Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sửa đèn giao thông nhanh cho dân nhờ, đừng chờ AI!

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ứng dụng AI để quản lý đèn giao thông là cần nhưng trong khi chờ điều này thì có lẽ hãy quản lý thủ công cho tốt, đừng để đèn bị lỗi "nhảy loạn xạ". Người dân chỉ cần sửa đèn nhanh chóng thay vì để hư hỏng kéo dài khiến họ phải... dắt bộ xe vì không dám chạy qua.

Kẹt xe kinh hoàng, mệt mỏi vì chờ đèn hay ngán ngẩm… là những cụm từ tràn ngập mạng xã hội và báo chí suốt từ tuần qua khi nhắc đến tình trạng giao thông tại TPHCM, nhất là ở khu trung tâm.

Khi nói đến kẹt xe thì lý do hàng đầu được cơ quan chức năng đưa ra là “do một bộ phận người tham gia giao thông kém ý thức”. Thế nhưng, trong hai tuần qua tại TPHCM, dù người dân không còn leo lề, vượt đèn đỏ thì nạn kẹt xe lại tăng vọt. Như vậy, người dân thiếu ý thức hay thiết kế giao thông thiếu khoa học mới là nguyên nhân chính gây kẹt xe?

Từ khi Nghị định 168/2024 về xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực đầu năm nay, điều có thể thấy rất rõ là người đi đường có ý thức chấp hành rất tốt, đặc biệt là người đi xe máy. Do sợ bị phạt nặng, tình trạng lái xe máy leo lề, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều… hầu như biến mất.

Thế nhưng, một nghịch lý lại xuất hiện: Ý thức chấp hành của người dân càng cao thì tình trạng kẹt xe lại càng tăng. Điều này trái ngược với việc bấy lâu nay, cứ nhắc đến kẹt xe đô thị thì nguyên nhân đầu tiên được cơ quan chức năng đưa ra là “do một bộ phận người tham gia giao thông kém ý thức”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không khó để thấy. Trong hai tuần qua, từ khi mức phạt mới được áp dụng thì người dân biết rằng chỉ sơ sẩy vi phạm là họ phải trả giá bằng cả tháng thu nhập.

Từ đó mà dòng xe máy “ngoan ngoãn” sắp hàng tại các giao lộ, không còn mấy người dám leo lề hay quẹo phải khi đèn đỏ như trước nữa. Vào lúc cao điểm, tại một số giao lộ, người dân kiên nhẫn chờ 10 lần đèn đỏ mới qua được như ngã ba Quang Trung - Tân Sơn (quận Gò Vấp).

Có nơi như tại giao lộ quốc lộ 22 - đường Giáp Hải trước bến xe Củ Chi, sáng 10-1, đèn giao thông trục trặc nên chỉ còn đèn đỏ. Dù chờ rất lâu không thấy đèn chuyển sang xanh nhưng không ai dám vượt qua, người đi xe máy thì xuống xe dắt bộ qua giao lộ trong khi tài xế ô tô thì dừng xe yên một chỗ(1).

Trước đó, hôm 2-1, trụ đèn giao thông trên quốc lộ 51 đoạn ngã ba Bến Gỗ (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cũng chỉ có đèn đỏ. Hậu quả là các tài xế ô tô, xe máy đều không dám vượt mà xếp thành hàng dài cả cây số. Trong clip đưa lên mạng xã hội, một tài xế nói "phạt 19 củ (triệu đồng) ai mà dám vượt"(2).

Thậm chí, có người còn cực đoan đến mức không vượt đèn đỏ để nhường xe cứu thương. Dù cách hành xử cứng nhắc này vừa sai luật vừa đáng trách, nhưng cũng khó nói khi họ xem đây là cách bảo vệ túi tiền vì không dám chắc hành động đó sẽ không bị phạt.

Có bốn việc mà cơ quan chức năng cần làm ngay trong bối cảnh nạn kẹt xe gia tăng do người dân vì sợ bị phạt mà không dám chạy xe dù biết đèn giao thông trục trặc.

Đầu tiên là phải gắn đèn, bảng báo cho phép quẹo phải khi đèn đỏ ở những giao lộ mà việc quẹo phải là cần thiết để giải tỏa dòng xe.

Kế đến, cơ quan chức năng phải thông tin rõ ràng, đầy đủ để người dân yên tâm đi qua trong trường hợp đèn hư, giúp họ không còn bị nỗi sợ phạt oan ám ảnh. Cơ quan quản lý cần đưa ra các thông tin hướng dẫn đầy đủ và dễ hiểu để người dân có thể yên tâm chạy xe thay vì dừng chờ trong khi đèn bị hỏng như những vụ nói trên. Điều này rất quan trọng và cần làm ngay thay vì chỉ tập trung vào việc tuyên truyền về mức phạt mới như trong thời gian qua.

Việc thứ ba là rà soát lại tất cả đèn và bảng báo giao thông, bảo đảm nguyên tắc là bất cứ lúc nào người lái xe cũng phải nhìn thấy và thực hiện được dễ dàng theo tín hiệu hướng dẫn. Chấm dứt việc bảng báo, vạch kẽ đường, đèn tín hiệu… trục trặc hoặc khó hiểu như đánh đố, khiến tài xế chỉ cần sơ sẩy không chú ý kịp là vi phạm và bị phạt.

Cuối cùng là cơ quan quản lý giao thông gắn bảng ghi số điện thoại liên hệ trên tất cả trụ đèn giao thông để người dân gọi báo khi đèn bị trục trặc đồng thời sửa chữa ngay sau khi tiếp nhận thông tin.

Mới đây, cơ quan chức năng cho biết sẽ mở rộng quản lý đèn giao thông ở TPHCM bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và điều khiển giao thông tự động cho hệ thống 843 đèn điều khiển tại chỗ và 227 đèn có kết nối đến trung tâm điều khiển từ xa(3). Tuy nhiên, chỉ xét đến số lượng đèn điều khiển bằng tay thông qua tủ điện tại chỗ còn chiếm đến 70% thì việc tự động hoá cả hệ thống đã không dễ và quản lý bằng AI không một sớm một chiều mà thành hiện thực được.

Ứng dụng công nghệ điều cần thiết và tất yếu phải làm. Tuy nhiên, trong khi chờ điều này thì hãy tăng cường quản lý thủ công, đừng để đèn bị lỗi "nhảy loạn xạ" mà không hay biết, phải chờ đến khi báo chí phản ánh mới sửa như vụ xảy ra ở bến xe Củ Chi nói trên.

Người dân cần sửa đèn nhanh thay vì để đèn bị hư hỏng kéo dài khiến họ không dám chạy qua, chứ họ không quá kỳ vọng vào những công cụ hiện đại nhưng không biết bao giờ mới có.

--------------------------------

(1) https://tuoitre.vn/den-tin-hieu-giao-thong-truc-trac-tai-xe-can-luu-y-gi-20250110150549357.htm

(2) https://tuoitre.vn/den-do-tren-quoc-lo-51-bi-do-tai-xe-xep-hang-dai-un-tac-ma-khong-dam-chay-20250103091249799.htm

(3) https://tuoitre.vn/tp-hcm-mo-rong-quan-ly-den-giao-thong-bang-ai-dieu-khien-giao-thong-tu-dong-20250109180410755.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới