Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sức ép lạm phát bắt đầu gia tăng ở châu Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các dấu hiệu cảnh báo sớm về lạm phát đang xuất hiện ở một số nơi ở châu Á, khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao hơn bắt đầu tác động đến người tiêu dùng ở một số nước trong khu vực, nơi mà gần đây dường như miễn nhiễm với áp lực giá cả.

Lạm phát tăng tốc ở nhiều nước châu Á

Người dân mua sắm ở một khu chợ chợ rau củ và trái cây ở Bengaluru, Ấn Độ. Lạm phát của Ấn Độ trong tháng 1 tăng 6,01% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: PTI

Lạm phát của Ấn Độ đã tăng tốc lên mức 6,01% trong tháng 1, mức tăng mạnh nhất trong 7 tháng và cao hơn hẳn so với mức trung bình khoảng 3,6% trong ba năm trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, lạm phát của Sri Lanka tăng 14,2% trong tháng trước, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi gần đây tăng 3%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2012.

Trong tháng 1-2022, chỉ số giá tiêu dùng của Thái Lan tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi duy trì ở mức trung bình dưới 1% trong 3 năm trước năm 2020, dù quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này là một trong những nền kinh tế tăng trưởng yếu nhất châu Á. Gần đây,  các tài xế xe tải đã lái xe tuần hành, làm tắc nghẽn các đường phố ở Bangkok, để gây áp lực buộc chính phủ giảm giá dầu diesel.

Một số gia đình ở Thái Lan cho biết đang chuyển sang sử dụng thịt cá sấu trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi bùng phát, khiến giá thịt heo tăng cao.

“Lương của tôi vẫn vậy, nhưng mọi thứ đều đắt hơn, không chỉ thịt heo, mà còn cả rau và trứng”, Butsakon Phadoem, một người dân Thái Lan, 25 tuổi, than vãn và cho biết thêm cô cắt giảm rau và thịt trong bữa ăn hàng ngày.

Lạm phát ở hầu hết các nước châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phương Tây, bao gồm Mỹ, nơi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 7,5% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lạm phát mạnh nhất trong bốn thập kỷ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Áp lực giá cả tiêu dùng đặc biệt yếu ở Trung Quốc, bất chấp chi phí sản xuất ở các nhà máy tăng lên. Dù vẫn đang ở mức cao, lạm phát chi phí sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm bớt trong thời gian gần đây và các nhà máy đang gặp khó khăn khi chuyển chi phí sang người tiêu dùng trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt các cản lực do cơn suy thoái của thị trường bất động sản và các vấn đề khác. Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc chỉ tăng 0,9% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 1,5% trong tháng 12 năm ngoái. Lạm phát của Trung Quốc được dự báo năm dưới mức 3% trong năm nay.

Đà tăng giá của dầu thô và thực phẩm gây sức ép

Một nhà hàng thịt nướng ở TP. Nakhon Pathom, Thái Lan chuyển sang sử dụng thịt cá sấu thay thế cho thịt heo đang đắt đỏ. Ảnh: EPA

Không giống như Mỹ, hầu hết các nền kinh tế châu Á vẫn thừa công suất lao động với nhiều tài xế taxi, nhân viên khách sạn và nhà hàng vẫn chưa tìm được việc làm toàn thời gian sau khi mất việc trong đại dịch.

Trung Quốc và một số nền kinh tế khác ở châu Á cũng đang phải chật vật vực dậy nhu cầu tiêu dùng yếu ớt, một phần do các hạn chế liên quan đến Covid-19 và thực tế là hầu hết các chính phủ ở châu Á đã không tung ra các gói kích thích khổng lồ như Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, cũng là những nhà nhập khẩu lớn trong lĩnh vực năng lượng hoặc thực phẩm, vốn đã trở nên đắt đỏ hơn.

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá thực phẩm toàn cầu tăng 28,1% vào năm 2021. Sau khi tăng giá gấp đôi trong năm 2021, giá dầu thô kỳ hạn Tây Texas ở Mỹ  đã tăng thêm 20% trong năm nay, lên mức hơn 93 đô la/thùng.

Một số nhà kinh tế dự báo giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 đô la / thùng trong năm nay, đặc biệt nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine biến thành cuộc xung đột quân sự. Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, kịch bản này có khả năng gây tổn hại cho các thị trường mới nổi hơn là các nền kinh tế tiên tiến, vì chi phí năng lượng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong ngân sách tiêu dùng ở các nước đang phát triển.

Sức ép lạm phát do giá dầu thô và thực phẩm đắt đỏ thể hiện rõ ở Thái Lan. Apichart Prairungruang, Chủ tịch Liên đoàn Vận tải đường bộ Thái Lan, cho biết các chủ xe tải đã hoạt động thua lỗ trong nhiều tháng vì giá dầu diesel tăng cao, với hơn 100 xe tải đã bị các ngân hàng siết nợ. Các chủ xe tải đã kêu gọi chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu để giúp họ vượt qua khó khăn.

Prairungruang nói: “Nếu chính phủ không thể làm gì để giải quyết vấn đề này, chúng tôi phải tăng cước phí vận chuyển lên 15%-20% và điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình”. Tuần trước, nội các Thái Lan đã đồng ý tạm thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 5,99 baht xuống còn 2,99 baht (2.100 đồng VN) /lít trong vòng 3 tháng.

Ở TP. Nakhon Pathom, sát Bangkok, một quán ăn địa phương, có tên gọi Nhà hàng Buffet thịt heo nướng, bán combo thịt heo nướng kèm rau, kem và đồ uống với giá tương đương khoảng 4,50 đô la / người. Nhưng sau khi giá thịt heo tăng khoảng 60%, Pattanachat Ngamsanga, chủ nhà hàng này, cho biết không thể kiếm được lợi nhuận nữa. Bà bắt đầu thay thế  thịt heo bằng thịt cá sấu có giá bán rẻ hơn và có vị giống thịt lợn nhưng mềm hơn. Trong lần đầu tiên mở bán, thịt cá sấu nướng bán hết sạch. Ngamsanga nói: “Thịt cá sấu thực sự đã cứu nhà hàng của tôi”.

Singapore, Hàn Quốc, Indonesia bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ

Singapore, Hàn Quốc và Indonesia là một trong số các nước châu Á đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm giá nhà ở và các áp lực chi phí tiêu dùng khác, ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng các điều kiện tín dụng để kích thích tăng trưởng.

Dù áp lực giá cả ở châu Á không căng thẳng như ở Mỹ, hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, có thể buộc phải “hy sinh tăng trưởng kinh tế ở một mức độ nào đó để kiềm chế rủi ro lạm phát trong năm nay”, theo nhận định của Zhou Hao, nhà kinh tế ở Ngân hàng Commerzbank.

Hồi đầu tháng này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản. Thống đốc RBI Shaktikanta Das cho biết lạm phát tăng chủ yếu do chi phí rau củ và dầu ăn tăng cao và dự kiến ​​giảm bớt trong những tháng tới.

Các ngân hàng trung ương ở Thái Lan và Philippines gần đây cũng không tăng lãi suất. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Philippines đã nâng dự báo lạm phát lên mức 3,7% vào năm 2022, so với mức 3,4% trong dự báo trước đó, với lý do giá dầu thô tăng cao hơn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực. Ngân hàng trung ương Thái Lan cảnh báo lạm phát trong năm nay có thể “cao hơn mức đã đánh giá trước đây” và vượt quá mức lạm phát mục tiêu trong nửa đầu năm 2022.

Nhiều nhà kinh tế vẫn tin rằng châu Á sẽ có thể kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng yếu đang kéo dài ở nhiều nước trong khu vực. Những cú sốc về nguồn cung, bao gồm tình trạng tắc nghẽn cảng và chi phí vận chuyển tăng vọt tiếp tục ám ảnh hầu hết các nền kinh tế phát triển ở phương Tây nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến châu Á.

Aidan Yao, nhà kinh tế châu Á tại Công ty quản lý đầu tư AXA Investment Managers, cho rằng điều đó có nghĩa là các nước châu Á có thể không phải chịu sức ép quá lớn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ so với một số nước phương Tây, bao gồm Mỹ, vốn dự kiến tăng lãi suất vào đầu tháng 3. Dù vậy, ông  dự báo các ngân hàng trung ương ở châu Á rốt cục sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới