(KTSG) - Ngày nay, khi mỗi người đều có thể là một kênh thông tin thì “thương hiệu” không còn là từ dành riêng khi đề cập đến các nhãn hiệu hay người nổi tiếng. Mỗi người đều có thể gầy dựng bản sắc, tạo nên thương hiệu cá nhân cho bản thân.
Xu hướng “micro-influencer” (người có ảnh hưởng trong một nhóm nhỏ) đang trở nên phổ biến, khiến ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân càng trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi nhiều hoài bão và mong muốn làm bản thân nổi bật và có ưu thế cạnh tranh lớn hơn.
Khác với người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng rộng, các micro-influencer chỉ có tầm ảnh hưởng trong một cộng đồng nhỏ, nhưng đó thường là những người thân thuộc, có mối quan hệ quen biết cá nhân, và có độ tương tác khá tích cực, chân thật. Do đó, thương hiệu cá nhân đã và đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì sự đặc biệt của nó: gắn liền với một cá nhân cụ thể, mang nét đặc trưng và những gì cá nhân đó muốn thể hiện, và có thể gây ảnh hưởng sâu sắc đến những người xung quanh cá nhân đó.
Mục tiêu không của riêng ai
Nếu như uy tín, danh tiếng là những gì cộng đồng nói về một người hay một thương hiệu và đôi lúc có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, thì thương hiệu cá nhân (personal brand) là những gì một cá nhân có thể chủ động xây dựng. Nhờ mạng xã hội và mức độ xã hội hóa, giao lưu kinh tế cao như hiện nay, nhiều người đã tìm thấy cơ hội xây dựng hình ảnh cho chính bản thân và cả nghề nghiệp của mình.
Minh Thạnh, một PT (huấn luyện viên cá nhân - personal trainer) làm việc tại chuỗi phòng tập thể hình có tiếng(1) hào hứng chia sẻ về con đường xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Anh cho biết mình có hai mục tiêu rõ ràng: thay đổi cái nhìn tiêu cực của một nhóm người về nghề PT; và định hình thương hiệu cá nhân. Thạnh nói thương hiệu cá nhân đối với anh là thứ rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến số lượng khách hàng, mức thu nhập, và cả con đường nghề nghiệp lâu dài của mình.
Là một cựu vận động viên karate và hiện dạy chuyên sâu về kickfit, Thạnh mong muốn xây dựng hình ảnh một PT giản dị, giỏi võ thuật và có kiến thức chuyên sâu về huấn luyện. Anh đặt mục tiêu dùng thương hiệu cá nhân của mình để thăng tiến và phần nào thay đổi định kiến về nghề PT, vốn thường bị hiểu lầm là sống xa hoa, đỏm dáng, ít học hành, thậm chí hay gạ gẫm khách hàng giàu có để tư lợi. Thạnh đang ra sức vừa làm vừa hoàn thành chương trình đại học để đạt được mục tiêu. Anh nói rằng sẽ cố gắng hết mình để mọi người nhìn vào và hiểu rằng PT cũng rất vất vả, và thành phần gạ gẫm khách hàng chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh mà thôi.
Còn anh Sa, quản lý nhân sự lâu năm tại một công ty mai táng tại TPHCM(2), chia sẻ rằng lĩnh vực của anh là ngành xã hội luôn cần, nhưng ít ai thích nhắc đến vì có liên quan đến sự cuối cùng của đời người, và đôi khi còn mang màu sắc tâm linh.
Một số người cũng có ấn tượng không tốt đối với “dân trại hòm” vì cho rằng chỉ những người dữ dằn, “đầu đường xó chợ” mới làm nghề này. Cũng có nhiều anh em trong nghề gặp tình huống gia đình người yêu không cho kết hôn vì sợ xui xẻo khi dính dáng đến “dân mai táng”. Anh Sa cho biết bản thân đang tích cực xây dựng hình ảnh cá nhân của mình trên mạng xã hội theo hướng người tổ chức sự kiện tang lễ có tri thức và lịch sự. Anh nói, tang lễ cũng là một dạng sự kiện mà thôi, và nó không hề mang đến điều không may. Công ty mai táng cũng là một tổ chức kinh tế đòi hỏi nhân sự có trình độ, hiểu biết về pháp luật, kinh tế, kế toán… để điều hành, đồng thời có mối quan hệ với các bệnh viện, lò hỏa táng, cảnh sát, nghĩa trang… để có thể chỉ dẫn hoặc giúp đỡ tang gia một cách nhanh nhất trong các tình huống bất ngờ. Anh Sa hiểu rằng bản thân không thể thay đổi định kiến hay sự e dè đã ăn sâu trong nhiều người, nhưng xây dựng hình ảnh cho cá nhân anh là điều có thể hoàn toàn chủ động.
