Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Suy thoái kinh tế có thể đẩy Anh vào một thập niên mất mát

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền kinh tế Anh sẽ đối mặt với một thập niên mất mát tăng trưởng nếu chính phủ không gấp rút hành động để giải quyết tình trạng đầu tư của doanh nghiệp suy giảm liên tục, lực lượng lao động thiếu hụt dai dẳng trong bối cảnh đất nước đang bước vào cơn suy thoái, Liên đoàn Doanh nghiệp Anh (CBI) cảnh báo hôm 5-12.

CBI dự báo kinh tế Anh giảm 0,4% trong năm tới khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cản trở chi tiêu hộ gia đình và lãi suất tăng lên 4%. Ảnh: Getty

CBI cho biết Anh đã rơi vào cơn suy thoái “ngắn và nông”, khiến đầu tư kinh doanh thấp hơn 9% so với mức của năm 2019 và năng suất thấp hơn 2% so với xu hướng trước đại dịch.

Tổng giám đốc CBI Tony Danker nói, đất nước dường như đang rút lui khỏi các ưu tiên do Thủ tướng Rishi Sunak đưa ra tại buổi thuyết trình chính sách tại Trường kinh doanh Bayes ở London hồi tháng tháng 2 khi ông còn là Bộ trưởng Tài chính. Theo Danker, ông Sunak hiện cũng đang loại bỏ các khuyến khích đầu tư và đổi mới, đồng thời từ bỏ mọi chương trình nghị sự về tăng trưởng.

Anh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine diễn ra, cũng như sự phục hồi chưa đầy đủ của thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 cộng với đầu tư và năng suất suy yếu liên tục.

“Nước Anh đang trong tình trạng lạm phát đình trệ, với lạm phát tăng vọt, tăng trưởng âm, năng suất và đầu tư kinh doanh giảm. Các công ty nhìn thấy cơ hội tăng trưởng tiềm năng nhưng thiếu lý do để tin tưởng. Điều đó đang khiến họ tạm dừng đầu tư cho năm 2023. Chính phủ có thể thay đổi điều này. Chúng ta sẽ chứng kiến một thập niên với tăng trưởng bị mất mát nếu không hành động”, Danker nói.

CBI dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 0,4% trong năm tới khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cản trở chi tiêu hộ gia đình và lãi suất tăng lên 4%. CBI dự kiến GDP của Anh sẽ phục hồi vào năm 2024 với mức tăng trưởng 1,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Anh, theo dự báo của CBI, tăng từ 3,6% lên 5% vào năm tới, tương đương 500.000 người thất nghiệp. Trong khi đó, lạm phát, hiện ở mức 11,1%, sẽ siết chặt thu nhập của các hộ gia đình trong suốt năm 2023 và vẫn duy trì trên mức mục tiêu 2,6% của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vào cuối năm 2024.

Danker nói: “Nước Anh đã không đầu tư nhiều như cần thiết so với các đối thủ trong khối các cường quốc công nghiệp G7 về vốn, con người và ý tưởng. Và quan điểm của Thủ tướng Sunak là chính phủ cần đóng một vai trò trong việc thay đổi điều đó. Nhưng sự thật là chúng ta vẫn chưa có kế hoạch nào”.

Các dự báo ảm đạm của CBI được đưa ra sau khi BoE, Văn phòng giải trình ngân sách Anh cũng như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố các dự báo kinh tế Anh suy thoái thậm chí còn sâu hơn.

Theo CBI, Anh sẽ phải hứng chịu cuộc suy thoái tồi tệ này với mức độ xếp thứ hai trong số các nền kinh tế lớn, chỉ sau Đức. Theo CBI, năng suất thấp và đầu tư kinh doanh suy giảm liên tục không phải là tín hiệu tốt cho tiềm năng phát triển của đất nước.

Danker cho rằng chính phủ Anh có thể hành động để khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, chủ yếu thông qua giảm thuế lớn đối với đầu tư.

CBI kêu gọi chính phủ “mở khóa” đầu tư kinh doanh thông qua các khoản trợ cấp vốn và thay đổi quy định, chẳng hạn như bằng cách dỡ bỏ rào cản đầu tư với năng lượng gió trên đất liền, xây dựng hệ thống nhập cư linh hoạt hơn và cập nhật khung chính sách quy hoạch quốc gia để giảm bớt các hạn chế xung quanh việc sử dụng đất cho sự phát triển.

CBI muốn chính phủ thúc đẩy đầu tư kinh doanh thông qua chế độ ưu đãi thuế đầu tư vĩnh viễn. Theo ước tính, điều này sẽ làm tăng 50 tỉ bảng vốn đầu tư mỗi năm vào cuối thập niên này, từ đó giúp tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng bền vững của Anh.

Đầu tư kinh doanh ở Anh thấp hơn nhiều so với các đối thủ kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ. Nếu không giảm thuế doanh nghiệp, Anh sẽ còn tụt lại phía sau, CBI cảnh báo.

Anh là nền kinh tế tiên tiến lớn duy nhất có lượng người lao động đang đi làm thấp hơn trước đại dịch Covid-19. ¾ doanh nghiệp Anh cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm các kỹ năng và nhân viên cần thiết. Theo CBI, tình trạng thiếu lao động kinh niên đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo.

CBI cũng cho rằng cần phải sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận hậu Brexit, trong đó cho phép Bắc Ireland (thuộc Anh) nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh một biên giới cứng với Cộng hòa Ireland trên đảo Ireland. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là hàng hóa từ Anh đến Bắc Ireland phải qua thủ tục kiểm tra hải quan, gây ra tình trạng tắc nghẽn. Anh muốn viết lại nghị định thư này nhưng Brussels từ chối đàm phán. Theo CBI, chấn chỉnh nghị định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng bằng cách đưa Anh đến gần EU hơn.

Danker nói thêm rằng chính phủ Anh vẫn thiếu nỗ lực thúc đẩy phát triển xanh, vốn thụt lùi kể từ sau khi Boris Johnson rời chức vụ thủ tướng.

Ông nói: “Đòn bẩy chính sách lớn còn thiếu là liên quan đến tăng trưởng xanh. Có một mối lo ngại thực sự và lan rộng là chính phủ hiện tại đang thụt lùi đối với tăng trưởng xanh”. Danker cho rằng việc không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh và các kế hoạch nâng cao năng suất khác đang ảnh hưởng đến triển vọng của nền kinh tế Anh.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới