KTSG) - “Overprotecting intellectual property is as harmful as under protecting it"(1), tạm dịch là: “Bảo vệ quá mức tài sản trí tuệ cũng có hại như không bảo vệ chúng”.
Câu nói trên là lời mở đầu mang tính thời đại trong lời phát biểu của Thẩm phán Alex Kozinski trong vụ kiện sở hữu trí tuệ (SHTT) White v Samsung Electronics Inc., 971 F.2d 1395.
Ông Kozinski nói tiếp: “Sáng tạo không thể xảy ra nếu không có phạm vi pháp lý công cộng (public domain) phong phú. Mọi thứ cho đến thời điểm này, mọi thứ kể từ khi chúng ta học cách chế ngự lửa, không có gì là thực sự mới: Văn hóa cũng giống như khoa học và công nghệ được phát triển nhờ sự bồi đắp, mỗi người sáng tạo dựa trên tác phẩm của những người đi trước. Sự bảo vệ quá mức [tài sản trí tuệ] bóp nghẹt những lực lượng sáng tạo mà đáng lẽ ra phải được nuôi dưỡng”.
- Trung tâm lưu trữ tài sản trí tuệ vô giá
- M&A và bước quan trọng về thẩm định pháp lý tài sản sở hữu trí tuệ
Ranh giới giữa sự sáng tạo và vi phạm bản quyền
Trong vụ kiện White v Samsung Electronics Inc, nguyên đơn Vanna White là một người dẫn nổi tiếng của Wheel of Fortune, một trong những gameshow ăn khách nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ăn theo sự thành công của chương trình này, hãng Samsung đã sản xuất một đoạn quảng cáo sử dụng hình ảnh một robot mặc váy có những điểm tương đồng với Vanna White đứng bên cạnh bảng trò chơi Wheel of Fortune.
Sau khi đoạn quảng cáo được ra mắt công chúng, Vanna White đã kiện Samsung ra tòa án Quận Nam California về vi phạm bản quyền hình ảnh, tuy nhiên White nhận về sự thất bại.
Vanna White sau đó đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án Khu vực 9 và lần này White đã thành công. Tòa án Khu vực 9 cho rằng hình ảnh của White có giá trị và Samsung đã chiếm đoạt hình ảnh này. Lập luận của Samsung rằng đây là một hành vi bắt chước (parody) đã bị Tòa bác bỏ vì mục đích của quảng cáo không phải để nhái lại và chế nhạo White (là một đặc điểm của parody) mà là để Samsung bán các sản phẩm của mình.
Quyền SHTT là một độc quyền được cấp bởi nhà nước cho phép chủ sở hữu ngăn cản bên thứ ba sử dụng đối tượng được bảo hộ mà không có sự đồng ý của mình.
Điều đáng nói là dù Vanna White được xử thắng ở tòa án Khu vực 9 nhưng cô không nhận được sự đồng tình của thẩm phán Alex Kozinski.
Ông Kozinski tuyên bố: “Tất cả những người sáng tạo đều dựa vào tác phẩm của những người đi trước, đề cập đến nó, xây dựng nó, nhái lại nó; chúng tôi gọi đây là sự sáng tạo, không phải vi phạm bản quyền”.
Sự bất đồng của ông Kozinski phản ánh mối lo ngại rằng nếu độc quyền SHTT trở nên rộng rãi một cách phi lý, thì sự bảo hộ với mục tiêu ban đầu nhằm khuyến khích sáng tạo sẽ trở nên phản tác dụng vì nó kìm hãm sự phát triển của văn hóa và khoa học.
Liệu đây có phải là một nỗi sợ không có có căn cứ?
Public domain: không gian pháp lý miễn phí
Quyền SHTT là một độc quyền được cấp bởi nhà nước cho phép chủ sở hữu ngăn cản bên thứ ba sử dụng đối tượng được bảo hộ mà không có sự đồng ý của mình. Vì lý do đó, độc quyền SHTT tồn tại như một ngoại lệ đối với quyền tự do cạnh tranh, vốn được xem là xương sống cho sự vận hành của một nền kinh tế thị trường.
Để cân bằng giữa hai loại quyền này, các nhà lập pháp và các học giả đều đồng ý rằng độc quyền SHTT nên được cấp ở mức vừa đủ, để không lấn át “mảnh đất” gọi là public domain trong SHTT.
Về mặt pháp lý, thuật ngữ public domain chưa bao giờ được định nghĩa trong luật kể cả trong các hiệp định thế giới như Công ước Paris bảo hộ sở hữu công nghiệp, Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật, hay cả hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT.
Public domain hiểu một cách đơn giản là một khoảng “không gian pháp lý” bao gồm những gì không được bảo vệ bởi luật SHTT và vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng các đối tượng nằm trong khoảng không gian này mà không cần xin phép chủ sở hữu. Nói một cách đơn giản, đây là nơi không có mặt của độc quyền SHTT, các đối tượng trong public domain thuộc sở hữu của công chúng.
Không gian pháp lý miễn phí (public domain) này được tạo nên từ nhiều cách: (i). Đầu tiên, có thể là những đối tượng vốn dĩ chưa bao giờ được bảo hộ bởi luật SHTT như ý tưởng hay các khám phá, các công thức toán học, các định luật vật lý, hóa học, các dữ kiện, văn bản pháp luật, di sản văn hóa, các nghiên cứu cơ bản. (ii).
Nó cũng bao gồm những đối tượng đã hết thời gian bảo hộ như các bản nhạc của các nhà soạn nhạc như Beethoven, Mozart, hay các tác phẩm của các nhà văn nhà thơ như Nam Cao, Hàn Mặc Tử, các sáng chế như thuốc Aspirin, hay phương pháp trả tiền 1- Click (tạm dịch: Một cú nhấp chuột) nổi tiếng của Amazon… (iii).
Được tạo nên từ việc tác giả tặng tác phẩm của mình cho công chúng mặc dù tác phẩm vẫn còn trong thời hạn bảo hộ. Bài hát Tiến quân ca của tác giả Văn Cao, hay tác phẩm văn chương Cậu bé Peter Pan được nhà văn Barrie tặng cho Bệnh viện nhi Great Ormon Street ở London, nước Anh…
Việc trong SHTT có một vùng không gian pháp lý miễn phí phong phú là điều quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật và là nguồn cảm hứng cho những người sáng tạo đi sau. Đây là một phần di sản của văn hóa và tri thức chung của nhân loại, cho phép công chúng được tiếp cận với nguồn tinh hoa khổng lồ mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.
Các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng có thể được sử dụng mà không tốn tài nguyên và chi phí trong việc truy tìm chủ sở hữu bản quyền để xin phép hoặc thỏa thuận chuyển quyền.
Có một không gian pháp lý không bị bao phủ bởi độc quyền SHTT sẽ giúp các nhà xuất bản dễ dàng hơn trong việc sản xuất các ấn phẩm đã hết thời hạn bảo hộ (các NXB Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để xuất bản các tác phẩm kinh điển như tủ sách Tinh hoa văn học của Công ty sách Phương Nam), hay một người yêu nhạc có thể thoải mái biểu diễn bản nhạc bất hủ Für Elise của nhà soạn nhạc Beethoven; hay chúng ta có thể biểu diễn bài Tiến quân ca; hoặc một giáo viên có thể phân phát các bản sao của một bài thơ của Hàn Mặc Tử cho học sinh, và đồng thời các thư viện hay bảo tàng có thể số hóa một số bộ ảnh để phục vụ người xem mà không sợ bị kiện vì vi phạm luật bản quyền.
Vì những lợi ích nói trên, chúng ta cần để tâm tới sự cân bằng hợp lý giữa việc đảm bảo độc quyền SHTT và việc tự do sử dụng kết quả của các hoạt động sáng tạo. Bảo hộ quá mức cần thiết sẽ tước đoạt quyền được tiếp cận của công chúng đối với các tài liệu mới, đồng thời tạo ra sức mạnh thị trường độc quyền phi lý cho chủ sở hữu.
(*) Giảng viên Luật SHTT tại Khoa Luật Đại học Oxford, Vương quốc Anh.
(1) Kozinski J in White v Samsung Electronics Inc., 971 F.2d 1395.
Mời đọc bài tiếp theo: Public domain trước những thách thức đương đại trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn 37-2022, phát hành ngày 15-9.
Pfizer/ Moderna là những kẻ hưởng lợi khổng lồ hàng tỷ USD nhờ nắm giữ bản quyền và chi phối giá cả vaccin Covid-19. Trong khi AstraZeneca thì ngược lại, tận hiến bản quyền công nghệ để giảm giá đến mức tối thiểu. Đàng sau những quyết định này là hàng loạt sinh mệnh con người trên toàn thế giới, sống hoặc chết vì đại dịch. Thế giới không bao giờ quên câu chuyện này. Liệu những đại gia đứng đàng sau vụ áp phe này có thể ăn ngon ngủ yên không ? Chưa thể trả lời được. Lập luận cho rằng hợp lý khi yêu cầu phải bảo vệ bản quyền, dưới chiêu bài bảo vệ sự phát minh sáng tạo. Tuy nhiên, một lỗ hổng rất lớn, đó là nguyên tắc đạo đức và nhân bản, đã bị bỏ qua một cách tàn nhẫn. Những thể chế toàn cầu như WHO và UN cũng không thể ra quyết định bãi miễn bản quyền vaccin. Vậy ai sẽ làm chuyện này ? Chắc chỉ có tòa án lương tâm mới giải quyết được mà thôi. Và có lẽ chỉ có nhờ vào điều này mà nhân loại mới tồn tại đến hôm nay.
Nghiên cứu sản xuất vaccin là hoạt động kinh doanh có đầu tư lớn và rủi ro rất cao. Có khi đầu tư nghiên cứu nhưng thất bại, có khi nghiên cứu thành công thì dịch đã qua đi, không còn nhu cầu sử dụng. Vì vậy, bảo vệ bản quyền vaccin là quy định không thể thay đổi, không ai có quyền phủ nhận hay ép buộc. Cách duy nhất là các chính phủ thương lượng để mua lại bản quyền với giá hợp lý có tính đến sự hài hòa giữa lợi nhuận và tính nhân đạo, nhân văn.