Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tác động của Thông tư 06 tới thị trường tín dụng

Trịnh Duy Viết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Thông tư 06 đưa thêm định nghĩa về cho vay bù đắp tài chính: cho phép người đi vay được vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác với nhiều mục đích vay hơn. Ảnh: LÊ VŨ

Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1-9-2023, được đánh giá sẽ có một số tác động đáng kể tới hoạt động tín dụng trên thị trường hiện nay.

Từ khía cạnh đối tượng đi vay vốn

Thông tư 06 bổ sung điểm c, khoản 6, điều 2 - thêm điều kiện vay vốn để phục vụ nhu cầu đời sống (để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở...) vào phương án sử dụng vốn được phép vay vốn. Đồng thời, Thông tư 06 cũng bổ sung khoản 12, điều 2 - đưa thêm định nghĩa về cho vay bù đắp tài chính, trong đó bao gồm cả cho vay bù đắp cho hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội.

Điều này có nghĩa là cho phép người đi vay được vay ở tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác với nhiều mục đích vay hơn. Tác động này là rất lớn ở góc độ người đi vay, cho phép họ có thể lựa chọn được tổ chức tín dụng có lãi suất thấp hơn, dịch vụ tốt hơn và gia tăng quyền lợi khác trong hoạt động đi vay vốn.

Thông tư 06 có thể là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường thông qua sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính hoặc tuyên truyền thiếu hiệu quả.

Ngoài ra, một lợi ích khác mà Thông tư 06 mang lại là bổ sung thêm quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống sẽ được cấp hạn mức vay tối đa 100 triệu đồng, vay qua hình thức xác minh điện tử. Điều này giúp cho rất nhiều khách hàng có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ nhu cầu đời sống với điều kiện vay dễ dàng hơn. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, nguồn trả nợ là đã có thể được xem xét cho vay vốn.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, hiện có khoảng 30 triệu khách hàng đang vay tiêu dùng với hạn mức vay trung bình 35-50 triệu đồng, với quy mô khoảng 220.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào thời điểm 31-12-2022. Điều này mở ra một cánh cửa lớn để người vay vốn có thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, kích thích tăng trưởng tín dụng và giảm nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

Tác động với các tổ chức tín dụng

Thứ nhất, việc cho phép khách hàng có thể vay vốn tại tổ chức tín dụng này để trả nợ cho tổ chức tín dụng khác như nói trên sẽ khiến cho hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng cạnh tranh hơn.

Trong cuộc cạnh tranh này, các ngân hàng thương mại gốc nhà nước có lợi thế chi phí vốn thấp. Vì vậy, các ngân hàng thương mại tư nhân cần phải tăng cường áp dụng công nghệ tự động, cơ cấu giảm chi phí hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ để tăng tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng), từ đó giảm chi phí vốn và giảm chi phí đầu ra cho khách hàng.

Thứ hai, Thông tư 06 bổ sung một số nhu cầu vốn bị cấm như không được cho khách hàng vay để gửi tiền tại tổ chức tín dụng khác; cho vay để mua cổ phần, góp vốn, nhận chuyển nhượng từ các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom; cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh... Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mong muốn thông qua việc này hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lớn đứng ra vay vốn để góp vốn, đầu tư, hợp tác vào các doanh nghiệp/dự án mà chưa đạt được các điều kiện vay vốn trực tiếp từ tổ chức tín dụng, nhằm hạn chế những rủi ro trong hoạt động cấp vốn lên hệ thống tín dụng.

Các doanh nghiệp khi muốn thực hiện các hoạt động huy động vốn tín dụng cũng phải buộc mình trở nên minh bạch hơn, ít nhất là đăng ký giao dịch lên hệ thống giao dịch UpCom.

Trong thực tế, đối tượng vay vốn theo hình thức này khá phổ biến (các doanh nghiệp bất động sản, năng lượng...). Điều này vô hình trung cũng gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và giảm đi một đối tượng lớn nhu cầu vốn từ khách hàng.

Ở góc độ cơ quan quản lý thì họ có lý do để đưa ra hạn chế này trong thời điểm hiện tại. Điều này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng để tài trợ cho nhiều dự án rủi ro được lách qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, hợp tác đầu tư... Tuy nhiên, đây đều là những hình thức hoạt động phổ biến trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp, và vô hình trung khiến một số doanh nghiệp khó tiếp cận vốn hơn.

Thứ ba, Thông tư 06 đã quy định cụ thể hơn về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử. Điều này giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng có nhu cầu vay vốn với chi phí thấp bằng việc áp dụng công nghệ.

Có thể nói, nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống hay vay vốn tiêu dùng khá phổ biến, nhưng nếu áp dụng các biện pháp cho vay truyền thống sẽ khiến chi phí vốn tăng cao, dẫn đến các ngân hàng không mặn mà cho vay với các khách hàng này. Thông tư 06 đã giúp các ngân hàng giải quyết được vấn đề. Áp dụng công nghệ cho vay qua giao dịch điện tử sẽ giúp chi phí được giảm thiểu và kích thích các ngân hàng tham gia đẩy mạnh cho vay phục vụ tiêu dùng hơn.

Tác động tới nền kinh tế chung

Thông tư 06 khi có hiệu lực được đánh giá sẽ mang lại những tác động tích cực và hạn chế đến các nhóm đối tượng khác nhau:

Người vay vốn là cá nhân sẽ có nhiều điều kiện hơn để tiếp cận vốn, thủ tục đơn giản hơn nếu là đi vay để phục vụ nhu cầu đời sống. Không chỉ vậy, việc áp dụng cho vay vốn qua hình thức điện tử với quy mô dưới 100 triệu đồng giúp đại đa số người dân tiếp cận dễ dàng hơn với vốn từ ngân hàng, giảm nhiều hệ lụy xã hội không đáng có.

Ngoài ra, việc bổ sung thêm nhiều trường hợp không được vay vốn sẽ định hướng được dòng tiền tập trung vào những doanh nghiệp và dự án hoạt động đúng với quy định. Tuy nhiên, việc này vô hình trung lại gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong một số hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp chưa niêm yết, dự án hình thành trong tương lai... Điều này có thể thấy trong ngắn hạn thì NHNN đang phải đánh đổi định hướng dòng tiền thông qua những mặt thuận lợi của Thông tư 06 với những tác động không mong muốn của nó tới nền kinh tế.

Với hệ thống ngân hàng, Thông tư 06 sẽ mở ra một cuộc cạnh tranh ngày càng cao hơn, buộc các ngân hàng phải tiếp tục cải thiện hoạt động của mình nhằm giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng dịch vụ, qua đó giảm chi phí cho vay và tăng độ hài lòng để giữ chân khách hàng. Thông tư 06 có thể là một trong những giải pháp giúp hạ nhiệt lãi suất cho vay trên thị trường thông qua sự cạnh tranh, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính hoặc tuyên truyền thiếu hiệu quả.

Ngoài ra, định hướng dài hạn tới nền kinh tế là tín dụng không phải là một kênh dẫn vốn duy nhất cho nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình các kế hoạch huy động vốn từ các nguồn khác. Hơn nữa, các doanh nghiệp khi muốn thực hiện các hoạt động huy động vốn tín dụng cũng phải buộc mình trở nên minh bạch hơn, ít nhất là đăng ký giao dịch lên hệ thống giao dịch UpCom.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới