Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng rượu bia: chuyện cá nhân hay xã hội?

Lê Minh Tiến(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo thông tin, kể từ cuối tháng 11-2023 cho đến trước Tết Nguyên đán 2024, Cảnh sát giao thông TPHCM sẽ ra quân đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Có lẽ đây là lần ra quân đo nồng độ cồn quyết liệt nhất từ trước tới nay. Thế nhưng, một câu hỏi cũng nên được đặt ra là liệu điều này có thể làm thay đổi hành vi sử dụng rượu bia của người dân hay không?

Để có thể trả lời câu hỏi này, có lẽ cần xác định trước là liệu hành vi sử dụng rượu bia là một hành vi mang tính cá nhân, hay nói cách khác là một sở thích của cá nhân hay đây là một hiện tượng xã hội? Dưới nhãn quan của xã hội học, việc sử dụng rượu bia dù diễn ra nơi các cá nhân nhưng đây là một hiện tượng xã hội, tức việc sử dụng loại thức uống có cồn này có tương quan với những yếu tố xã hội khác như văn hóa, tôn giáo…

Xét về mặt nghiên cứu, trong lĩnh vực xã hội học thì nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim là người đầu tiên đưa việc sử dụng rượu vào trong phân tích xã hội học qua công trình nổi tiếng có nhan đề “Tự tử” (Le Suicide) công bố năm 1897. Trong công trình này, ông đã phân tích mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu với việc tự tử và ông đi đến kết luận rằng không có mối quan hệ giữa hai yếu tố này vì việc sử dụng rượu nhiều hay ít không tác động đến tỷ lệ tự tử trong các quốc gia được ông phân tích.

Từ đó, dần dần việc sử dụng rượu bia trở thành một chủ đề nghiên cứu xã hội học mà theo đó, việc sử dụng rượu bia phụ thuộc vào từng bối cảnh xã hội cụ thể, tức là cần xem cái căn nguyên xã hội của hành vi này. Trước hết, có mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu bia với tôn giáo. Quan sát thường ngày và những số liệu thống kê cho thấy những quốc gia theo các tôn giáo khác nhau thì việc sử dụng rượu bia cũng khác nhau vì có một số tôn giáo cấm đoán và một số khác thì khoan dung hơn với việc sử dụng rượu bia. Chẳng hạn, ở những quốc gia theo Islam giáo (thường gọi là Hồi giáo) hay Phật giáo thì việc sử dụng rượu bia ở những quốc gia này cũng rất thấp do hai tôn giáo này cấm uống rượu bia vì xem rượu bia là cội nguồn của những điều xấu.

Nguyên nhân xã hội thứ hai có liên quan là các giá trị, chuẩn mực của mỗi nền văn hóa. Có một số nền văn hóa thì xem việc sử dụng rượu bia là một chuẩn mực, tức là cái cần phải có. Chẳng hạn như nền văn hóa của Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng từ Nho giáo, xem rượu bia là một thành tố không thể thiếu trong những dịp quan trọng của đời người như hôn nhân hay việc đánh dấu sự trưởng thành của cá nhân, và điều này được thể hiện qua câu nói rất phổ biến “vô tửu bất thành lễ”, tức là không phải không có rượu thì không có lễ hội nhưng lễ hội sẽ không trọn vẹn nếu thiếu sự hiện diện của rượu.

Đồng thời, trong một số nền văn hóa, rượu bia còn có chức năng tạo dựng nên các mối quan hệ xã hội giữa các cá nhân, và ở Việt Nam, nhiều khi rượu bia còn là yếu tố quan trọng trong việc làm ăn mua bán, ký kết các hợp đồng hợp tác hay giao địch trong đầu tư, mua bán. Bởi thế mà người ta thường nói “chén rượu mở đầu câu chuyện”, tức là sự kết nối, sự thân tình sẽ dễ nảy sinh thông qua trung gian của rượu bia.

Dĩ nhiên, rượu bia cũng gắn liền với tình trạng kinh tế - xã hội của mỗi cá nhân nữa. Nghiên cứu của Huckle và cộng sự (2010) tại New Zealand cho thấy việc sử dụng thức uống có cồn phụ thuộc vào địa vị kinh tế - xã hội của cá nhân mà theo đó, những người có thu nhập thấp, học vấn thấp thì thường uống nhiều rượu bia (uống say) hơn so với những người có thu nhập cao, học vấn cao, nhưng người có thu nhập cao và học vấn cao thì sử dụng rượu bia thường xuyên hơn dù uống ít rượu bia trong mỗi lần uống.

Kết quả khảo sát tại Anh thì cho thấy nam giới sử dụng rượu bia nhiều hơn nữ giới, người có gia đình sử dụng rượu bia nhiều hơn người độc thân và người góa bụa. Như vậy, việc sử dụng rượu bia chịu tác động từ các yếu tố như giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội chứ không phải là một hành vi tự nhiên thuộc về cá nhân.

Mặc dù ai cũng biết sử dụng rượu bia gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân người sử dụng lẫn xã hội, như làm gia tăng bệnh tật, tai nạn giao thông, làm ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động, và dù có nhiều hình thức xử phạt liên quan đến việc sử dụng rượu bia thì hiện tượng này vẫn cứ tồn tại vì nó gắn liền với những nhân tố văn hóa - xã hội như đã phân tích.

(*) Giảng viên trường Đại học Mở TPHCM.

6 BÌNH LUẬN

  1. Xung quanh rượu bia có quá nhiều chuyện kéo theo. Tốt, xấu, hay, dở, khóc, cười, kể cả sống và chết… Đa dạng và đầy đủ mọi cung bậc dành cho đời sống con người. Ngày xưa, nam vô tửu như kỳ vô phong. Ngày nay, cốc bia cốc rượu là đầu câu chuyện. Ngày mai, rượu bia đi về đâu, có lẽ chưa ai biết chắc được. Chỉ có một thực tế phải thừa nhận, rượu bia chả có tội tình gì. Rượu bia ra đời để phục vụ nhân loại, nhưng sử dụng rượu bia như thế nào là quyền và trách nhiệm của mỗi người.

  2. Hậu quả của việc uống bia rượu thì rất nhiều; tông xe , tự ngã xe làm chết người, làm nhiều người tàn tật trở thành gánh nặng của xã hội, làm nhiều gia đình tan nát, làm các bệnh viện phải gánh thêm bệnh nhân bị bệnh do rượu bia và do đâm chém đánh nhau, cha ông uống rượu làm các đứa trẻ thế hệ sau bị ảnh hưởng của bia rượu trở nên ngu ngốc v.v rất nhiều và rất nhiều. Không nên lấy lý do này nọ không chính đáng để không có chính sách hạn chế rượu bia.

  3. Không có chuyện cấm rượu bia. Chỉ cấm sản xuất, tiêu dùng rượu bia trái luật, trái giới. Câu chuyện còn lại là, mỗi người và toàn thể cộng đồng có nghĩa vụ và quyền lợi khi hướng đến xây dựng hành vi ứng xử văn hóa trong tiêu dùng rượu bia.

  4. Chuyện cá nhân/ xã hội, luôn luôn hoán đổi cho nhau. Trong nhà, rồi ra ngoài đường. Ngoài đường, mang về nhà. Câu chuyện bia rượu cũng vậy thôi. BEER – ALCOHOL. Không có hai thứ này, cuộc đời sẽ thiếu cảm giác thú vị cần thiết. DRINK thì được. Đừng để DRUNK.

  5. Mức độ cấm nồng độ cồn linh hoạt: Tài xế “dân biểu” : 100%, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho số đông hành khách. Tài xế “dân gian” : 50%. Tài xế “dân chính” (công quyền): 100%, gương mẫu. Tài xế “dân chơi” : 100%. Tài xế “dân du” (khách nước ngoài): 0-100%, miễn trừ đối với người lần đầu đến VN.

  6. CSGT thì nói rằng việc xử phạt nồng độ cồn đã làm người dân có ý thức và giảm việc rượu bia còn tôi thì chỉ vì sợ bị phạt.
    Việc sử dụng rượu bia không chỉ là vô ích, có hại, là sở thích cá nhân và tôi đồng ý với phân tích của tác giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới