(KTSG Online) - Lượng hàng điện và điện tử gia dụng tồn kho ở Trung Quốc đã gia tăng kỷ lục khi các đợt phong tỏa chống dịch Covid khiến thu nhập người dân giảm hơn trước. Theo khảo sát của Nikkei Asia, tổng lượng tồn kho tại 5 tập đoàn lớn đạt giá trị 98 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ đô la), tăng 15% trong năm và tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua.
- Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế trừng phạt với hàng hóa Trung Quốc
- Trung Quốc lùng mua các hàng hóa bị tác động do chiến tranh tại Ukraine
Mối quan hệ giữa hãng sản xuất với mạng lưới phân phối và bán lẻ truyền thống ngày càng xấu đi khi thương mại điện tử xuất hiện. Các hãng thiết bị gia dụng Trung Quốc buộc phải thay đổi để tồn tại với tình hình mới và xu hướng siết chặt hầu bao hiện nay.
Gắn chặt với sức khỏe ngành bất động sản
Theo hãng dữ liệu All View Cloud, doanh số bán lẻ thiết bị gia dụng của Trung Quốc đã giảm 9% trong năm xuống còn 338,9 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm. Doanh số bán hàng này tương quan chặt chẽ với sức khỏe của thị trường bất động sản, vốn đang đi xuống do chính phủ ngày càng quản lý chặt ngành này.
Các vụ phong tỏa để phòng dịch ở Thượng Hải và các tỉnh thành khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua, góp phần làm kho hàng tồn càng phình ra.
Nikkei Asia đã tham khảo các số liệu từ hãng sản xuất máy điều hòa Gree, hãng sản xuất thiết bị Midea, hãng sản xuất tủ lạnh Haier, nhà sản xuất tivi TCL Electronics và hai công ty thuộc tập đoàn Hisense.
Hàng tồn kho tăng nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu. Tại hãng sản xuất máy lạnh Gree Electric Appliances, doanh thu chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hàng tồn kho tăng 28%.
Hàng tồn kho cũng đang tăng mạnh ở mảng bán lẻ. Tại hai công ty lớn, Gome Retail có thời gian luân chuyển hàng tồn kho là 81 ngày trong nửa đầu năm 2022 - dài hơn 50% so với 3 năm trước đó. Và con số 50 ngày của Suning vào năm 2021, dài hơn 25% so với năm 2020.
Sức mua tăng vọt của tầng lớp trung lưu và người dân ở nông thôn từng giúp thị trường đồ điện gia dụng của Trung Quốc tăng trưởng hai con số cho đến năm 2010. Tuy nhiên, việc tranh giành thị phần của các nhà sản xuất đã dẫn đến dư thừa năng lực sản xuất. Các nhà sản xuất có thể giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho, nhưng với điều kiện họ đủ sức chịu lỗ đến mức nào.
Các nhà bán lẻ đã thực hiện giảm giá để bán hàng và được mua các sản phẩm mới với giá bán sỉ được giảm thêm từ nhà sản xuất. Từng hiệu quả trong quá khứ, nhưng mô hình kinh doanh này giờ tỏ ra không hiệu nghiệm khi sức mua đang yếu dần.
"Thị trường thiết bị của Trung Quốc đã sử dụng hết các chiêu trò, kể cả khuyến mãi đậm” - Chủ tịch Guo Meide của All View Cloud nói. Ông cho rằng với tỷ lệ sinh ngày càng giảm, quy mô dân số sẽ giảm dần và ngành đồ gia dụng cũng phải đối mặt với triển vọng ngày càng thu hẹp hơn.
Trụ cột tăng trưởng bị phá vỡ
Những thay đổi của thị trường đang dần phá vỡ mối quan hệ giữa hãng sản xuất và nhà bán lẻ vốn là trụ cột cho tăng trưởng của ngành trước đây. Cuối tháng 8-2022, theo truyền thông Trung Quốc, đại gia ngành bán sỉ Xu Zifa của tỉnh Hồ Bắc tuyên bố không còn làm ăn với hãng Gree. Xu là người có sức ảnh hưởng lớn đến ngành bán lẻ hàng gia dụng ở Hồ Bắc và từng là giám đốc điều hành của Gree. Hiện tại, Xu vẫn duy trì vốn gián tiếp với một trong những nhà phân phối chính của Gree.
Midea cũng đang trải qua sóng gió. Tháng 5-2022, công ty có kế hoạch hủy hợp đồng với 30% nhà phân phối – theo Beijing News. Midea nói với các nhà đầu tư rằng mạng lưới bán hàng đã đến một bước ngoặt và các kênh phân phối phi trực tuyến sẽ bị cắt giảm.
Trước đó, vào tháng 4 Gome đã tiết lộ rằng nhân viên của họ và Midea đã có một "cuộc xung đột về thể chất" sau khi các thảo luận về chiến lược bán hàng bị đổ vỡ. Từ vụ này, chuyện Gome có dính dáng tài chính với một hãng sản xuất thiết bị gia dụng tầm trung cũng lộ ra.
Hiện các mối quan hệ giữa hãng và các đại lý cũng đã bình thường trở lại. "Trong những năm gần đây, các hãng sản xuất thiết bị gia dụng đã nâng doanh số qua kênh
bán hàng trực tuyến. Do đó, các nhà phân phối đang mất dần miếng bánh”, một nhà phân tích nói với Nikkei Asia. Nói cách khác, một đàng là chuyện các nhà phân phối đang gánh chịu mọi rủi ro về hàng tồn kho và một bên là mất khách hàng. Và họ đã hết kiên nhẫn.
Khi đồ gia dụng trở thành xu hướng tiêu dùng chính vào những năm 2000, các hãng sản xuất chủ yếu bán qua các kênh mà họ kiểm soát, và các hãng bán lẻ chỉ đóng vai trò minh họa. Từ những năm 2010 trở đi, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại, các hãng sản xuất bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà phân phối để bù đắp rủi ro. Khoảng thời gian đó trùng với sự nổi lên của các nhà bán lẻ trực tuyến như JD.com.
Các hãng thiết bị bắt đầu làm việc trực tiếp với các sàn thương mại điện tử lớn. Trong khi đó, các nhà phân phối và nhà bán lẻ thực tế ngày càng mất lòng tin vào các hãng
sản xuất – mà họ đổ lỗi là những người chịu trách nhiệm cho việc phức tạp hóa các kênh bán hàng.
Sự giảm tốc của thị trường tiêu dùng là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Nhận ra cái kết không có hậu trên thị trường, Midea và Gree đã phân phối lại tài nguyên, đổ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo, chẳng hạn như pin lưu trữ. TCL và Haier mong muốn duy trì tăng trưởng bằng cách phát triển thị trường nước ngoài.
Tùy thuộc vào tốc độ suy thoái của thị trường, các hãng thiết bị gia dụng lớn có thể phải cắt giảm quy mô hoạt động, nhân viên và hợp đồng phân phối. Các khoản lỗ do liên quan đến lượng hàng tồn kho khổng lồ sẽ bắt đầu gặm nhấm thu nhập của các hãng khi nền kinh tế của đất nước tỉ dân bắt đầu có các dấu hiệu giảm tốc và kể cả suy thoái.
Theo Nikkei Asia