Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Tài chính xanh’ lên ngôi, hàng ngàn tỉ đô la sẵn sàng thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Tài chính xanh’ lên ngôi, hàng ngàn tỉ đô la sẵn sàng thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu

Lê Linh

(KTSG Online) – Những doanh nghiệp và nhà đầu tư có lượng tiền mặt dồi dào trên toàn cầu đang chuẩn bị giải ngân hàng ngàn tỉ đô la để đầu tư vào các dự án xanh, thúc đẩy cuộc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạc, thay thế các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than.

“Tài chính xanh” bùng nổ

Theo dữ liệu thống kê của Morningstar, trong quí 1-2021, trị giá tài sản ở các quỹ đầu tư trên toàn cầu, xem phát triển bền vững là trọng tâm của chiến lược, tăng lên mức gần 2.000 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp hơn 3 lần trong 3 năm qua. Hơn 5 tỉ đô la trị giá trái phiếu và các khoản cho vay tài trợ các sáng kiến xanh giờ đây đang được triển khai mỗi ngày. Hai ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã cam kết cho vay 4.000 tỉ đô la đối với các dự án thân thiện với khí hậu trong 10 năm tới.

Trong quí 1-2021, trị giá tài sản ở các quỹ đầu tư trên toàn cầu, xem phát triển bền vững là trọng tâm của chiến lược đầu tư, tăng lên mức gần 2.000 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: Morningstar

“Chúng ta đã đạt đến điểm bùng phát về tài chính xanh và hơn thế nữa” James Chapman, Giám đốc Tài chính Dominion Energy, một trong những công ty dịch vụ điện lực lớn nhất Mỹ, nói. Dominion Energy đã phát hành trái phiếu xanh (trái phiếu huy động vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo) và có kế hoạch đầu tư 26 tỉ đô la hoặc nhiều hơn cho năng lượng sạch, chẳng hạn năng lượng gió và mặt trời trong 5 năm tới.

Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), trong quí 1-2021, các chính phủ và các công ty trên toàn cầu đã phát hành gần 315 tỉ đô la trị giá trái phiếu xanh cũng như các chứng khoán nợ khác nhằm phục vụ các kế hoạch đầu tư cho phát triển bền vững. Con số này cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới đầu tư sẵn sàng trả giá mua cao hơn đối với trái phiếu xanh. Điều này đẩy lợi suất trái phiếu xanh đi xuống, giúp giảm chi phí vay nợ ở các dự án năng lượng sạch.

Các ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu cũng đang đẩy mạnh tài trợ vốn cho các dự án xanh. Hồi tháng 4, Ngân hàng JPMorgan Chase cam kết đầu tư 2.500 tỉ đô la trong thập kỷ tới cho các mục tiêu xã hội và môi trường, bao gồm tài trợ vốn trực tiếp cho các dự án điện gió và điện mặt trời, hỗ trợ các công ty năng lượng sạch huy động vốn.

Ngân hàng Bank of America kỳ vọng từ nay đến năm 2030 sẽ huy động và giải ngân  1.500 tỉ đô la để cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Sau nhiều năm thăng trầm, dường như “tài chính xanh” giờ đây không còn giống như là mối quan tâm bó hẹp ở các nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề xã hội, mà giống như cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận mang tính bền vững hơn.

Bị kích thích bởi các mức định giá đang tăng vọt của các công ty xe điện như Tesla và các công ty khởi nghiệp phát triển pin xe điện, các ngân hàng và giới đầu tư đang đặt cược rằng cuộc chuyển đổi năng lượng sẽ tăng tốc và họ có thể kiếm tiền bằng cách tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.

Đằng sau dòng vốn cuồn cuộn chảy vào các dự án năng lượng xanh là sự hội tụ của nhiều động lực. Các quỹ quản lý tài sản lớn trên toàn cầu nhìn thấy cơ hội kiếm lợi nhuận bền vững ở các dự án, bên cạnh đó họ cũng lo ngại rằng các rủi ro tài chính liên quan đến các dự án đầu tư làm trầm trọng thêm tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều khách hàng của các quỹ này muốn đặt vốn của họ vào các dự án ngăn chặn thiệt hại cho môi trường.

Nhiều chính phủ trên thế giới đang đẩy mạnh chi tiêu để giải quyết các vấn đề môi trường cũng như thiết lập các quy định mới để hạn chế khí thải carbon. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất chi hàng chục tỉ đô la để ứng phó biến đổi khí hậu. Những động thái này tạo ra động lực đặt cược đầu tư của khu vực tư nhân, thúc đẩy sự tăng tốc của cuộc chuyển đổi năng lượng.

