Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sự trở lại của những cổ phiếu blue-chip một thời

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhóm cổ phiếu bán lẻ dường như đang bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại, thể hiện qua đà đi lên mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh kéo theo giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trên thị trường. Dòng tiền cũng đang chú ý đến nhóm này trước triển vọng kinh tế sẽ tăng trưởng khả quan hơn cùng với cầu tiêu dùng mạnh mẽ trở lại.

 

Hái quả ngọt và phục hồi

Chỉ trong vòng hơn chín tháng qua, giá cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) (HOSE: MWG) đã tăng hơn gấp đôi, từ mức quanh 34.000 đồng/cổ phiếu lên gần 70.000 đồng/cổ phiếu. Lợi nhuận kinh doanh trong xu hướng phục hồi trở lại là yếu tố chính thúc đẩy dòng tiền quay trở lại với cổ phiếu từng một thời là blue-chip nóng nhất trên sàn chứng khoán. Mức giá hiện tại cũng không còn cách bao xa so với đỉnh cao gần 80.000 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh) từng đạt được vào tháng 4-2022.

Những khó khăn nhất của TGDĐ dường như đã bỏ lại phía sau. Sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục hơn 4.900 tỉ đồng trong năm 2021, chất xúc tác quan trọng đẩy giá cổ phiếu này liên tục tăng mạnh và lập đỉnh trong những tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của MWG đã liên tục đi xuống trong hai năm sau đó do sức mua yếu hậu đại dịch, cùng với các mảng kinh doanh chính của công ty bước vào giai đoạn thị trường bão hòa.

Lợi nhuận kinh doanh của MWG trong xu hướng phục hồi là yếu tố chính thúc đẩy dòng tiền quay trở lại với cổ phiếu từng một thời là blue-chip nóng nhất trên sàn chứng khoán. Ảnh minh họa: DNCC

Nhưng mọi thứ đang thay đổi, thể hiện qua kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay, với doanh thu thuần đạt hơn 65.620 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỉ đồng, lần lượt tăng 16% và 55 lần so với nửa đầu năm ngoái, hoàn thành 52% mục tiêu doanh thu và 86% chỉ tiêu lợi nhuận. Chủ tịch TGDĐ ông Nguyễn Đức Tài mới đây cũng cho rằng, nếu yếu tố vĩ mô thuận lợi công ty có thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 20-30%/năm, đưa lợi nhuận có thể dần quay về mức kỷ lục trước đây.

Đáng lưu ý, những mảng kinh doanh mới của TGDĐ, sau nhiều năm tập trung đầu tư, có thể sẽ bắt đầu gặt hái được quả ngọt trong thời gian tới. Cụ thể, lợi nhuận của TGDĐ dự kiến sẽ không chỉ đến từ ngành hàng điện thoại và điện máy thông qua hai chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh, mà sẽ còn có sự đóng góp từ Bách hóa xanh và chuỗi Era Blue tại Indonesia.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí 2-2024 của TGDĐ cũng cho thấy, khoản lỗ của Bách hóa xanh phát sinh trong năm 2024 tại ngày 30-6-2024 là hơn 98 tỉ đồng, giảm khoảng 7 tỉ đồng so với con số hơn lỗ 105 tỉ đồng trên báo cáo quí trước đó. Lãnh đạo của công ty cũng cho rằng sau khi có lãi trong quí 2 vừa qua, sang quí 3 và 4 yêu cầu bắt buộc là Bách hóa xanh phải có lợi nhuận nhiều hơn quí 2 thì tổng lợi nhuận cả năm mới đạt mục tiêu.

Trong báo cáo mới đây, SSI Reseach ước tính Bách hóa xanh có thể đạt 40.000 tỉ đồng doanh thu trong năm 2024 và có thể tăng lên 45.000 tỉ đồng trong năm 2025. Ước tính lợi nhuận ròng lần lượt là 228 tỉ đồng và 668 tỉ đồng trong năm 2024-2025, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 1.200 tỉ đồng trong năm 2023.

Còn Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, sau khi thực hiện chính sách tái cấu trúc với việc tái định vị thương hiệu từ “chợ hiện đại” sang “siêu thị mini”, thành quả cho sự thay đổi này là doanh thu chuỗi Bách hóa xanh quí 2-2024 đạt 10.138 tỉ đồng, tăng 42% và là quí đầu tiên báo lãi khoảng 7 tỉ đồng sau bảy năm lỗ liên tiếp. KBSV cũng dự báo chuỗi này sẽ có lãi lớn hơn 500 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt mức 25,8% trong năm 2024.

Thiết lập đà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại

Ngành bán lẻ trong thời gian qua đang trong quá trình hồi phục và lấy lại vị thế hàng đầu một thời trong mắt nhà đầu tư. Ngoài MWG, nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác cũng đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) là một trong số đó. Sau giai đoạn khó khăn tìm động lực tăng trưởng mới khi thị trường sữa nội địa có dấu hiệu bão hoà, VNM bất ngờ ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá trong quí vừa qua.

Ngành bán lẻ trong thời gian qua đang trong quá trình hồi phục và lấy lại vị thế hàng đầu một thời trong mắt nhà đầu tư. Ngoài TGDĐ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác cũng đang lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) là một trong số đó. Sau giai đoạn khó khăn tìm động lực tăng trưởng mới khi thị trường sữa nội địa có dấu hiệu bão hòa, Vinamilk bất ngờ ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá trong quí vừa qua.

Cụ thể, doanh thu thuần quí 2 của doanh nghiệp này đạt 16.656 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2023, con số kỷ lục kể từ khi hoạt động. Đây cũng là quí có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm 2022. Biên lãi gộp cải thiện 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ, đạt 42,4% do Vinamilk chốt được giá nguyên liệu bột sữa nhập khẩu tốt hơn. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VNM đạt gần 2.700 tỉ đồng, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 11 quí và là quí thứ 5 liên tiếp Vinamilk tăng trưởng so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Bản Việt mới đây đưa ra dự phóng doanh thu thuần năm 2024 của Vinamilk có thể đạt gần 64.500 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận ròng được kỳ vọng sẽ tăng 13% so với năm 2023, đạt trên 10.000 tỉ đồng. Con số này cao hơn đáng kể so với kế hoạch mà công ty đề ra và sẽ là mức cao nhất trong vòng ba năm nếu dự phóng chính xác.

Với kết quả tích cực như trên, giá cổ phiếu VNM cũng đã bật tăng mạnh mẽ trong vòng một tháng qua, với mức tăng trưởng hơn 15%, nhờ đó giúp vốn hóa thị trường của VNM có lúc lên đến gần 159.000 tỉ đồng, tương đương gần 6,5 tỉ đô la. Đặc biệt, khối ngoại cũng đang quay lại với cổ phiếu này sau giai đoạn bán ròng liên tiếp trước đó.

Một trường hợp khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HOSE: SAB), khi lợi nhuận cũng đang tăng trưởng trở lại sau thời kỳ dài suy giảm trước đó. Trong nửa đầu năm 2024, Sabeco ghi nhận doanh thu 15.269,8 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.342,6 tỉ đồng, lần lượt tăng 5,1% và 5,8% so với cùng kỳ năm 2023; biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 15,2% lên 15,3%, nhờ kiểm soát hiệu quả các khoản chi phí.

Theo dự báo của SSI Research, năm 2024 Sabeco có thể đạt doanh thu 32.200 tỉ đồng, tăng 5,6%; lợi nhuận sau thuế 4.800 tỉ đồng, tăng 11,6% so với năm 2023. Đơn vị phân tích này cũng dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2025 của Sabeco sẽ tiếp tục tăng trưởng. Được biết Sabeco đang bước vào giai đoạn phát triển mới với trụ cột chính là “mở khóa”, đây là giai đoạn mà doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc triển khai nhiều sáng kiến thuộc các chiến lược trung và dài hạn.

Cụ thể, Sabeco tăng cường sản xuất tổng thể và tính bền vững của hệ thống sản xuất, bao gồm các dự án hợp nhất được thực hiện trong năm 2023 đối với CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây, Bia Sài Gòn Bình Tây và CTCP Tập đoàn Bao bì Sài Gòn. Đối với lĩnh vực bất động sản, Sabeco đang tích cực hợp tác với các công ty con, công ty liên doanh, liên kết nhằm tìm kiếm cơ hội tạo ra các nguồn thu nhập khác nhau trong những năm tới.

Cũng theo giới phân tích, sau bảy năm kể từ ngày nhóm cổ đông ThaiBev của Thái Lan tiếp quản, mặc dù hoạt động trong môi trường kinh doanh có nhiều thách thức, Sabeco đang được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng mở khoá được nhiều lĩnh vực tiềm năng mới, cũng như cơ bản tái cơ cấu chuyển đổi thành công từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới