Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sức ép doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trước làn sóng mở nhà máy của Trung Quốc

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đang có sự gia tăng mạnh mẽ dòng đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc rót vốn vào sản xuất linh kiện, phụ tùng… ở nhiều địa phương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên cả nước.

Điều này phần nào sẽ giúp đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ kiện của các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối tại Việt Nam nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp sản xuất cùng ngành ở trong nước. Bởi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu về công nghệ và năng lực tài chính, chưa kịp phát triển để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng đầu tư sản xuất ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: L. Hoàng

Nhộn nhịp vốn đầu tư Trung Quốc rót vào Việt Nam

Công ty Shenzhen MTC của Trung Quốc gần đây đã đón giấy chứng nhận đầu tư vào dự án xây nhà máy có vốn đăng ký là 24 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Đồng Nai. Dự án của doanh nghiệp này khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất bộ định vị tuyến, thiết bị chuyển đổi tín hiệu số, đèn LED chiếu sáng và ti-vi…

Cũng tại tỉnh Đồng Nai, một doanh nghiệp khác đến từ Trung Quốc là Công ty Công nghệ Jiawei đã đón giấy chứng nhận đầu tư vào KCN Nhơn Trạch II. Dự án nhà máy có vốn đầu tư 5,5 triệu đô la này sẽ sản xuất các loại đèn chiếu sáng, bộ phận đèn chiếu sáng.

Cũng thuộc vùng Đông Nam bộ, tháng vừa qua, một đoàn doanh nghiệp của thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã có buổi gặp gỡ, tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương đang phát triển mạnh về công nghiệp hỗ trợ và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương.

Trung Quốc hiện đứng thứ 8 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn tại địa phương, với hơn 460 dự án, tổng vốn gần 1,63 tỉ đô la. Sự kiện này tiếp tục cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của địa phương này.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Bình Dương trên các lĩnh vực. Đồng thời quan tâm đến các chính sách cho thuê đất tại các khu công nghiệp; chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; chính sách ưu đãi đối với chuyên gia nước ngoài, thuế…

Đáng chú ý là ở các tỉnh thành khu vực phía Bắc, tình hình khảo sát và tìm hiểu đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy nhộn nhịp hơn khi khu vực này có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp những sản phẩm đầu cuối của doanh nghiệp FDI, tập đoàn lớn thuộc nhiều lĩnh vực công nghiệp, như ô tô, xe máy, điện tử, điện thoại và các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo khác…

Đơn cử như gần đây, nhà đầu tư Trung Quốc Perfect Light Co., LTD đã đề xuất thực hiện dự án nhà máy sản xuất Waffer Technology với tổng mức đầu tư 1.250 tỉ đồng tại tỉnh Hải Dương.

Dự án sẽ sử dụng gần 9 ha đất tại khu công nghiệp Cộng Hòa để sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ. Nếu được chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư cam kết sẽ đưa dự án vào hoạt động trong quí 1 năm 2025 và tuyển hơn 700 người lao động.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20-12 vừa qua, cả nước có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, dù tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc đại lục chỉ đứng ở vị trí thứ tư, sau Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), nhưng quốc gia đông dân này lại dẫn đầu về số dự án mới đầu tư vào Việt Nam với hơn 700 dự án (chiếm 22,2%) trong tổng số dự án mới được cấp phép đầu tư vào Việt Nam (3.188 dự án) trong năm 2023.

Tức dòng đầu tư từ Trung Quốc đã vượt qua các quốc gia có nhiều dự án vào Việt Nam trong nhiều năm qua như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore… Năm ngoái, ngôi vị này đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm 20,4% số dự án FDI mới của cả nước.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lo lắng

Trên thực tế trong những năm gần đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng gia tăng rót vốn vào nền kinh tế Việt Nam. Đáng chú ý là kể từ sau căng thẳng Mỹ – Trung nổ ra và leo thang, đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Ngay cả thời điểm dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam. Đáng chú ý, vào tháng 3-2023, hãng thông tấn Reuters thông tin rằng Việt Nam đang trở thành đích đến của làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc, kể từ khi nước này hủy bỏ chính sách Zero Covid (tháng 12-2022).

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm chuỗi cung ứng trong nước.

Hàng loạt công ty Trung Quốc nhanh chóng mang những dự án đầu tư nhà xưởng sản xuất đến Việt Nam. Những dự án mới này chủ yếu để phục vụ các tên tuổi lớn trước đó đã có mặt.

Việc chuyển hướng của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, Canon, Apple… sang Việt Nam đã kéo theo các nhà lắp ráp thiết bị như Foxconn, Luxshare Precision, giúp nhanh chóng mở rộng các cụm công nghiệp trong các lĩnh vực đa dạng như điện thoại thông minh, máy in, sản phẩm điện tử gia dụng… tại Việt Nam.

Lần này, các công ty Trung Quốc cũng bị thu hút sang Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy để cung cấp vật tư và dịch vụ cho các tập đoàn lớn có cơ sở ở Việt Nam.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang hướng đến Việt Nam đầu tư. Gần đây, Qtech – một doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An cho kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất quang học điện tử với tổng đầu tư khoảng 430 triệu đô la. Tập đoàn Qtech là một trong 3 nhà sản xuất module camera hàng đầu thế giới.

Trước đó, hãng xe máy điện Trung Quốc là Yadea tiết lộ thông tin sẽ khởi công xây dựng nhà máy tại Bắc Giang với vốn đầu tư 100 triệu đô la. Hay tháng 9, nhà sản xuất lốp xe Haohua (Trung Quốc) cũng nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án tại Bình Phước với số vốn 500 triệu đô la, khởi công vào đầu năm sau. Công suất của nhà máy lên đến 14,4 triệu bộ lốp xe.

Nghệ An là địa phương được nhiều nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn làm địa điểm dừng chân, với liên tục dự án mới đổ bộ, như Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) sẽ xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu đô la tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An; Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu đô la…

Các công ty ở đầu và cuối các chuỗi công nghiệp của Trung Quốc còn “rủ” nhau vào Việt Nam để có thể liên kết sản xuất, tạo một chuỗi cung ứng khép kín trong sản xuất và kinh doanh.

Giới phân tích nhận định, các công ty Trung Quốc đang dịch chuyển nhà máy và các cơ sở khác sang nước thứ ba như ở Việt Nam để tạo điều kiện xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Đồng thời họ dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam cũng vì theo yêu cầu từ đối tác ở thị trường châu Âu, Mỹ…

Thực tế cho thấy dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng…, thời gian qua các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày…

Việc này đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Dù vậy, ở khía cạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước thì làn sóng đầu tư này của doanh nghiệp Trung Quốc trở thành nỗi lo lớn. Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương vào ngày 20-12 vừa qua, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, đã thể hiện sự lo lắng này.

Sản xuất của một doanh nghiệp cơ khí ở TPHCM. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Theo ông Tuất, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất… song năm vừa rồi sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm khá nghiêm trọng”. Cụ thể, suy giảm doanh thu bình quân của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ lên tới 40%, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường, đặc biệt là ở châu Âu diễn ra.

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ băn khoăn khi có làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư ở Việt Nam. Theo ông Tuất, đây là nỗi lo của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước gặp hai nút thắt lớn về vốn, chi phí. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho biết hiện lãi suất họ vay vốn là 10-12%, cao gấp 4-5 lần Hàn Quốc. Cùng với đó, chi phí nhập nguyên vật liệu của các công ty trong nước cũng cao hơn rất nhiều do quy mô sản xuất thấp.

Điều này được các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho rằng họ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là các nhà sản xuất FDI ở Việt Nam thì đã bị các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài mà đặc biệt là đầu tư từ Trung Quốc “vượt mặt” để chiếm thị phần tại ngay trên sân nhà.

Có thể nói, cơ hội cho các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước trong những năm qua không nhỏ khi mà ngày càng nhiều nhà mua hàng tìm tới Việt Nam như một thị trường thay thế và đối tác mở rộng chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chưa nắm bắt cơ hội này.

Các chuyên gia chỉ ra cái lúng túng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn là bài toán con gà – quả trứng trong đầu tư. Trong khi người mua hàng có rất nhiều lựa chọn, thị trường Trung Quốc vẫn còn đó giá cả cạnh tranh, các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan cũng không ngừng đầu tư phát triển.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “chậm lớn” và mãi cứ loay hoay hướng đi, giờ đây còn đang đối mặt với thách thức mới của nhà sản xuất đầu cuối là chuỗi cung cấp phải khép kín hoàn toàn, tức họ cần cung cấp từ A-Z các cấu kiện, thay vì một số chi tiết riêng lẻ như tiện, hàn… lâu nay.

Điều này giúp nhà sản xuất kiểm soát được về mặt chất lượng và có thể hỗ trợ nhà cung cấp về mặt công nghệ để phát triển. Tuy nhiên, việc tìm từng nhà sản xuất riêng lẻ trong nước đạt chất lượng lâu nay đã khó, giờ đòi hỏi các nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng liên kết lại để tạo thành chuỗi cung ứng khép kín thì càng khó khăn.

Trong khi đó, phía nhà cung cấp Trung Quốc thì đây lại là lợi thế. Ông Nguyễn Trọng Tài, Tổng giám đốc RX Tradex Việt Nam – đơn vị nhiều năm tư vấn và kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam – chia sẻ cách làm của doanh nghiệp Trung Quốc trong trường hợp khách hàng có nhu cầu về một cụm chi tiết đó chính là kết nối.

Khi có đơn hàng, doanh nghiệp nước này chủ động tìm đối tác có thể thực hiện các công đoạn, chi tiết trong cụm để có thể “bán chung”. Hệ sinh thái hoàn chỉnh cung cấp linh kiện và khả năng kết nối, tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá.

Và giờ đây, doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nhà máy ở Việt Nam thì điều này khiến cho doanh nghiệp hỗ trợ trong nước càng thêm thách thức.

Để hỗ trợ cho ngành vượt qua khó khăn và đạt các mục tiêu, các doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp (thuế, phí, ưu đãi đầu tư) để thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, đề xuất luật công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng luật. Mục tiêu để tạo hành lang pháp lý, thu hút đầu tư và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.

Hiện Mỹ đánh thuế vào các hàng hóa từ Trung Quốc rất cao, áp đặt mức thuế nhập khẩu tới 25% đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp tại nước này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ.

Đáng chú ý, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực với hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường này thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp sẽ là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư.

Riêng nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc dịch chuyển đến Việt Nam trong những năm gần đây cũng được cho là bắt đầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung manh nha từ những năm trước đã thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc chuyển một phần vốn sang một nước khác trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cái đích của công nghiệp hóa là gì? Sao không phải là tạo chỗ làm việc ổn định cho dân. Cho doanh nghiệp TQ núp bóng thì được gì? Có tiếp thu công nghệ và dần thay thế được không? Hãy học chính cách người TQ đã làm. Chê Doanh nghiệp VN chậm lớn khi họ là người đi sau mà được ưu đãi gì để đủ sức cạnh tranh khi Lãi suất vay cao như vậy, đất đai, thuế … không được ưu đãi. Các chiến lược của nhà nước thực hiện được đến đâu so với chính sách đề ra. Hãy để cho TQ làm, thu thuế, tiền thuê đất làm nguồn tiền hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ Việt chứ đừng để số tiền đó rơi vào tham nhũng. phải hy sinh có tính toán để xây dựng doanh nghiệp Việt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới