Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tài khóa hay tiền tệ?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Hồi phục kinh tế là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó vai trò của Chính phủ là quan trọng nhất khi mà nhu cầu đầu tư, tiêu dùng từ khu vực tư nhân đang suy yếu trầm trọng.

Hạn chế của chính sách tiền tệ

Từ đầu năm ngoái đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, chính sách tiền tệ đã được nới lỏng thông qua việc liên tiếp có đến ba lần giảm lãi suất điều hành trong năm ngoái, mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, tăng cường thanh khoản tiền đồng qua kênh mua ngoại tệ…, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Song song với đó là việc thực thi các chính sách miễn, giảm lãi, phí và tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Những chính sách trên đã phần nào giảm bớt áp lực tài chính cho không ít khách hàng vay vốn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề vì phải tạm ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Tuy nhiên, chính sách nới lỏng tiền tệ được thực thi trong gần hai năm qua có những hạn chế khó tránh khỏi nhất định.

Thứ nhất, việc nới lỏng tiền tệ sẽ góp phần đẩy giá các tài sản tăng. Khi tiền rẻ được bơm ra nhiều hơn, dòng tiền có xu hướng chạy vào các kênh đầu tư, tài sản tài chính để tìm kiếm lợi suất tốt hơn thay vì vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực, nhất là khi nhu cầu hấp thụ vốn của doanh nghiệp hiện nay vẫn rất kém vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc thị trường chứng khoán toàn cầu lẫn Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ từ mức đáy vào cuối tháng 3 năm ngoái cho đến nay là minh chứng rõ nhất. Không chỉ vậy, xu hướng tăng vọt của các loại hàng hóa, năng lượng, vật liệu,… cho đến các kênh đầu tư đầy rủi ro như tiền kỹ thuật số, càng cho thấy tiền rẻ đang rót vào bất kỳ tài sản nào mà nó cho là sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Thứ hai là chính sách nới lỏng tiền tệ dường như đang làm lợi cho hệ thống ngân hàng nhiều hơn thay vì mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp như kỳ vọng. Với chức năng trung gian tín dụng, các ngân hàng có lợi thế lẫn sự linh hoạt trong việc xác lập các chính sách huy động và cho vay để luôn đảm bảo duy trì một tỷ suất sinh lời nhất định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hoặc thậm chí là mở rộng khả năng sinh lời cao hơn.

Như chúng ta thấy diễn biến từ năm ngoái đến nay, lãi suất cho vay luôn có xu hướng giảm chậm hơn, với mức độ ít hơn so với lãi suất tiền gửi, dẫn đến hệ số biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng mở rộng, giúp không ít tổ chức chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ, dù đã phải hy sinh một phần lợi nhuận trong việc tái cơ cấu nợ và miễn, giảm lãi cho khách hàng.

Cũng cần lưu ý rằng một khi chính sách tiền tệ bước vào giai đoạn thắt chặt trở lại, nếu nhà điều hành không có hướng tiếp cận hợp lý hoặc phát tín hiệu không rõ ràng, có thể khiến các thị trường tài sản khủng hoảng và tạo ra bất ổn vĩ mô, kéo theo những rủi ro lên nền kinh tế thực.

Đẩy mạnh mở rộng tài khóa

Trước những hạn chế của chính sách tiền tệ, có vẻ như các cơ quan quản lý nhà nước sẽ ưu tiên đẩy mạnh mở rộng chính sách tài khóa hơn trong giai đoạn tới.

Thực tế là từ năm ngoái đến nay, song song với nới lỏng tiền tệ, chính sách tài khóa cũng đã bắt đầu mở rộng thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng (theo Nghị quyết 42 năm 2020, nhưng hiệu quả triển khai chưa cao) và một số gói khác, song song với kích thích đầu tư công (nhưng việc triển khai chưa thật sự quyết liệt, một phần cũng do ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch mới).

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt giảm sâu, dư địa nới lỏng tiền tệ ngày càng thu hẹp và hiệu quả hạn chế, thì tăng cường mở rộng tài khóa dường như là lựa chọn tất yếu.

Cũng cần nhắc lại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra trong hơn một năm qua là cuộc khủng hoảng lên cả cung và cầu trong nền kinh tế, khi những ảnh hưởng từ dịch bệnh dẫn đến giãn cách xã hội, phong tỏa và cách ly, không chỉ khiến nguồn cung sụt giảm mà sức cầu cũng suy yếu vì người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu để phòng ngừa rủi ro.

Vì vậy, dù chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh trở lại, nhưng nếu sức cầu tiêu dùng vẫn yếu do tâm lý, niềm tin tiêu dùng sụt giảm, thì nền kinh tế có thể tiếp tục bị mắc kẹt trong sự trì trệ.

Chính vì vậy mà thời gian qua chính phủ nhiều nước thực thi các chính sách mạnh tay như phát tiền mặt trực tiếp cho dân, mở rộng các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội, với mục tiêu không chỉ giúp người dân lo được các chi phí sinh hoạt thiết yếu mà còn nhằm để sức cầu tiêu dùng trong nền kinh tế vẫn được duy trì. Đó cũng chính là cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi đảm bảo đầu ra sản phẩm vẫn được tiêu thụ.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã thông qua một số gói hỗ trợ miễn, giảm, giãn nộp tiền thuế, tiền thuê đất; giảm phí, lệ phí; an sinh xã hội…, hay hỗ trợ tiền điện (thông qua doanh nghiệp nhà nước).

Bên cạnh đó, thời gian tới Chính phủ cũng sẽ tiếp tục mạnh tay chi tiêu cho đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng, tạo ra sự lan tỏa rộng hơn cho nền kinh tế.

Dù vậy, chính sách tài khóa cũng không phải là chiếc đũa thần, mà vẫn có những rào cản nhất định, và nhà điều hành cũng cần dè chừng những rủi ro bất ổn mà chính sách tài khóa mở rộng sẽ mang lại cho lương lai.

Đơn cử như việc phải vừa mở rộng chi tiêu của Chính phủ, vừa phải miễn, giảm thuế ảnh hưởng đến nguồn thu, tất yếu sẽ gây áp lực lên ngân sách. Theo đó, những quốc gia có sức khỏe tài chính yếu kém thường khó lòng mở rộng chính sách tài khóa nếu không muốn rủi ro ngân sách sẽ tiếp tục tích lũy và lên mức không an toàn. Một số quốc gia phải chấp nhận nới các tỷ lệ thâm hụt ngân sách hay trần nợ công để có thể thực thi các chính sách mở rộng tài khóa này, chấp nhận hy sinh nguồn lực trong tương lai để sử dụng cho hiện tại.

Ngoài ra, tính hiệu quả của một số chính sách cũng có những hạn chế, đơn cử như việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, vì rõ ràng doanh nghiệp không có lãi thì có miễn, giảm thuế cũng không có nhiều ý nghĩa. Đó là chưa nói đến trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ có thể phát sinh tiêu cực.

Cuối cùng, chính sách tài khóa mở rộng có thể dẫn đến hiệu ứng lấn át, do để đảm bảo có đủ nguồn lực chi tiêu Chính phủ sẽ tăng cường vay nợ bằng cách phát hành trái phiếu, chèn lấn vốn dành cho khu vực tư nhân, về lâu dài cũng gây áp lực lên lãi suất. Về mặt lý thuyết, có thể tránh được hiện tượng lấn át nếu Chính phủ bù đắp khoản thâm hụt bằng cách in thêm tiền, nhưng việc này có thể làm tăng lạm phát.

Dù vậy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế sụt giảm sâu như hiện nay, dư địa nới lỏng tiền tệ ngày càng thu hẹp cũng như hiệu quả đang bộc lộ những khiếm khuyết nhất định, tăng cường mở rộng tài khóa dường như là lựa chọn tất yếu. Như nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ cũng đang phát tín hiệu sẽ dần thắt chặt tiền tệ trở lại trong khi ưu tiên mở rộng chính sách tài khóa, thông qua các gói kích cầu và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng nhiều hơn.

3 BÌNH LUẬN

  1. Tài khóa, nghĩa là tài chính có kỷ cương (khóa chặt lại khi cần). Tiền tệ, có nghĩa là dùng tiền có mục đích có hiệu quả (nếu không tiền sẽ biến thành tệ hại, phá sản). Chữ và nghĩa rất rõ rồi. Quan trọng là cách làm ra sao, như thế nào trong thời gian đến. Xét về không gian chính sách, tài khóa đang thuận lợi hơn tiền tệ. Tuy nhiên, tài khóa chỉ nên tập trung vào các lĩnh vực ngắn hạn, có khả năng tác động tức thời đến các đối tượng thực sự khó khăn, đồng thời nhanh chóng nuôi dưỡng bồi hoàn lại nguồn thu cho ngân sách. Tiền tệ phải nhắm đến lâu dài, vực dậy hoạt động doanh nghiệp gắn với đổi mới trong bối cảnh bình thường mới.

  2. Tài khoá nhưng đầu tư công không tạo ra giá trị tương ứng, quản lý yếu, tăng mức đầu tư, công trình không hoàn thành thì cũng không khác chính sách tiền tệ là bơm trực tiếp tiền ra.

  3. Càng thúc giải ngân đầu tư công thì mức độ “rơi rớt” càng khủng. Mọi người vẫn cứ lầm tưởng đó là vốn không hoàn lại. Nhưng thực ra trên đời không có gì là cho không. Đó là tiền thuế của dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới