Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Tại anh, tại ả’ hay… tại cả đôi bên?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tàu cao tốc TPHCM đi Côn Đảo được nhiều du khách trông chờ trước khi đi vào hoạt động. Thế nhưng, chỉ sau hai tháng vận hành, chủ đầu tư đã thông báo ngưng làm rất nhiều người chưa có cơ hội ra đảo thất vọng.

Ngày 9-7 Công ty Tàu cao tốc Phú Quốc đã thông báo ngưng vận hành tuyến tàu cao tốc TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và ngược lại từ ngày 29-7, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động. Ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc công ty, chia sẻ với KTSG Online rằng quá trình vận hành tuyến trong thời gian qua còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn của du khách. Trong đó, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước ở khá xa, phải thực hiện trung chuyển hành khách từ trung tâm, khách tự di chuyển mất phí vào cảng, thời tiết xấu…

Trong hai tháng tàu hoạt động, báo chí đăng tải nhiều thông tin bấp cập của tuyến vận tải này nên điều nhà tàu nói không có gì bất ngờ. Thế nhưng, sau khi thông báo tạm ngưng, không ít bài bình luận trên báo, bài viết trên mạng xã hội có ý cho rằng, thất bại của tuyến vận tải này là bài học lớn cho công ty mà các nhà đầu tư khác cần nhìn vào để rút kinh nghiệm khi “xuống tiền”, mở ra những hướng đi mới trong kinh doanh.

Một doanh nghiệp là nhà tổ chức du lịch tàu biển và du lịch đường sông có kinh nghiệm, đã sơ khởi vài dòng của thất bại tuyến đường biển này như sau:

"Đầu tư rất bài bản, to lớn, hiện đại nhưng chỉ tiếc thị phần khách ra đảo không lớn. Thời tiết của lộ trình này ít êm đềm trong cả hai mùa gió Đông Bắc và gió Tây Nam. Dân Việt ít đi biển bằng tàu nên bị say sóng, đau đầu, ói mửa suốt hành trình. Địa điểm đón và trả khách khá xa trung tâm, chưa có nhà ga nên vấn đề vận chuyển hành lý trở nên khó khăn cho nhà tàu lẫn du khách. Dịch vụ hậu cần ở điểm đón và trả khách chưa có, khách muốn ăn uống gì khi ngồi chờ tại bến đều không có. Giá xe chở khách từ nội thành đến bến và ngược lại khá cao và khó gọi xe, đi bộ từ cổng cảng đến bến tàu đậu khá xa, có khi đi bộ cả 500-1.000 mét trong khi phải kéo hay vác hành lý là điều mà không du khách nào muốn. Cảng xa và đôi khi không cho phép khách đi bộ trong cảng”.

Vài dòng nhận xét của doanh nhân trên đã gần như bao quát toàn bộ lý do thất bại của một tuyến vận tải khách đường biển mới đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chi tiết “giá xe chở khách từ nội thành đến bến và ngược lại khá cao và khó gọi xe, đi bộ từ cổng cảng đến bến tàu đậu khá xa, có khi đi bộ cả 500-1.000 mét trong khi phải kéo hay vác hành lý là điều mà không du khách nào muốn” lại là điều thể hiện việc kết nối giao thông từ trung tâm thành phố ra ngoại thành đang rất khó khăn và trường hợp tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo không phải là cá biệt.

Một du khách nói với người viết, khách đón xe taxi từ trung tâm thành phố đến cảng tàu cao tốc ở Hiệp Phước rất khó khăn. Nhiều tài xế taxi từ chối không chỉ vì quãng đường xa mà còn do khó hoặc không đón được khách ở chiều về. Điều đó phần nào nói lên quy hoạch giao thông từ trung tâm đến các vùng ven đang có vấn đề. Vấn đề này càng làm khó cho giao thông trong tương lai, nếu không nói là cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị.

Chỉ một ngày sau tin “Dừng chạy tàu cao tốc TPHCM – Côn Đảo sau 2 tháng hoạt động”, ngày 10-7, KTSG Online đăng tin “Bến xe miền Đông mới: sau 4 năm, chỉ đạt 5% công suất hoạt động”, phản ảnh Bến xe miền Đông mới ở thành phố Thủ Đức (TPHCM) được xây dựng để phục vụ 7 triệu lượt khách mỗi năm nhưng chỉ đạt khoảng 5% công suất sau gần 4 năm hoạt động. Một bạn đọc đã bình luận: “Nếu không có những trạm xe buýt trung chuyển ra Bến xe miền Đông mới (trung chuyển ở đây có nghĩa là không đón khách dọc đường) thì không thể tăng năng suất đón khách được, hiện quá bất tiện và tốn kém cho người dân”.

Bến xe miền Đông mới đồ sộ nhưng hoạt động chỉ 5% công suất thiết kế trong suốt 4 năm qua, rồi tuyến tàu cao tốc TPHCM - Côn Đảo phải ngưng hoạt động sau hai tháng vận hành và tương lai rất có thể là “những bất tiện” khác khi hành khách đi các chuyến bay quốc tế từ sân bay Long Thành... Vấn đề là gì?

Bản chất của tình trạng này là quy hoạch giao thông, kết nối giao thông từ trung tâm đô thị ra vùng ven, từ TPHCM đi các tỉnh, từ địa phương này sang địa phương khác chưa liền mạch, chưa đem lại tiện ích tốt nhất cho người dân. “Quả bóng trách nhiệm” này không chỉ là của doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cao hơn đó là Nhà nước trong quy hoạch giao thông.

2 BÌNH LUẬN

  1. Tàu được đầu tư bài bản. Rất tiếc, mới đến đã rời đi, dừng hoạt động. Tình trạng này không chỉ ở TPHCM. Cả Đà Nẵng cũng có tình trạng tương tự. Hai thành phố lớn của đất nước, có ưu thế tuyệt đối về sông nước, cần tập trung ưu tiên phát triển giao thông đường thủy, cũng như hạ tầng bến bãi phục vụ. Chiến lược quy hoạch dài hạn, nói rất hay, nhưng trên thực tế, đang đi chậm/ đi sau nhu cầu phát triển du lịch, dịch vụ quá nhiều. Không chỉ doanh nghiệp mà cả địa phương, đôi bên cùng chịu thiệt hại. Nếu không chịu khó suy nghĩ cho nhau, cùng nhau, thì làm sao tiến nhanh cùng thiên hạ ?

    • Nhà đầu tư chủ động đề xuất, Nhà nước hỗ trợ các thủ tục và tạo điều kiện tối đa để tuyến đi vào hoạt động. Bản thân nhà đầu tư khi lập phương án phải dự báo được hạ tầng hiện có để duy trì, tạo thói quen của người dân trong khoảng thời gian nhất định. Còn hai tháng vận hành và dừng lại rồi đổ cho hạ tầng thì không thuyết phục, cần xem lại các phương án đã trình đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới