(KTSG) - Hơn lúc nào hết, bối cảnh của đại dịch Covid-19 khiến người ta nghĩ nhiều về vai trò của công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Thưởng thức âm nhạc trong những ngày giãn cách gợi lại câu chuyện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác quyền đối với các tác phẩm do AI viết hoặc tham gia viết.
AI sáng tác nhạc
Thế giới lâu nay đã biết đến những nghệ sĩ nói hay nghệ sĩ hát là người máy sử dụng công nghệ AI. Nhưng có lẽ, kết quả sáng tạo âm nhạc của AI được công bố trong những năm gần đây mới thật sự tạo ra những cảm xúc mạnh.
Hai năm trước, hãng công nghệ Huawei gây bất ngờ khi công bố kết quả hoàn thiện của AI đối với bản giao hưởng số 8 dang dở của Schubert.
Mới đây, đầu tháng 10, với bản giao hưởng mà nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven đã bỏ dở từ hai trăm năm trước, AI trong một dự án được thực hiện hai năm của các nhà khoa học và âm nhạc người Đức đã cho ra kết quả đầy ấn tượng: bản giao hưởng số 10 hoàn chỉnh.
Không chịu thua kém với các AI “ngoại,” các “tay chơi” AI Việt cũng đã làm nức lòng người mộ điệu về một ứng dụng AI tương tự được giới thiệu vào đầu năm 2021.
Tác quyền đối với giai điệu của ca khúc được chàng kỹ sư IT giới thiệu thuộc về ai: thuộc về AI hay thuộc về người thiết lập AI?
Bằng chứng là, chỉ sau khoảng hai năm nghiên cứu, mô hình AI của chàng kỹ sư công nghệ thông tin (IT) 9x Nguyễn Hoàng Bảo Đại đã có thể thực hiện công việc như một nhạc sĩ thực thụ, nhưng với khối lượng kết quả khủng khiếp hơn nhiều. Chỉ với ba đến năm nốt nhạc được “mớm”, ứng dụng AI nội địa này có thể sản sinh ra mười giai điệu hoàn chỉnh (hình thành nên các ca khúc) trong vòng... 1 giây(1).
Điều khá ấn tượng là, sau khi gắn hợp âm và viết lời, ca khúc The AI love song được chàng kỹ sư yêu âm nhạc thể hiện tại chương trình Giải thưởng Công nghệ 2020 khiến không ít người dự khán trầm trồ, thậm chí còn tiên đoán có thể thành “hit” nếu tiếp tục hoàn thiện.
Bỏ qua những tranh cãi về năng lực thực sự cũng như khả năng thay thế của AI đối với hoạt động sáng tác âm nhạc trong tương lai, sự xuất hiện mô hình AI này cho thấy không phải quá sớm để những cuộc thảo luận về các khía cạnh pháp lý đối với hoạt động sáng tạo của AI xuất hiện ở Việt Nam.
AI có được đứng tên tác phẩm?
Cụ thể, có thể đặt ngay câu hỏi trực tiếp là, tác quyền đối với giai điệu của ca khúc được chàng kỹ sư IT giới thiệu thuộc về ai: thuộc về AI hay thuộc về người thiết lập AI?
Đương nhiên, về phần lời của ca khúc thì vẫn thuộc về con người, cụ thể là của chàng kỹ sư IT trong ca khúc trên, nếu AI vẫn chưa thể “thầu” luôn công việc này. Nhưng liệu rằng AI có thể đứng tên đồng tác giả đối với phần giai điệu như thường thấy ở một số tác phẩm âm nhạc mà người viết nhạc và lời là những người khác nhau; ví dụ như ca khúc phổ thơ...
Đương nhiên, kỹ sư IT thiết lập hệ thống AI đã được ghi nhận và bảo toàn quyền đối với sáng chế. Nhưng rõ ràng, khó thuyết phục nếu kỹ sư viết hệ thống AI tiếp tục đứng tên tác giả giai điệu không phải do mình viết ra.
Tuy nhiên, lập luận này không dễ được chấp nhận, và thực tế vẫn có ý kiến cho rằng, tác quyền đối với tác phẩm âm nhạc (hay các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học khác) thuộc về người sáng chế và sở hữu AI.
Nhưng ngược lại, cần phải phân định tường minh giữa quyền nhân thân và quyền tài sản trong tác quyền. Nếu quyền nhân thân tiêu biểu trong tác quyền chính là quyền đứng tên cho tác phẩm thì ý nghĩa quan trọng nhất của quyền tài sản chính là quyền được hưởng (được trả) thù lao tác quyền (điều 19 và 20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005).
Chủ thể sáng tạo hoặc sở hữu AI vì vậy có thể trở thành chủ sở hữu quyền tác giả và được hưởng các quyền tài sản đối tác phẩm. Nhưng theo quy định của pháp luật thì chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả mới có quyền nhân thân đối với tác phẩm, ngoài các quyền tài sản như các chủ sở hữu khác (điều 36 và 37 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Hay nói cách khác, nếu tác phẩm âm nhạc được ghi nhận thuộc tác quyền của AI thì AI sẽ có quyền đứng tên cho tác phẩm âm nhạc đó.
Đương nhiên, trong trường hợp tác phẩm âm nhạc có đồng tác giả thì các đồng tác giả đồng thời được hưởng quyền tác quyền, và có thể phân định rõ ràng đối với phần sáng tạo độc lập của mình, như trường hợp AI viết giai điệu và người khác viết lời trong ca khúc nói trên (điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005).
Như vậy, với cách tiếp cận đó của pháp luật, cơ hội có được quyền sở hữu tác phẩm của chủ thể sáng chế, sở hữu công nghệ AI vẫn tồn tại. Nhưng không vì vậy mà cơ hội được hưởng quyền tác giả thích đáng của AI lại có thể bị loại trừ.
Bất an và nút thắt cần gỡ
Nhưng thực ra, có nhiều lý do để các cuộc thảo luận đã và đang diễn ra còn cảm thấy bất an khi chính thức trao quyền và thừa nhận tư cách chủ thể hưởng quyền của AI. Đương nhiên, khi ghi nhận tác quyền cho AI thì cũng đồng nghĩa ghi nhận tư cách chủ thể pháp luật của đối tượng đặc biệt này. Khi đó, một số vấn đề pháp lý có thể nảy sinh, nhưng lại rất khó để “túm” AI tiếp tục.
Thứ nhất, pháp luật sẽ ứng xử như thế nào nếu các chủ thể AI thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là hành vi phạm tội. Thực tế, không khó để thừa nhận độ chuẩn xác trong các quy trình hoạt động và sản phẩm đầu ra của robot thế hệ cũ lẫn AI nhưng điều này cũng không thể đảm bảo liệu rằng các tác phẩm của AI có bị dính cáo buộc “đạo nhạc”, thậm chí là đối với tác phẩm âm nhạc của hệ thống AI thuộc chủ sở hữu sáng chế khác hay không.
Rõ ràng, trong các tình huống như vậy, người ta dễ nghĩ đến người sở hữu, cung cấp hay vận hành hệ thống AI. Điển hình, bản dự thảo quy chế điều chỉnh hoạt động cung ứng và sử dụng AI mới đây của châu Âu cũng dựa theo cách tiếp cận này.
Thứ hai, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu AI bị cáo buộc là xâm phạm quyền và lợi ích của bên thứ ba. Về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, AI hình thành và hoạt động trên cơ sở hệ thống nhập liệu đầu vào và từ “sự nhận thức” đó tiến hành hoạt động sáng tạo của mình. Thực tế, chàng kỹ sư IT Bảo Đại cũng đã nhập khoảng ba mươi ngàn bài hát tiếng Việt để huấn luyện “đứa con” AI của mình.
Với tình huống một, vấn đề nảy sinh có thể xuất phát từ việc xác định tác phẩm âm nhạc của AI là tác phẩm độc lập hay chỉ là tác phẩm phái sinh. Ngoài ra, tình huống hai có thể xuất hiện nếu chủ thể có quyền của các ca khúc, giai điệu của các ca khúc được sử dụng để nhập liệu đòi tiền tác quyền.
Một lần nữa, chủ thể nắm giữ AI có thể bị gọi tên! Và chính vì các dự liệu này mà tiến trình thúc đẩy, tiến đến ghi nhận tác quyền tác phẩm cho AI có phần chững lại.
Nhưng phải chăng, những gút mắc này sẽ chẳng hề gì nếu pháp luật quyết tâm ghi nhận tác quyền cho AI và theo đó bổ sung một số điều chỉnh cho tương thích.
Khả năng thứ nhất là ghi nhận tư cách “giám hộ” của chủ sở hữu, vận hành AI đối với hệ thống AI đó. Khi đó, những vấn đề pháp lý nêu trên dễ dàng được phân định, phân khúc riêng biệt giữa AI và bên sở hữu, vận hành. Đương nhiên, tư cách “giám hộ” không làm mất đi quyền tác giả, cụ thể là quyền được đứng tên tác phẩm, của AI.
Khả năng thứ hai có thể được lựa chọn là bổ sung quy định riêng biệt khi ghi nhận tác quyền cho AI và ghi nhận rõ nội dung quyền và nghĩa vụ mà AI hay bên sở hữu, vận hành AI được hưởng hay phải chịu. Lúc đó, ngoài quyền được hưởng tác quyền của AI, các quyền và nghĩa vụ khác lẫn rủi ro pháp lý có thể phát sinh được dự liệu đầy đủ và người nắm giữ sáng chế AI có thể được triệu hồi để... chia sẻ.
Đó là ý kiến thảo luận của người viết. Chắc chắn, để có thể định hình khung pháp lý hoàn chỉnh về tác quyền đối với tác phẩm sáng tạo của AI, các cuộc thảo luận và phân tích cần phải tiếp tục. Điều quan trọng là, nếu việc ghi nhận tác quyền được khai thông thì các nội dung khác về quyền sở hữu trí tuệ của AI cũng có thể được giải quyết, chẳng hạn như quyền đối với sáng chế, nhãn hiệu... mà AI đã tạo ra.
------------
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) Khương Nha, Kỹ sư Việt dùng AI viết 10 bài hát trong một giây, VnExpress, ngày 25-1-2021, 00:00 (GMT+7).