(KTSG) - Những sử gia đến từ bên ngoài đã mang lại sự hiểu biết lịch sử Việt Nam thấu đáo và lắm khi bất ngờ với chính người Việt Nam vì những phát hiện thú vị. Trong cái nhìn liên ngành, liên kết toàn cầu, họ làm cho câu chuyện lịch sử Việt Nam trở nên gắn kết, hấp dẫn.
Vượt qua những rào cản
Cho đến nay, cuốn Imperial Heights - Dalat and the Making and Undoing of French Indochina (tựa tiếng Việt: Đỉnh cao đế quốc - Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp)(1) được in và tái bản nhiều lần tại Việt Nam. Độc giả quan tâm tới lịch sử thuộc địa ở Viễn Đông nói chung, lịch sử đô thị Đà Lạt nói riêng thì không thể thiếu cuốn sách này trên kệ. Tác giả cuốn sách, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Victoria (Toronto, Canada) - Eric T. Jennings cho hay, ông đã bỏ mười năm để viết cuốn sách này.
“Như nhiều sử gia khác, thực tế là cùng lúc tôi đeo đuổi nhiều dự án. Tôi cũng tham khảo tài liệu ở nhiều quốc gia. Các trung tâm lưu trữ của Việt Nam ở Hà Nội, TPHCM và Đà Lạt là đương nhiên rồi. Nhưng còn ở cả Pháp, Thụy Sỹ, Canada, và cả ở Mỹ nữa. Tôi cứ lần theo những manh mối mà các tài liệu hé mở và việc truy tìm đã đưa tôi theo nhiều hướng bất ngờ”, tác giả cuốn sách trên kể lại như vậy về quá trình khảo cứu trong một phỏng vấn của Trần Đức Tài.
Qua cách khảo cứu và thể hiện của nhà nghiên cứu Canada nói trên, lịch sử Đà Lạt gắn với những chương trình khai phá, xây dựng trạm an dưỡng cấp thời của người Pháp ở Đông Dương hồi cuối thế kỷ 19. Mục đích ban đầu, đó là nơi trú ẩn, thoát khỏi các chứng bệnh nhiệt đới, sau đó, là một khu nghỉ dưỡng, một vườn ươm nòi giống Pháp và xa hơn nữa, là đỉnh cao tham vọng - trở thành thủ phủ liên bang Đông Dương.
Nhưng đó cũng là thành phố trình bày rõ ràng con đường thiết lập sự hưng thịnh của quyền lực cho đến suy vong của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương vào giữa thế kỷ 20. Viết sử với một tư duy mới, một phương pháp vi lịch sử (micro history), các câu chuyện được Eric T. Jennings đưa vào sách hấp dẫn, khả tín bởi nguồn tài liệu dày công phu .
Nhà nghiên cứu sinh năm 1970 có mẹ là người Pháp, sinh ra ở Mỹ và trưởng thành ở Canada đã chọn Đà Lạt làm đối tượng nghiên cứu, đơn giản là khởi từ một thắc mắc trong một lần ông tiếp cận được bức điện tín từ Pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương nhưng địa chỉ đến lại là Đà Lạt. “Lạ quá, sao toàn quyền này không ở Hà Nội chứ?”, ông tự hỏi. Và những tìm tòi giúp ông dần dần hiểu ra tầm quan trọng của Đà Lạt đối với Đông Dương trong thời Pháp thuộc.
Với các nhà nghiên cứu nước ngoài hướng đến đề tài lịch sử Việt Nam, quá trình sưu khảo, xử lý tài liệu lưu trữ ở nhiều nơi rất phức tạp và những cơ chế tài trợ, giải thưởng, học bổng khuyến khích nghiên cứu các nước là một trong những điều giúp họ chuyên tâm, không lo lắng về tài chính lẫn thủ tục. Có thể đọc thấy trong lời cám ơn, Jennings nhắc đến sự hỗ trợ của: Hội đồng Nghiên cứu Khoa học xã hội và nhân văn Canada, cơ quan này đã trợ giúp nhiều chuyến du khảo tới Việt Nam và Pháp; Học viện Nghiên cứu sức khỏe Canada tài trợ việc nghiên cứu chính yếu cho chương 1 và 3; một khoản tài trợ cho nghiên cứu của Đại học Victoria và một học bổng Spooner giúp nghiên cứu sâu hơn tại các văn khố thuộc địa tại Pháp, Việt Nam và một giải thưởng nghiên cứu JIGES cho phép tiếp cận nguồn tài liệu tại Zurich.
Nếu Eric T. Jennings tạo nên nguồn cảm hứng cho những ai quan tâm đến đô thị học qua trường hợp Đà Lạt thì Jason Gibbs lại kéo người quan tâm đến tân nhạc Việt Nam phải đọc kỹ các tiểu luận của ông trong cuốn Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn - Câu chuyện tân nhạc Việt Nam - để biết văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Đến Việt Nam vào năm 1993, khi đang là chuyên viên thư viện công cộng San Francisco, California (Mỹ), đồng thời là người soạn nhạc, chơi nhạc, Jason Gibbs dành nhiều thời gian nghiên cứu về ảnh hưởng của nhạc phương Tây đến tân nhạc Việt Nam từ những năm 1930 cho đến sau ngày đất nước thống nhất.
Học tiếng Việt để nghe nhạc Việt và viết khảo cứu về tân nhạc Việt Nam, Gibbs tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt với những nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam qua tác phẩm của ông. “Với bản thân tôi, từ khi dịch những bài viết này (của Jason Gibbs) cách đây hơn một thập niên, tôi đã có được một cảm hứng để tìm đọc những nghiên cứu khác về Việt Nam cũng như viết những cuốn sách của riêng mình.
Có những nơi Jason Gibbs đã cày xới, cũng có rất nhiều vùng trống còn đợi nhiều người, trong đó có tôi, tiếp cận”, Nguyễn Trường Quý, dịch giả cuốn sách và đồng thời là nhà biên khảo Hà Nội đã viết như thế trong lời giới thiệu lần tái bản cuốn Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn(2). Cuốn sách này cũng đã từng được tái bản, được giới nghiên cứu âm nhạc trong nước trích dẫn khá nhiều.
Mảnh đất màu mỡ
Các tác phẩm điền dã dân tộc học của những nhà truyền giáo, những ghi chép thực địa của các nhà buôn, công chức, du khách, nhà văn... là nền tảng sử liệu giúp ta hiểu nhiều hơn về Việt Nam trong quá khứ. Rất nhiều bút ký hành trình từ thế kỷ 17-19, trong mắt người phương Tây, Việt Nam là một vùng đất mới, các ghi chép đậm chất Đông phương luận của họ là kết quả của những bước tiếp cận cái dị biệt và thậm chí “va chạm” về văn hóa.
Vào đầu thế kỷ 20, cùng với Viện Viễn Đông Bác cổ, các nhà nghiên cứu độc lập đã ra sức tìm hiểu Đông Dương như một cái nôi hợp dung hai nền văn hóa Ấn độ và Trung Hoa, một phương Đông của exotic (hương xa) để mang lại các trải nghiệm mới lạ mà người phương Tây tò mò muốn biết. Thời sau hòa bình, đặc biệt là khi đất nước mở cửa, việc các nhà nghiên cứu phương Tây chọn Việt Nam làm điểm đến trong các chủ đề của mình lại cho thấy lịch sử đất nước này đặt trong tương quan lịch sử thế giới cần được nhìn nhận lại bằng một phương pháp và lối tư duy khác, có tính liên ngành và vượt qua các ranh giới truyền thống.
Có thể nhận thấy có sự chuyển tiếp về phương pháp nghiên cứu lịch sử Việt Nam qua các tác phẩm của Philippe Papin (Pháp), David G. Marr, George Dutton (Mỹ), Li Tana (Úc), Yoshiharu Tsuboi (Nhật)... Dù ở khoanh vùng đề tài nào, họ đều có những công trình sử học đáng kể, giàu phát hiện khi nghiên cứu về Việt Nam, cho dù vì nhiều lý do, số phận công trình của mỗi người ở chính tại Việt Nam không hề giống nhau.
Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào thế giới toàn cầu hóa như một xu thế tất yếu, con đường những sử gia trẻ đến với các chủ đề lịch sử, văn hóa Việt Nam ngày càng rộng mở. Các nghiên cứu của họ không còn nhất thiết phải đi vào những vấn đề “đại tự sự”, những luận đề lớn lao hay phải khoác lên màu sắc quan điểm chính trị như trước đó mười, hai mươi năm, mà mở ra những hướng mới, vi lịch sử, thể hiện lịch sử bằng cách tái tạo câu chuyện hấp dẫn, quan tâm nhiều tới yếu tố địa văn hóa trong tương quan khu vực và toàn cầu... làm cho các tác phẩm vừa đảm bảo tính khả tín, hàn lâm lại vừa có sức hấp dẫn đại chúng. Quan trọng nhất, là giúp cho chính sử học thoát ra khỏi tháp ngà kinh viện để chạm vào đời sống một cách gần gũi.
Ngoài hai ví dụ về lịch sử Đà Lạt thời Pháp thuộc trong sách Eric T. Jennings và diễn trình tân nhạc Việt Nam trong sách của Jason Gibbs, thì có thể kể thêm nhiều trường hợp thú vị.
Vấn đề tiếng nói, nguyện vọng dân chúng thể hiện qua ăn uống trong cuốn Appetites and Aspirations in Vietnam: Food and Drink in the Long Nineteenth Century (Khoái khẩu và khát vọng: Hay là câu chuyện đồ ăn thức uống trong trường thiên thế kỷ 19 ở Việt Nam)(3) của Erica J. Peters là một thí dụ. Từ các tài liệu về việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng thực phẩm vào thế kỷ 19, tác giả đưa ra những phát hiện bất ngờ từ hai phía: về phía nhà cầm quyền thực dân, việc kiểm soát thực phẩm là kiểm soát công cụ kinh tế và quyền lực; về phía dân chúng, việc chọn tiêu thụ thực phẩm không chỉ trình bày chủ nghĩa dân tộc, mà còn là cách bộc lộ khát vọng khẳng định giá trị cộng đồng dân tộc thông qua cái ăn.
Tác giả Erica J. Peters là đồng sáng lập và là Giám đốc Hội Sử gia Ẩm thực Bắc California. Bà có thời gian dài nghiên cứu ẩm thực Việt Nam và nhìn ẩm thực như một yếu tố sử học, văn hóa học và chính trị học. Các phát hiện của bà được công bố trong nhiều hội thảo quốc tế và cô đọng trong cuốn sách vừa được ra mắt độc giả Việt Nam trong năm 2023.
Rất gần với cách khai thác của Erica J. Peters, nhà nghiên cứu Nir Avieli (Israel) thì chọn khảo sát ẩm thực ở một khoanh vùng hẹp, đương đại là Hội An để viết công trình Rice Talks: Food and Community in a Vietnamese Town (Tạm dịch: Chuyện gạo: Thức ăn và cộng đồng tại một thị trấn Việt Nam)(4). Từ một khách du lịch ba lô đến Hội An vào năm 1993, và sau đó từ 1998 thì Nir Avieli trở lại nhiều lần để nghiên cứu nhân học ẩm thực. Tác phẩm chứa đựng một thực tế sống động và các phân tích chi tiết, hấp dẫn từ trong cung cách người Hội An dùng bữa, cấu trúc trên bàn ăn của họ và xa hơn, là những triết lý chứa đựng trong từng món ăn. Bữa ăn Hội An là sự củng cố tình cảm, nhưng cũng là nơi xác lập các vị trí, tôn ti trong và ngoài gia đình, gia tộc...
“Trong cuốn sách này, tôi tiếp cận ẩm thực và cách ăn uống theo một cách khác: tập trung vào khía cạnh văn hóa và xã hội của lĩnh vực ẩm thực ở thị trấn nhỏ Hội An và nhấn mạnh động cơ lẫn ý nghĩa của việc ăn uống vượt qua nhu cầu sinh lý hoặc giới hạn sinh thái, tôi cho rằng khi nhìn vào thực hành ăn uống cho phép chúng ta tiếp cận xã hội và văn hóa Việt Nam từ một góc nhìn độc đáo. Tôi chứng minh rằng đây là một lăng kính phân tích mạnh mẽ cho phép có được những hiểu biết mới về hiện tượng ‘là người Việt Nam’”, Nir Avieli viết trong lời dẫn nhập.
Nhãn quan mới, phương pháp mới
Trong chừng hai thập niên qua, trước những vấn nạn môi trường toàn cầu, trào lưu nghiên cứu lịch sử sinh thái đang được chú trọng. Từ nhãn quan của nghiên cứu lịch sử sinh thái, các tác giả Michitake Aso, David Biggs đều tìm được những đề tài thú vị tại Việt Nam và tạo nên những công trình có tiếng vang.