Năm 2014, các công ty năng lượng trên thế giới đã đầu tư 735 tỉ đô la để khai thác dầu khí nhưng con số này giảm còn một nửa vào năm ngoái, trong khi đó, họ lại tăng đầu tư cho các dự án điện gió và điên mặt trời lên mức gần 220 tỉ đô la, tăng gần gấp đôi so với con số 135 tỉ đô vào 6 năm trước đó, theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng các công ty năng lượng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Không có nhiều ngân hàng và doanh nghiệp sẵn sàng từ bỏ các mảng kinh doanh đang có lợi nhuận để bảo vệ khí hậu. Giới đầu tư và các ngân hàng vẫn đầu tư vào các ngành phát thải nhiều carbon dù mức đầu tư giờ đây thường tốn kém hơn.
Một số sáng kiến thân thiện với khí hậu được khởi xướng bởi một số doanh nghiệp và quỹ đầu tư dường như chỉ là để đánh bóng danh tiếng. Chẳng hạn, dù đang quảng bá các nỗ lực giảm khí thải carbon, một số công ty năng lượng vẫn sản xuất ra khối lượng dầu khí khổng lồ và tìm kiếm các nguồn nhiên liệu hóa thạch mới.

Cần đầu tư thêm 50 nghìn đô la để đáp ứng các mục tiêu khí hậu

Hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie ước tính cần đầu tư thêm ít nhất 50 nghìn tỉ đô la để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris về giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và các khí thải nhà kính khác vào năm 2050.

Wood Mackenzie cho rằng phân nửa số tiền đó cần phải được rót vào các lĩnh vực như điện gió, điện mặt trời và hệ thống trữ điện bằng pin. Ngoài ra, phải cần thêm 18 nghìn tỉ đô la khác để hiện đại hóa các lưới điện, một phần là để hỗ trợ cuộc chuyển đối sang các năng lượng sạch hơn như gió và mặt trời.

Một tuốc-bin gió ở trang trại điện gió của Công ty Dominion Energy nằm ở ngoài khơi bờ biển TP. Virginia Beach, bang Virginia, Mỹ. Ảnh: WSJ

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC) ước tính nếu thiếu các khoản đầu tư này, thiệt hại từ các thảm họa liên quan đến thời tiết và mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu sẽ tăng lên con số hàng chục nghìn tỉ đô la trong những thập kỷ tới.

Theo Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg, tổng trị giá đầu tư ở các dự án năng lượng tái tạo, xe điện và các sáng kiến xanh trên toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 520 tỉ đô la vào năm ngoái

“Đây là những gì đang thực sự thúc đẩy xung lực của cuộc chuyển đổi xanh”,  Ajay Kochhar, Giám đốc điều hành Li-Cycle (Canada), công ty tái chế các vật liệu pin điện, nói. Công ty này đã huy động được 600 triệu đô la trong vòng gọi vốn đầu năm nay để theo đuổi các kế hoạch mở rộng hoạt động ở New York và trên khắp thế giới.

Chi phí tài chính cho các dự án điện mặt trời và điện gió xa bờ trong năm 2020 thấp hơn khoảng 15% so với năm 2014, theo một nghiên cứu của Đại học Oxford.

Trái lại, các dự án nhiên liệu hóa thạch đang trở nên rủi ro hơn đối với giới đầu tư. Trong những tháng gần đây, 2 hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s và Standard & Poor's cảnh báo các ngành công nghiệp phát thải lượng khí carbon lớn có thể chịu tổn thương tài chính khi các chính phủ, ngân hàng, quỹ quản lý tài sản tìm cách giảm mật độ carbon trong các khoản đầu tư của họ.

Một phần trong khoản ngân sách 26 tỉ đô la mà Dominion Energy dự định đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế sẽ được rót vào một trong những dự án điện gió xa bờ lớn của Mỹ, nằm ở ngoài khơi bờ biển của TP Virginia Beach thuộc bang Virginia. Khi dự án này hoàn thành vào năm 2026, nó sẽ là trang trại điện gió xa bờ lớn nhất ở Mỹ với khoảng 180 tuốc bin gió khổng lồ, đủ để cung cấp nhu cầu điện cho 660.000 hộ gia đình.

Các công ty đầu tư cũng đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu đầu tư xanh của khách hàng. Chẳng hạn, hồi tháng 4, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, Bridgewater Associates (Mỹ) đã ra mắt quỹ đầu tư đặt trọng tâm vào phát triển bền vững.

Năm ngoái, các công ty đầu tư đã thành lập 579 quỹ đầu tư với trọng tâm là các mục tiêu bảo vệ khí hậu.

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, dòng tiền chảy ròng vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và các quỹ tương hỗ trên toàn cầu, vốn xem các mục tiêu khí hậu là một phần trong sứ mệnh đầu tư của họ, đạt 473 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, dòng tiền chảy ròng vào các quỹ đầu tư chứng khoán khác chỉ đạt 103 tỉ đô la, theo dữ liệu của Morningstar.

Trong 4 tháng đầu năm nay, hơn 70% trong số các quỹ đầu tư vào các công ty theo đuổi mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường và quản trị khắp tất cả các lớp tài sản, đang có mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với các quỹ không đầu tư vào các công ty theo đuổi mục tiêu này. Cổ phiếu của một số công ty xe điện và sản xuất năng lượng tái tạo đang nằm trong nhóm tăng giá tốt nhất trong năm gần đây.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới