Sự tin cậy, đạo đức và luật pháp
(TBKTSG) - Trong đời sống xã hội, tại sao người ta phải tin nhau? Nếu người ta không còn tin nhau thì hậu quả sẽ ra sao? Đâu là những điều kiện xã hội của sự tin cậy nhau trong xã hội?
Có thể hiểu sự “tin nhau” hay “tin vào người khác” là yên tâm nghĩ rằng người khác sẽ cư xử đúng như mình mong đợi, sẽ làm đúng như lời họ nói. Đây là một tâm thế cởi mở, thật tình, không có định kiến với người khác, kể cả những người chưa quen biết.
Sự tin cậy và sự trung thực
Niềm tin vào người khác ở đây được hiểu không như một khái niệm đạo đức hay tôn giáo, mà như một khái niệm xã hội học. Georg Simmel là nhà xã hội học Đức đầu tiên phân tích khái niệm này. Trong cuốn Sự bí mật và những hội kín (1908), ông cho rằng “mọi mối quan hệ giữa con người với nhau đều đương nhiên dựa trên sự kiện là họ biết gì đó về nhau”. Trong buôn bán, người chủ tiệm biết là khách hàng của mình muốn mua món hàng tốt nhất với giá thấp nhất; người thầy giáo biết là mình có thể đòi hỏi sinh viên phải đạt được một số kiến thức nào đó; vị giám đốc xí nghiệp biết là mình có thể yêu cầu một khối lượng và một chất lượng sản phẩm nào đó đối với công nhân... Nếu không có sự hiểu biết đó, thì hoàn toàn không thể có bất cứ sự tương tác nào trong xã hội. Tuy nhiên, trong những xã hội ngày càng phức tạp và phát triển, “đời sống dựa trên hàng ngàn giả định mà cá nhân hoàn toàn không thể nắm hết hay kiểm chứng hết mọi ngọn nguồn, nhưng họ buộc phải chấp nhận chúng dựa trên sự trung tín [Treu] và sự tin cậy [Glauben]”.
Bao lâu mà pháp luật chưa nghiêm và chưa mang đầy đủ tính chất dân chủ và lý tính thì sự suy thoái đạo đức trong xã hội và tình trạng mất niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội là điều khó tránh khỏi. |
Simmel coi lòng tin cậy là một trong những thuộc tính chủ yếu, thậm chí là thuộc tính đầu tiên, của các xã hội hiện đại; ông coi các xã hội này là những xã hội của lòng tin cậy. Trong những xã hội này, cuộc sống của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào niềm tin vào người khác và vào sự lương thiện của người khác. “Những quyết định quan trọng nhất của chúng ta thường dựa trên một hệ thống các quan niệm phức tạp mà phần lớn trong đó đều dựa trên sự đoan chắc là mình không bị đánh lừa”.
Vì thế, nói cách nào đó, niềm tin cũng là một sự đánh cược. Theo Simmel, ai đã biết hết thì không cần phải tin cậy, nhưng ngược lại, ai không biết gì hết thì cũng không thể tin cậy một cách hợp lý. Ông gọi sự tin cậy là “một tình trạng trung gian giữa sự hiểu biết và sự không hiểu biết”, và ông định nghĩa sự tin cậy là “một giả thuyết về một ứng xử tương lai, khá chắc chắn để người ta có thể dựa trên đó mà hành động”.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng đặc trưng cơ bản của con người kinh tế (homo oeconomicus) chỉ là sự tính toán lợi ích và thường bỏ quên khía cạnh “niềm tin” này trong ứng xử của con người xã hội. Theo C. Koenig và G. Van Wijk (1992), sự tin cậy là một thứ “khế ước mặc nhiên” giữa con người với nhau. Sự tin nhau vừa là phương tiện, vừa là biểu hiện của các mối liên hệ xã hội. Tâm thế này là một trong những điều kiện căn bản để có thể duy trì đời sống tập thể, nó nằm ngay trong kết cấu của các mối liên hệ xã hội. Người ta không thể sống được với nhau nếu không tin nhau.
Chất kết dính của sự tin cậy trong xã hội chính là sự thật. Do vậy, nói đến sự tin cậy là phải nói đến tính trung thực: khi làm điều mình nói, và nói điều mình làm, thì chúng ta được coi là người đáng tin cậy. Còn khi người ta không còn tin nhau nữa, thì lúc ấy bắt đầu xuất hiện sự hoài nghi và sự giả dối.
Sự hoài nghi và sự giả dối
Thực ra, theo Simmel, chúng ta cần phân biệt giữa sự nói dối và sự chọn lọc những gì cần nói trong những bối cảnh nhất định. Ông viết: “Nếu người ta cứ phát biểu tất cả mọi thứ [trong đầu mình] một cách trung thành tuyệt đối theo thứ tự thời gian, thì người ta sẽ đi thẳng vào nhà thương điên”! Tuy nhiên, Simmel nói thêm rằng nếu việc nói dối có thể cần thiết trong một số hoàn cảnh quan hệ liên cá nhân nào đó, thì trong đời sống xã hội hiện đại, việc này lại trở thành một mối nguy cơ lớn: “Sự nói dối đe dọa sự tồn tại của nhóm trong những xã hội đơn giản ít hơn nhiều so với những xã hội rất phức tạp”. Bởi lẽ sự giả dối không cách bao xa sự gian dối.
Những hiện tượng giả dối và gian dối trong xã hội chúng ta ngày nay (như chạy chọt, xu nịnh, cơ hội, mua bằng bán điểm, vòi vĩnh, ăn chặn...) một khi phổ biến thì quả là hết sức nguy hại, bởi vì chúng có thể dẫn tới không chỉ sự phạm pháp, mà nghiêm trọng hơn và sâu xa hơn, còn có nguy cơ phá vỡ niềm tin giữa con người với nhau trong cuộc sống xã hội - nghĩa là hủy hoại chính cái cốt lõi nhất của mối dây liên hệ xã hội. Khi người ta không ai tin ai, cái gì cũng hoài nghi, kể cả lòng tốt của người khác, thì lúc ấy không khác gì tình cảnh mọi người chống lại nhau mà Hobbes đã cảnh báo (bellum omnium contra omnes), hay cũng có thể gọi là tình cảnh mang tính chất “Chí Phèo” trong đó người ta trở nên vô cảm và cư xử với người khác một cách bất chấp mọi chuẩn mực và luật lệ, miễn là có lợi cho mình.
Những điều kiện xã hội của niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội
Vậy đâu là nguồn gốc của các hiện tượng gian dối và suy thoái niềm tin trong xã hội? Trả lời được câu hỏi này
thì đồng thời cũng có nghĩa là tìm ra những điều kiện xã hội để xác lập niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội. Câu trả lời của chúng tôi, đó chính là nền đạo đức xã hội và luật pháp quốc gia.
Nhiều người thường cho rằng sự suy thoái đạo đức trong xã hội bắt nguồn từ sự sút kém của ý thức đạo đức cá nhân. Lập luận như vậy không hẳn là sai, nhưng thực ra không tiến thêm được bước nào trong việc giải thích. Trong một bài trả lời phỏng vấn để giải thích tình trạng suy thoái về văn hóa, một nhà nghiên cứu đưa ra hai nguyên nhân, một là do hoàn cảnh chiến tranh trước đây, và hai là “có lẽ nằm trong “mã di truyền”, trong cốt cách của dân tộc” (1). Chúng tôi nghĩ rằng giả thuyết thứ hai hoàn toàn không ổn vì mang tính chất định kiến và không thể chứng minh được. Theo chúng tôi, cần tìm nguyên nhân của hiện tượng suy thoái đạo đức này ngay trong nền đạo đức của xã hội, bởi lẽ suy cho cùng và xét một cách tổng thể, ý thức đạo đức cá nhân là sản phẩm phản ánh nền đạo đức của một xã hội nhất định.
Trong môi trường kinh doanh, chữ tín trong xã hội hiện đại cũng mang nội dung khác với chữ tín trong xã hội cổ truyền. Mặc dù các doanh nhân ngày nay vẫn thường tin nhau sau khi trải nghiệm về nhau, nhưng niềm tin này còn được xác lập chủ yếu dựa trên nền tảng luật pháp. Chính điều này làm cho các mối quan hệ giao dịch có thể khuếch trương mạnh và rộng hơn nhiều so với nền kinh doanh cổ truyền. |
Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành, nhà triết học Đức Immanuel Kant nhấn mạnh rằng không thể lấy các giá trị hay các lợi ích đặt làm cơ sở cho đạo đức học; một nền đạo đức học lấy sự thành công hay hiệu quả làm thước đo chủ yếu thì suy cho cùng sẽ thủ tiêu bản thân đạo đức. Theo ông, nguồn gốc của đạo đức nằm trong sự “tự trị” (autonomy), trong việc tự ban bố quy luật của ý chí: “Luân lý là tổng thể những quy luật ra mệnh lệnh vô-điều kiện để ta phải hành động theo chúng”(2).
Theo chúng tôi, bản thân nền đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay đang lâm vào tình trạng bất ổn sâu xa do chủ yếu đặt nền tảng trên quan điểm duy lợi và mang tính chất ngoại trị (heteronomy). Chính vì luôn đề cao lợi ích và hiệu quả lên hàng đầu (duy lợi) và chỉ chú trọng kết quả cần đạt được chứ không chú trọng tới ý chí của “chủ thể luân lý” về cái phải là hay cái phải làm xét như một mệnh lệnh vô điều kiện theo nghĩa của Kant (tức là dựa trên nguyên tắc ngoại trị chứ không phải nguyên tắc tự trị), nên mới phát sinh và lây lan những căn bệnh như bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh thi đua, và hệ quả khó tránh khỏi là bệnh sống hai mặt, hay nói như Kant, đó là sự “đạo đức giả, không có thực chất”, chỉ có cái Thiện trên ngôn từ, chứ không có trong tinh thần. Vì chỉ dựa trên những động lực bên ngoài (chỉ tiêu, thành tích, khen thưởng...) hơn là những động lực thực chất bên trong, tức là các động lực tinh thần và đạo đức, nên hậu quả là làm đảo lộn thang bậc giá trị, đặt nặng mục tiêu hơn là phương tiện, thậm chí có thể đi đến chỗ bất chấp phương tiện, miễn là đạt mục tiêu (chẳng hạn, học để thi, học để lấy bằng; hoặc đề cao lý tưởng làm giàu nơi thanh niên, trong khi thực ra đáng lý cần cổ xúy tinh thần chuyên tâm học tập và cần cù lao động...).
Nguồn gốc thứ hai của tình trạng suy thoái đạo đức xã hội và hoài nghi xã hội chính là sự yếu kém của hệ thống luật pháp cũng như của bộ máy nhà nước. Bao lâu mà pháp luật chưa nghiêm (còn nhiều nhũng nhiễu và tham ô đến mức được gọi là quốc nạn) và chưa mang đầy đủ tính chất dân chủ và lý tính (còn nhiều bất hợp lý, mâu thuẫn...) thì sự suy thoái đạo đức trong xã hội và tình trạng mất niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội là điều khó tránh khỏi.