Michitake Aso trong Rubber and the Making of Vietnam: An Ecological History (tên sách tiếng Việt: Cây cao su ở Việt Nam - Dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897-1975)(5) đã nhìn sự du nhập giống cây cao su vào Việt Nam trong thời Pháp thuộc, tạo nên những đồn điền không chỉ là vấn đề “khai thác thuộc địa” như bấy lâu ta vẫn nghe qua. Qua công trình công phu này, tác giả là một sử gia về môi trường toàn cầu đã nhìn cao su - giống cây ngoại lai - như một biểu tượng thể hiện rõ nhất phía sau đó bức tranh một xã hội nô lệ và một dân tộc tự do.
Các đồn điền là nơi biểu hiện rõ nhất sự áp đặt quyền lực, các mức độ cai trị của nhà cầm quyền thực dân và cũng là nơi tức nước vỡ bờ, bùng phát các phong trào chống thực dân; đó lại là nơi triển khai các cương lĩnh xây dựng quốc gia. “Chúng ta sẽ không thể hiểu lịch sử Việt Nam và Campuchia trong thế kỷ 20 mà không tìm hiểu những tác động của các đồn điền lên môi trường và sức khỏe con người”, tác giả viết.
Trong khi đó, David Biggs dành nhiều năm để khảo cứu về lịch sử sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long và tương quan sinh thái học của vùng đất này với lịch sử dựng nước. Cuốn Quagmire: Nation - Building and Nature in the Mekong Delta (Tựa tiếng Việt: Đầm lầy: Kiến tạo quốc gia và tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long)(6) của David Biggs là toàn cảnh bức tranh khẩn hoang và không chỉ cải biến đồng bằng theo mục đích khai thác, lập nên xứ sở, cộng đồng quốc gia và khi cần, còn có thể sử dụng đặc thù tự nhiên vào trong các sách lược quân sự của các phong trào kháng chiến địa phương...
Đầm lầy, một mặt là sức mạnh của dân bản xứ, nhưng lại là ẩn dụ về sự thách đố tự nhiên quá sức, dẫn đến thất bại (hay sa lầy) đối với các thế lực ngoại xâm. Từng đến miền Nam dạy tiếng Anh, David Biggs theo đuổi nghiên cứu lịch sử môi trường Việt Nam và bảo vệ tiến sĩ tại Đại học Washington. Ngoài Đầm lầy, ông còn một cuốn Footprins of War, đặt lịch sử môi trường trong những dấu ấn của cuộc thời chiến tranh.
Điều thú vị là cả hai sử gia, David Biggs lẫn Michitake Aso với các công trình về lịch sử sinh thái Việt Nam đều dành được những giải thưởng quốc tế rất danh giá về nghiên cứu môi trường. Michitake đoạt giải Henry A. Wallace của Hội Lịch sử Nông nghiệp và giải thưởng Charles A Weyerhaeuser của Hội Lịch sử Rừng cho công trình Cây cao su ở Việt Nam. Còn cuốn Đầm lầy của David Biggs thì được ghi nhận tại giải George Perkins Marsh 2012 cho sách hay nhất về lịch sử môi trường.
* * *
Có thể thấy bóng dáng các nhà nghiên cứu nước ngoài tại những thư viện, trung tâm lưu trữ Việt Nam hay dấn thân vào những cuộc điền dã không mỏi mệt dù với họ, biết bao rào cản phía trước khi theo đuổi một nghiên cứu về Việt Nam. Các công trình của họ tạo nên sự ngạc nhiên thú vị đối với độc giả trong nước, khi mà giới nghiên cứu trong nước hoặc chưa có những công trình đột phá, phát hiện và lan tỏa, hoặc chưa theo kịp xu hướng phương pháp nghiên cứu lịch sử mới bên ngoài (cũng có thể bởi đơn thuần chạy theo những dự án đặt hàng và xếp mãi trên các kệ sách của những trường, viện).
Không chỉ đem lại cái nhìn mới, cách kể mới, tham chiếu mới cho người đọc ngay chính tại Việt Nam, các sử gia ngoại quốc đang dấn thân trong địa hạt Việt Nam học vừa kể trên còn tạo nguồn cảm hứng và đánh thức trách nhiệm đối với giới nghiên cứu trong nước.
(1) Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2022.
(2) Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Đà Nẵng, 2019.
(3) Trịnh Ngọc Minh dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2023.
(4) Được biết, bản tiếng Việt do Phạm Minh Quân chuyển ngữ sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam trong tương lai gần.
(5) Hải Thanh, Minh Tâm, Khánh Tâm dịch, NXB Tổng hợp TPHCM, 2023.
(6) Trịnh Ngọc Minh dịch, Phanbook & NXB Hồng Đức, 2019.