(KTSG Online) - Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc gây xôn xao dư luận như sầu riêng bị nghi nhiễm cadimi vượt ngưỡng cho phép; phân bón lá, chất kích thích tăng trưởng chứa 6-Benzylaminopurine (6BA) bị phát hiện ở một số cơ sở sản xuất giá đỗ tại Nghệ An, Đắk Lắk. Điểm chung của các vụ việc này đều liên quan đến phân bón có chứa hóa chất độc hại.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này kéo dài? Tại sao những loại phân bón chứa hóa chất nguy hại vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường, bất chấp những cảnh báo liên tục từ cơ quan chức năng và truyền thông?
Ngay sau đây, nhà báo Hồng Văn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn sẽ trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, chuyên gia hàng đầu về đất và phân bón để tìm câu trả lời.
Sầu riêng hút Cadimi từ đất chứ không phải do nông dân hay thương lái chủ động đưa vào. Cadimi xâm nhập vào đất trồng chủ yếu thông qua phân bón. Phân bón nào chứa Cadimi ?
– Tất cả phân khoáng chứa lân đều có chứa Cadimi, bao gồm Super lân, lân nung chảy, phân Dap, phân Map và phân NPK. Tất cả phân hữu cơ có thành phần là phân gia súc, gia cầm nuôi công nghiệp đều chứa cadimi. Cadimi và nhiều kim loại nặng khác có trong thức ăn chăn nuôi, sẽ thải ra phân chứ không tích tụ trong con vật.
Tuy nhiên thành phần cadimi trong các loại phân khoáng và phân hữu cơ không như nhau, có những loại phân nhiều cadimi, có những loại ít cadimi nên bà con cần trang bị kiến thức để chọn lựa.
1. Phân khoáng chứa lân
Phân bón chứa lân đều có thành phần lân được sản xuất từ quặng apatit. Loại quặng này chứa cadimi một cách tự nhiên mà nhà sản xuất không thể loại bỏ được. Vì vậy phân bón chứa lân loại tốt là phân được sản xuất từ quặng chứa ít cadimi. Quặng Apatit của nước nào chứa ít cadimi: Nga, Việt Nam.
Lời khuyên: Nên dùng phân NPK, DAP xuất xứ từ Nga và các loại phân lân Việt Nam. Phân bón Nga chứa ít cadimi chỉ bằng 1/10 phân bón từ các nước khác. Phân lân Việt Nam hàm lượng cadimi chưa đến 4mg/kg (12mg/kg là mức tối đa luật cho phép).
2. Phân hữu cơ
Chỉ nên dùng phãn hữu cơ như yếu tố cải tạo đất, không nên coi phân hữu cơ là nguồn cung cấp phân đa lượng vì tỷ lệ cadimi/ P2O5 trong phân hữu cơ có thể rất cao, đặc biệt là phân gà.
Để so sánh, trong 1kg phân super lân hoặc lân nung chảy có 160 gam P2O5 và khoảng 3mg cadimi
Trong khi đó 1kg phân gà Nhật có 20 gam P2O5 và 1,87 mg cadimi. Như vậy lượng cadimi/P2O5 trong phân gà Nhật nhiều gấp khoảng 6 lần so với Super lân Lâm Thao hoặc lân nung chảy Văn Điển.
Lời khuyên: Hạn chế dùng phân gà vì gà ăn gần như 100% thức ăn công nghiệp nên phân rất độc hại, nên dùng phân bò hoặc phân nguồn gốc thực vật.
Đề tài quá hay nha rất thiết thực trong cuộc sống hàng ngày
Báo lên tiếng nói để bảo vệ sức khoẻ cho con người khi tràn lan mọi thứ đều làm giả rất chi là độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.