Theo chúng tôi, sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay thiện ý của cá nhân, mà là xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các quy ước và các chuẩn mực xã hội. Trong xã hội cổ truyền, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một định chế xã hội nào đó, như làng xã, dòng tộc hay cộng đồng tôn giáo. Mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác sẽ cư xử với mình phù hợp với những quy tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Phạm vi bán kính của sự tin cậy này nói chung là hẹp, đóng kín; các mối liên hệ xã hội thường là trực tiếp, mặt đối mặt. Trong xã hội hiện đại, ngoài những mối liên hệ trực tiếp trong gia đình hay giữa bạn bè thân thiết với nhau, người ta còn có những mối liên hệ giao tiếp rộng rãi hơn nhiều ở ngoài xã hội, và trong nhiều trường hợp còn mang tính chất vô danh tính. Những định chế trung giới (mediation) nối kết giữa cá nhân với xã hội không còn là những định chế cổ truyền (như làng xã hay dòng tộc), mà là những định chế xã hội đa dạng và phức tạp của xã hội hiện đại, trong đó đóng vai trò then chốt là những định chế chính trị và luật pháp.
Chức năng của các định chế không hẳn là thúc đẩy sự tin cậy mà trước hết là ngăn cản những kiểu hành vi cơ hội và thất hứa, thông qua các hình thức chế tài khác nhau, nhằm tạo điều kiện hình thành sự tin cậy lẫn nhau trong xã hội. Trong cuộc sống xã hội ngày nay, người ta không thể tin nhau nếu không có một hệ thống luật pháp ổn định và một bộ máy thực thi luật pháp hữu hiệu.
Chính vì lẽ đó mà có tác giả nói tới khái niệm “sự tin cậy được pháp điển hóa” (confiance juridicisée) xét như một sự tiến bộ của nền luật pháp hiện đại, khi mà, thông qua việc ký kết một hợp đồng, người ta có thể dự liệu được tương lai, lồng được tương lai vào trong một bản thỏa thuận dân sự(3). Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, có ghi rõ “nguyên tắc thiện chí, trung thực” như sau trong các mối quan hệ dân sự: “Các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào” (điều 6).
Trong môi trường kinh doanh chẳng hạn, chữ tín trong xã hội hiện đại cũng mang nội dung khác với chữ tín trong xã hội cổ truyền. Mặc dù các doanh nhân ngày nay vẫn thường tin nhau sau khi trải nghiệm về nhau, nhưng niềm tin này còn được xác lập chủ yếu dựa trên nền tảng luật pháp. Chính điều này làm cho các mối quan hệ giao dịch có thể khuếch trương mạnh và rộng hơn nhiều so với nền kinh doanh cổ truyền. Nhà kinh doanh có thể yên tâm ký kết hợp đồng với một nhà sản xuất ở một nước cách xa hàng ngàn cây số, dù có thể chưa quen biết thân thiết lắm, vì tin rằng nếu nhà sản xuất này không tôn trọng hợp đồng thì sẽ có thể viện đến sự can thiệp của luật pháp - nhờ những thỏa thuận về tư pháp đã ký kết giữa hai quốc gia. Trong trường hợp này, sự tin cậy đã có sẵn một khuôn khổ pháp lý để được bảo vệ.
Như vậy, nói tóm lại, để xác lập và nuôi dưỡng niềm tin giữa con người với nhau, đồng thời để chữa trị căn bệnh suy thoái đạo đức và tâm trạng hoài nghi trong xã hội, điều hiển nhiên là cần khôi phục một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị của chủ thể luân lý, nghĩa là tôn trọng và đề cao lương tâm và tinh thần tự quản, tự quyết định của mỗi chủ thể, dựa trên sự tự do và lý tính của mỗi chủ thể luân lý. Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này.
Một xã hội hiện đại không chỉ cần có những công dân tốt, mà còn kỳ vọng có những chủ thể luân lý thực sự tự do.
TRẦN HỮU QUANG
1) Bài phỏng vấn do Kiều Hải thực hiện, “Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ ‘con người’”, Sinh viên Việt Nam Online, 15-10-2008.
(2) Xem bài giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn, “’Phê phán lý tính thực hành’ và sự phản tư đạo đức học”, trong Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft) (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007, trang XI-LX.
(3) Xem F. Terré, “Le doute et le droit : synthèse”, in Le doute et le droit, Ouvr. coll., Dalloz, 1994, tr. 7.