Hoặc gần đây, các trang báo đưa tin về gia đình chị Kim Dung sinh 11 đứa con, trú tại quận 11, TPHCM(3). Gia đình chị lập kênh YouTube(4) để nhiều người biết đến hơn, với mong muốn kiếm thêm thu nhập dù có thể họ không có chiến lược xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân/gia đình rõ ràng nhưng qua cách gia đình yêu thương nhau, lập kênh YouTube đăng video gia đình cùng ca hát, luôn cười tươi trong video và hình ảnh, có thể thấy gia đình này đã vô tình tạo nên thương hiệu cho mình, là một gia đình tràn đầy yêu thương và lạc quan, dễ gây thiện cảm cho người xung quanh.
Xây dựng thương hiệu cá nhân là một hành trình
Ông Trương Văn Đức, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trong kỷ nguyên số và giao lưu văn hóa kinh tế sâu rộng, thương hiệu cá nhân là hành trang cần thiết của mọi cá nhân dù người đó còn là sinh viên hay đang làm văn phòng, hoặc khởi nghiệp hay đã làm việc lâu năm. Là cầu nối giữa các công ty khởi nghiệp và các tổ chức, cơ quan nhà nước, ông Đức cũng tích cực xây dựng thương hiệu cá nhân của chính ông. Ông chia sẻ, thế hệ của ông, những người quanh độ tuổi 50-60, dễ bị giới trẻ “dán nhãn” nhàm chán và lạc hậu. Tuy nhiên, ông quyết phá vỡ định kiến đó bằng cách tích cực học hỏi, tiếp cận công nghệ mới, xây dựng thương hiệu cá nhân là một người lớn tuổi yêu thích thể dục thể thao, đúng giờ, làm việc nhanh nhẹn, thân thiện để rút ngắn khoảng cách, tạo cảm giác dễ chịu, dễ tiếp xúc cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Đối với ông Đức, thương hiệu cá nhân không chỉ để làm cho bản thân tăng sức cạnh tranh hay thỏa mãn cái tôi, mà xây dựng hình ảnh cá nhân là một hành trình cần sự chuyên nghiệp, có thể đem lại thành công và những mối quan hệ quý giá. Thương hiệu cá nhân đủ vững vàng và đi đúng hướng giúp tạo nên uy tín lâu dài. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân đối với các bạn trẻ khởi nghiệp. Giữa hai sản phẩm cùng phân khúc, chất lượng tốt như nhau, bao bì bắt mắt tương đương; thì một người chủ có thương hiệu cá nhân nổi bật, có mối quan hệ rộng rãi, với trang cá nhân được biết đến nhiều hơn sẽ tăng xác suất tiêu thụ sản phẩm của công ty mình, từ đó công việc kinh doanh và những mối quan hệ càng được mở rộng, nhân lên và có nhiều cơ hội thành công.
Lời khuyên của ông Đức dành cho những ai chưa định hình được cách xây dựng thương hiệu cá nhân, đó là liệt kê những sở thích, đam mê, thế mạnh của mình; chọn mục tiêu nghề nghiệp hoặc cộng đồng mình muốn hướng đến; định rõ những đặc điểm mình muốn thể hiện; xây dựng trang cá nhân, trang phục, liên tục cập nhật kiến thức; và trên hết là thành thật với bản thân, tránh tạo nên hình ảnh quá khác biệt với cá tính. Và cuối cùng, cần có sự kiên trì và nhất quán trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân - đó là cách rèn luyện bản thân và cũng là đức tính giúp mỗi cá nhân thành công trong mọi lĩnh vực.
(1) Huấn luyện viên cá nhân tại California Fitness & Yoga
(2) Phó giám đốc công ty TNHH dịch vụ mai táng Đức Thành
(3) Bà mẹ 8X ở Sài Gòn gây choáng khi sinh 11 đứa con, bằng cả đội bóng (yan.vn)
(4) Flea Market Lottery Ticket - YouTube