có trữ lượng khí tự nhiên methane rất lớn, có khả năng tự chủ công nghệ trong khai thác, sản xuất CNG để cung ứng cho yêu cầu hình thành và phát triển công nghiệp ô tô sử dụng khí tự nhiên. Cùng với nhu cầu vận chuyển tăng cao, Việt Nam được xem là thị trường lớn trong việc sử dụng CNG trong thời gian tới, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Ông Quyền nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, trong điều kiện hạ tầng giao thông của các thành phố lớn Việt Nam hiện đang quá tải, yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cấp bách, việc sử dụng khí nén tự nhiên CNG trong hoạt động vận tải công cộng như xe buýt hoặc taxi sẽ đảm bảo tính kinh tế, sạch và an toàn khi sử dụng.  

E ngại từ chi phí

Tuy nhiên, tại diễn đàn, không ít ý kiến lo ngại về việc thay đổi này do chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Cụ thể một chiếc xe buýt hiện nay, muốn thay đổi công nghệ sử dụng khí nén tự nhiên CNG thay nhiên liệu xăng dầu phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng để lắp đặt công nghệ - một nguồn vốn đầu tư quá lớn, mặc dù là chi phí lâu dài.

Mặt khác, vấn đề tâm lý của người sử dụng cũng là một hạn chế. Theo ông Quyền, sự lo lắng về an toàn của động cơ nhất là khi sử dụng chung cả hai loại nhiên liệu (xăng/dầu và CNG) và an toàn của chính con người do CNG có áp lực cao như vậy khiến người dân ngại chuyển đổi khi đang sử dụng quen các phương tiện và hệ thống vận tải hiện có từ nhiều năm nay.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng cho rằng để phát triển việc sử dụng sản phẩm năng lượng sạch CNG tại Việt Nam còn khá nhiều việc phải bàn và tính toán kỹ như việc chuyển đổi, trang bị động cơ sử dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu, thủ tục pháp lý điều khiển phương tiện giao thông...

Hiện nay, nhà máy sản xuất khí nén thiên nhiên CNG tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được hoàn thành và việc lắp đặt thử nghiệm hai trạm nạp nhiên liệu ở Hà Nội và Vũng Tàu cũng đã hoàn tất. Chủ đầu tư dự án này là PetroVietnam sẽ tiếp tục đầu tư 360 trạm nhiên liệu CNG với kinh phí khoảng 252 triệu đô la Mỹ tại 360 trạm dừng xe buýt trên địa bàn TPHCM.

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới