Thứ Tư, 2/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc ngành bảo hiểm nhân thọ: cần làm thật chứ không ‘làm màu’

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường bảo hiểm nhân thọ những tháng đầu năm tiếp tục suy giảm mạnh. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, những tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện trong bối cảnh cuộc tái cấu trúc toàn ngành đang diễn ra.

Thay quy trình, đổi sản phẩm

Thị trường bảo hiểm tiếp tục suy giảm về mặt doanh số. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong sáu tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm 10,5%. Tốc độ tăng trưởng này bắt đầu xu hướng giảm khi ghi nhận lần giảm đầu tiên vào báo cáo tháng 7 năm ngoái, với mức giảm chỉ 1,62%.

Thực tế cho thấy sau khi thị trường có những quy định mới từ năm ngoái, các công ty đã có những bước chuyển mình. Ảnh minh hoạ: DNCC

Trong lần chia sẻ với báo chí hôm 9-7, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), đánh giá ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trải qua cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất lịch sử. Những tháng đầu năm nay, doanh số lĩnh vực này giảm trên 30%, sau giai đoạn dài tăng trưởng hai chữ số.

Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi khó khăn, sự suy giảm về nhu cầu bảo hiểm còn nằm trong bối cảnh các quy định mới đang dần có hiệu lực. Cuối năm ngoái, Thông tư 67 quy định về việc ngân hàng không được “gắn” sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng có khoản vay trước và sau 60 ngày, từng được thảo luận rầm rộ. Tương tự, những quy định mới trong Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng 7 vừa qua, nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện chờ hướng dẫn cụ thể.

Thực tế cho thấy sau khi thị trường có những quy định mới từ năm ngoái, các công ty đã có những bước chuyển mình. Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Bảo hiểm Manulife, cho biết sau khi Thông tư 67 có hiệu lực, công ty đã phải quay lại rà soát toàn bộ hợp đồng đã ký, sau đó thay thế bằng sản phẩm mới và được đón nhận nhờ phù hợp với thị trường.

Bên cạnh đó, sự thay đổi diễn ra đáng kể ở quy trình xác thực, giám sát phát hành hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo 100% khách hàng được tư vấn đúng và đủ theo nhu cầu. Công nghệ cũng được áp dụng vào nhiều khâu nhằm phục vụ khách hàng, tư vấn viên, và ra mắt thêm sản phẩm mới.

Sự thay đổi lớn cũng diễn ra ở kênh đại lý. Chẳng hạn như giảm mức hoa hồng từ 40% về mức tối đa 30%, đồng thời đưa ra quy trình nghiêm ngặt hơn về khâu xác nhận, ghi âm ghi hình. Các tư vấn viên cũng phải vượt qua kỳ thi về sản phẩm đầu tư và tỷ lệ đậu khá thấp thực tế cũng ảnh hưởng đến các đại lý.

“Chưa bao giờ thị trường thay đổi nhanh như thế, mọi thứ đều làm thực chứ không phải làm màu”, người giữ ghế Tổng giám đốc Manulife vừa tròn một năm bình luận.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác cũng đang âm thầm chuyển dịch và thay đổi, theo tìm hiểu của KTSG Online. Trong năm ngoái, câu chuyện nâng cấp và “làm mới” đội ngũ tư vấn viên được nhắc đến nhiều, còn thời điểm hiện nay là câu chuyện của quy trình, hợp đồng và sản phẩm. Sẽ không ngạc nhiên nếu trong thời gian tới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giới thiệu ra thị trường những sự thay đổi liên quan đến ba vấn đề trên, đặc biệt là khi luật kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực.

Theo ông Dũng, bức tranh chung hiện nay là các doanh nghiệp đang tập trung thi hành những quy định mới được áp dụng từ năm 2024. Theo đó, sự thay đổi của nhiều câu chuyện như tóm tắt sản phẩm, cải thiện bộ hợp đồng minh bạch, công cụ tra cứu, quy trình nghiệp vụ, quy trình xác thực, phát hành hợp đồng, quản lý chi trả…đang ngày càng rõ nét hơn.

“Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chuyển đổi rất nhiều, tập trung nhiều vào việc thay đổi chính mình, trong tâm lý thực sự chủ động và tích cực nâng cấp sản phẩm, quy trình nghiệp vụ và nhiều thứ khác”, ông Dũng bình luận.

Tăng trưởng ngành bảo hiểm tiếp tục suy giảm trong nửa đầu năm 2024.

Tìm cơ hội mới cho ngành

Trong năm ngoái, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, số lượng hợp đồng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư sụt giảm 41,4%, theo số liệu báo cáo ngành của Vietnam Report.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán đánh giá cách làm của các công ty bảo hiểm và ngân hàng trong nhiều năm qua đã tổn thương niềm tin của người dân. Do đó, khi thị trường siết lại thì người dân phản ứng ở quy mô nào đó, gây khó khăn cho cả các đại lý, những người đang triển khai bảo hiểm không liên quan đến ngân hàng.

Khi các doanh nghiệp đồng loạt thay đổi cách làm và sản phẩm, thị trường chịu ảnh hưởng là điều tất yếu. Tuy nhiên, sự đánh đổi này là cần thiết và được đánh giá là tích cực.

Theo bà Tina, doanh số kênh đại lý sẽ chịu ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng dài hạn sẽ tốt hơn. Trước đây,  việc chi trả hoa hồng cho những năm sau thấp hơn nhiều khiến các tư vấn viên không tập trung chăm sóc khách hàng, nay sẽ phải thay đổi. “Những người giỏi, kiên nhẫn về chuyên môn mới sống được với nghề này, không phải đi ra đi vào như trước”, bà Tina nói.

Tương tự, ông Dũng cũng đánh giá rằng thị trường đang đứng trước cơ hội của cuộc sàng lọc tư vấn viên. “Hàng trăm nghìn tư vấn viên sẽ tiếp tục bị đào thải trong thời gian tới”, Phó tổng thư ký IAV nói. Trong số 700.000 đại lý, những người muốn trụ lại với nghề sẽ phải được đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp.

Đại diện Manulife cho rằng đây là thời điểm để ngành bảo hiểm nhân thọ thay đổi, và nên nhìn như là một cơ hội và biến thành hành động, thành nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn sau này hơn là nói nhiều về sự khó khăn. “Thị trường non trẻ đi qua giai đọan cần sửa đổi để đi vững vàng hơn trong thời gian tới. Khách hàng đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn từ đại lý cũng như kênh ngân hàng”, bà Tina đánh giá.

Dù vậy, thách thức mới cũng đang dần xuất hiện, chẳng hạn như hiện có dấu hiệu một số ngân hàng không bắt khách đi mua bảo hiểm nhưng gợi ý nên mua cho người nhà, theo ông Đán. Các quy định hiện tại của ngành vẫn cho phép các hai bên bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh này, nhưng cũng phải đi theo Thông tư 67.

Theo chuyên gia này, bản chất câu chuyện không phải là cấm hay không cấm, mà là có cơ chế để giám sát việc bán hàng sai hay không, tức dân không có nhu cầu mà lại bán. “Vấn đề là các bên sẽ tham gia như thế nào. Cũng nên cho phép quyền người dân nhiều hơn, phản ánh sai phạm trực tiếp và công bố xử lý. Đây là công cuộc lấy lại niềm tin trong dân”, ông Đán nói.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng kết 6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành bảo hiểm nhân thọ ước đạt 819.560 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền đầu tư tăng 10%, tổng dự phòng nghiệp vụ ước tăng 13,2%. Đáng chú ý, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 30.966 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới