Ta Prohm: Những bộ rễ cây và ngôi đền đổ nát
Bài: Đỗ Thành - Ảnh: Quang Minh
Đền Ta Prohm bị hủy diệt bởi chiến tranh nhưng trở nên nổi tiếng nhờ những bộ rễ cây đại thụ. |
(TBKTSG Online) - Rời Bayon, chúng tôi đến Ta Prohm, một ngôi đền đổ nát gần như toàn bộ nhưng lại nổi tiếng và hấp dẫn khách du lịch bởi những bộ rễ cây đại thụ bám vào đá như những con trăn khổng lồ. Ta Prohm nằm về phía đông Angkor Thom do vua Jayavarman VII xây dựng năm 1186, làm một tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa; ban đầu được gọi là Rajavihara (đền Hoàng Gia).
Kỳ 1: >>> Rong chơi xứ Chùa Tháp.
Kỳ 2: >>> Siem Reap - Xa mà gần.
Kỳ trước: >>> Bayon - Những nụ cười bí ẩn.
Ta Prohm là một trong những ngôi đền đầu tiên được vua Jayavarman VII xây dựng để tôn vinh hoàng tộc của mình. Sang đến đời vua Jayavarman VIII lên ngôi, đã hủy những hình ảnh liên quan đến Phật giáo để thờ linh vật của đạo Bà La Môn. Trong suốt nhiều năm sau, đền chịu bao thăng trầm của lịch sử, quan trọng nhất là cuộc xâm lăng của người Myanmar và Thái Lan vào cuối thế kỷ XIII khiến đền Ta Prohm bị đổ nát rất nhiều, nhiều báu vật trong đền bị cướp. Hiện nay, phía trong phế tích ngôi đền chính vẫn còn dấu vết của nơi gắn kim cương. Tượng thờ hầu như không còn, ngoài những linga và yoni.
Nhấn vào đây để xem thêm ảnh >>> Đền Ta Prohm.
Trên đường đến Ta Prohm, chúng tôi gặp mấy khu đền đài đang được trùng tu khá công phu, một số đền tháp nhỏ hoặc do bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại chút ít dấu tích không còn hình dung được quy mô trước đây và cả cái cổng chào trên đường đi nhưng không biết là cổng vào đâu vì nó còn cánh Ta Prohm khá xa. Đến khu Ta Prohm, cái cổng chào cũng có tượng bốn mặt đá nhìn tứ phương với nụ cười bí ẩn, khiến tôi chợt nghĩ là khu này cùng phong cách kiến trúc như Bayon, nhưng vào trong thì biết ngay mình nhầm.
Từ cổng chính, du khách phải đi bộ gần 500 mét dưới tán lá cây tỏa mát. Một nhóm nhạc công trải chiếu bên lề đường, lặng lẽ ngồi hòa tấu các bản nhạc với nhạc cụ truyền thống của người Khmer. Bên cạnh, họ dựng một tấm bảng lớn, ghi bằng nhiều thứ tiếng ngoài chữ Khmer như Anh, Pháp, Hoa, Hàn, Việt... cho biết họ thuộc hội những nạn nhân bị tàn tật do bom mìn sau chiến tranh.
Bước qua một chiếc cổng nhỏ nằm giữa bức tường thành xây đá ong cao khoảng 5 mét, vào bên trong ngôi đền, chúng tôi đã bị choáng váng bởi một bộ rễ to đùng, ước chừng hàng trăm năm qua, bám phủ mái đền đá xanh và chảy tràn ra mấy hướng như con suối. Khách du lịch như bị hút vào đó, chờ đến lượt đứng vào chụp ảnh với bộ rễ khổng lồ.
Chưa hết. Chỗ này chỗ kia là các bộ rễ khác nhau, vàng rực có, nâu xỉn có, xanh có, và cả những bộ rễ khô tựa hồ như sắp chết. Cái mọc ngang, mọc dọc, cái đâm tít từ trên trời cao xuống, xuyên thủng một góc nhỏ mái đền và loằn ngoằn bò như con rắn thần Naga nơi đền Angkor Wat. Đặc biệt là tuy bộ rễ cực lớn như vậy mà các vết gãy vỡ lưu trên đá xem ra chẳng thiệt hại lớn. Nhìn giống như một mũi dùi đâm nhẹ qua một lớp nhung xanh để trườn dài ra khoe vẻ đẹp mềm mại cho mọi người chiêm ngưỡng.
Có nơi bộ rễ chạy dài theo nóc đền, vươn cả đỗi, rồi mới ngoan ngoãn luồn vào cửa hông hay vách đá và bò ra khoảng không kế tiếp. Có nơi bộ rễ khởi từ một ngôi đền bên này đường lan sang ngôi đền bên kia đường, nối nhau thành một hợp thể, trông vừa lạ, vừa đẹp, vừa độc đáo. Du khách đến đây chỉ cần ngước mặt lên nhìn một vòng thì thấy đâu cũng là rễ, quyện với đá thành một cảnh quan phế tích tuyệt đẹp.
Loanh quanh một đỗi, chúng tôi gặp một bộ rễ quá nặng, sắp đổ ụp xuống, ban quản lý di tích đã phải dùng các thanh kim loại lớn chống đỡ mà vẫn bị oằn xuống, nghiêng lệch đi. Dù cố nén sự lao xao trong tâm trí về hình ảnh đổ nát ở đây mà lòng không chìu theo nên hứng thú chụp ảnh ở ngôi đền này xem chừng cũng nguội đi khá nhiều. Khác với vẻ hoang tàn ở Angkor Thom và những ngôi đền khác, ngoài yếu tố con người còn do sự tàn phá của thời gian; ở Ta Prohm, chui vào từng ngóc ngách, cảm giác như nơi đây vừa qua những cơn địa chấn, gây đổ sập chưa lâu, đá tảng chất chồng lên nhau choán chỗ khắp nơi. Nhưng nơi này không bị tàn phá bởi động đất, thiên tai mà do con người. Giờ đây, Ta Prohm chỉ còn là những đống đá và những bộ rễ cây!
Trên một thân cây ở sân trước ngôi đền, tôi có thấy một tấm biển ghi tên cây là “Sralao”, không biết tiếng Việt gọi là gì. Nhưng trong một tài liệu thấy nói khu đền Ta Prohm có hai loại cây chính là cây tung và cây kơ-nia (cây cày). Theo quan sát, chúng tôi không hề thấy cây kơ-nia ở đó; còn cây tung, không biết có phải là tên khác của cây sralao hay không (?!).
Có thể nói chính nhờ những gốc cây cổ thụ này trùm bộ rễ khổng lồ và trở thành giá đỡ cho các hạng mục chưa đổ sập, nhưng cũng có thể đổ lỗi cho những bộ rễ cây này đâm xuyên tường làm tường, mái đền hư hỏng. Điều này, chắc những người có trách nhiệm bảo tồn di tích ở Campuchia hiểu rõ họ cần làm gì để gìn giữ hệ thống di tích lịch sử của đất nước họ.
Những cây tạo dáng cho Ta Prohm chẳng do ai trồng, cũng không mọc từ dưới đất lên như những cây khác trong các khu rừng mênh mông chung quanh. Chúng mọc ngay trên mái, trên bờ tường, do chim ăn trái trong rừng về đây nhả hột. Cây con mọc lên và buông xõa bộ rễ xuống ôm lấy những khối đá mát lạnh và cứ thế lớn lên. Những cây mọc bên ngoài đền vươn bộ rễ tỏa ra chung quanh, bò lan trên mặt đất ra xa đến hàng chục mét như đan lưới.
Chúng tôi quyết định về sớm để sáng mai đi khá xa về hướng vùng núi Bantey Srei, nơi cả bốn người chưa từng có dịp đặt chân đến. Về đến nhà nghỉ My Home cũng đã hơn 5 giờ chiều. Người chui về phòng nghỉ, người ra ngâm mình nơi hồ tắm đến khoảng 7 giờ, chúng tôi mượn xe đạp của nhà trọ, đèo nhau trên hai chiếc, túc tắc ra phố chợ Siem Reap dùng cơm. Cô bé bán sinh tố vẫn lao nhao mời và lại tập đếm “mọt, hai, pa, pốn...” bằng tiếng Việt...
Kỳ sau: Banteay Srei và vùng núi Kulen