(KTSG Online) - Bộ Tài chính cho biết nhu cầu mua sắm nhìn chung trong những ngày Tết Nguyên đán giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều gia đình phải cân nhắc chi tiêu.
TTXVN dẫn nguồn từ Bộ Tài chính, cho biết Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 diễn ra vào thời điểm cuối tháng 1-2023 là cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm. Các siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.
“Về cơ bản diễn biến giá cả thị trường tháng 1-2023 và trong những ngày Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Hoạt động mua sắm trong các ngày 29, 30 Tết tập trung chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ liên hoan tất niên tại các gia đình và cúng Giao thừa như rau củ quả, các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, rượu bia, thuốc là và bánh kẹo”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, giá dịch vụ vận tải cơ bản hiện vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát của các địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, về cơ bản giá cước vận tải các tuyến cố định trong thời gian qua không tăng hoặc tăng ít. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vào dịp trước và sau Tết nguyên đán, một số đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện kê khai tăng giá phụ thu chiều rỗng một chiều.
Vào ngày mùng 2 Tết, tức ngày 23-1-2023, tại các chợ đầu mối ở TPHCM, lượng hàng nhập chợ ít, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây, sức tiêu thụ khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái, có nhiều mặt hàng chưa nhập do hàng còn tồn đọng. Thương nhân chủ yếu ra bán lấy ngày khai trương và giao mối cho các nhà hàng, quán ăn hoạt động trong mùa Tết.
Tại Cần Thơ, nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung...
Cũng theo Bộ Tài chính, quý 1-2023 trùng với thời điểm diễn ra nhiều hoạt động lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau Tết. Giá một số dịch vụ công được triển khai theo lộ trình thị trường, trong đó có giá điện, nhiều khả năng sẽ tăng sớm từ đầu năm.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục tiếp tục thực hiện theo lộ trình thị trường (trong đó giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh trong quý 1-2023). Một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá.
Bộ Tài chính cũng cho biết, từ ngày mùng 3 Tết trở đi, thị trường dự kiến dần sôi động hơn do người dân bắt đầu đi chơi Tết, nhu cầu đi lại sẽ tăng lên và các trung tâm, địa điểm vui chơi sẽ bắt đầu mở cửa trở lại.
Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.