Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tài sản hạ tầng Đông Nam Á thu hút các quỹ đầu tư toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các quỹ chuyên đầu tư thâu tóm và các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu đang rót hàng tỉ đô la Mỹ vào tài sản cơ sở hạ tầng trên khắp Đông Nam Á. Giới phân tích cho biết, nhà đầu tư đang bị thu hút bởi triển vọng tăng trưởng và lợi nhuận ổn định trong dài hạn của ngành hạ tầng ở khu vực này.

Các tuyến đường cao tốc có thu phí là một trong những hạng mục tài sản hạ tầng ở Đông Nam Á đang được các quỹ đầu tư toàn cầu quan tâm. Ảnh: Phil News

Số lượng thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực hạ tầng tăng mạnh trong năm nay và một loạt thương vụ lớn sắp tới có thể khiến Đông Nam Á trở thành điểm sáng hiếm hoi đối với nhiều quỹ toàn cầu. Trong khi đó, ở những khu vực khác, nhà đầu tư đang phải chật vật ứng phó với tình trạng chi phí tài chính tăng cao và thị trường lao dốc.

Sau thời kỳ bùng nổ phát triển hạ tầng nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ngành công nghiệp hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á hiện có nhiều tài sản tiềm năng sẵn sàng bán.

“Đông Nam Á là thị trường được săn đón nhờ triển vọng tăng trưởng hấp dẫn của tài sản cơ sở hạ tầng", Ee-Ching Tay, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư khu vực Đông Nam Á tại Ngân hàng Barclays nói.

Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, khoảng 210 giao dịch M&A nhắm vào lĩnh vực công nghiệp và viễn thông của Đông Nam Á đã được công bố trong năm nay, vượt con số 184 thương vụ của cùng kỳ năm trước, dù giá trị tổng thể suy giảm. Diễn biến này đi ngược lại với mức giảm 9% trong tổng số lượng thương vụ M&A trong tất cả các lĩnh vực ở Đông Nam Á.

Năm ngoái, Đông Nam Á cũng ghi nhận giá trị M&A trong lĩnh vực hạ tầng đạt mức kỷ lục, với nhiều thương vụ "bom tấn". Các nhà phân tích cho biết, các thương vụ M&A hạ tầng sắp tới ở khu vực này cũng rất lớn.

Trong các thương vụ tiềm năng, có mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của Công ty Time Dotcom (Malaysia). Mảng kinh doanh này đang thu hút sự quan tâm từ Công ty đầu tư hạ tầng số hóa toàn cầu DigitalBridge Group cũng như Công ty trung tâm dữ liệu Equinix của Mỹ và có thể được định giá khoảng 600 triệu đô la Mỹ, các nguồn thạo tin cho biết.

Thêm một thỏa thuận tiềm năng khác là một nhóm nhà đầu tư, gồm Quỹ hưu trí Canada (CPP) và các công ty đầu tư thâu tóm đã hỏi mua một lượng cổ phần của Road King Expressway International Holdings (RKE), công ty kinh doanh thu phí đường bộ đang quản lý 5 tuyến cao tốc ở Trung Quốc và 3 tuyến cao tốc ở Indonesia.

Công ty Road King Infrastructure (Trung Quốc) và CVC Capital Partners (Luxemburg) đang rao bán hơn 25% cổ phần RKE dựa trên mức định giá 3 tỉ đô la.

“Các tài sản hạ tầng thường kinh doanh ổn định nhờ các hợp đồng dài hạn, mang lại sự chắc chắn về dòng tiền, cho phép vay nợ ở mức cao để cải thiện lợi nhuận cho các nhà đầu tư”, Gilles Pascual, người đứng đầu bộ phận điện & tiện ích Đông Nam Á của hãng kiểm toán Ernst & Young nhận định.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối bền vững, Đông Nam Á đã thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư để tránh những thị trường khác, vốn đang đối mặt với kinh tế giảm tốc và thậm chí suy thoái do chính sách chống lại lạm phát quyết liệt.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, báo cáo GDP tăng trưởng 5,4% trong quí 2, tốc độ mở rộng quy mô kinh tế nhanh nhất trong một năm. Trong khi đó, Việt Nam tăng trưởng hơn 13 % trong quí 3, tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên.

Michael De Guzman, Giám đốc nhóm cơ sở hạ tầng của Quỹ đầu tư KKR (Mỹ), cho rằng các chuyển động cấu trúc thuận lợi như cải cách thị trường địa phương, đô thị hóa và tiêu dùng gia tăng ở Đông Nam Á cũng thúc đẩy cơ hội đầu tư trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo các rủi ro pháp lý và các rủi ro khác vẫn còn, đòi hỏi các nhà đầu tư phải sáng suốt.

“Các thị trường không có khả năng cung cấp các dự án tốt hoặc thiếu sự rõ ràng về quy định quản lý và pháp luật có thể cản trở khả năng thu hút vốn từ các nhà đầu tư tổ chức”, Sharad Somani, trưởng bộ phận tư vấn cơ sở hạ tầng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng kiểm toán KPMG nói.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều dấu hiệu cho thấy các quỹ toàn cầu cam kết mạnh mẽ với lĩnh vực hạ tầng ở Đông Nam Á.

Tháng trước, KKR cho biết đã huy động được hơn 4 tỉ đô la Mỹ cho quỹ đầu tư hạ tầng châu Á mới nhất của mình. Con số này cao hơn 3,8 tỉ đô la Mỹ mà KKR huy động được cho quỹ hạ tầng đầu tiên dành cho khu châu Á - Thái Bình Dương.

Một số thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực hạ tầng đã được ký kết trong những tháng gần đây bao gồm các giao dịch kỷ lục ở Philippines.

Hồi tháng 4, Edotco, đơn vị tháp di động của Axita (Malaysia) và EdgePoint Infrastructure đã đồng ý mua hàng nghìn tháp di động và cơ sở hạ tầng liên quan từ hãng viễn thông PLDT của Philippines với giá 77 tỉ peso Philippines (1,35 tỉ đô la).

Tháng trước, Globe Telecom, một nhà mạng viễn thông khác của Philippines cũng đạt được thỏa thuận bán rồi thuê lại hàng nghìn tháp di động với Công ty Frontier Towers do KKR hậu thuẫn và các đơn vị đầu tư liên kết của  Công ty Stonepeak (Mỹ)

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới