Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tái trình hiện di sản văn hóa – lịch sử trên màn ảnh Việt: Những khả năng mới

Diễm Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Không bao giờ có một diễn ngôn chính xác hoàn toàn, chỉ có chuyện được kể như thế nào (how) từ chuyện đã xảy ra (what). Và ứng dụng lịch sử, văn hóa vào trần thuật nghệ thuật trong thời đại hôm nay vừa là hấp lực vừa là thử thách của nghệ sĩ và nhà sản xuất.

Đó cũng là nội dung bàn thảo chính của các nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn, nhà thiết kế, nhà kiểm duyệt, nhà phê bình… tại Hội thảo quốc tế “Di sản lịch sử, văn hóa Việt Nam và cải biên nghệ thuật” (International Convention on Historical and Cultural Heritage and Artistic Adaptation – ICHCHAA) diễn ra trong hai ngày 26-27/11/2022 tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn – Bình Định.

32 tham luận của hội thảo tập trung vào thể loại phim, được chia thành ba tiểu ban: Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh – truyền hình; Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ; Sản xuất phim từ chất liệu văn hóa lịch sử trung đại – dân gian: Những tiềm năng và thách thức. Cũng tại hội nghị này, khán giả được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trang phục Nữ Tướng do nhà thiết kế Tom Nguyễn thực hiện cũng như thưởng thức các tiết mục văn nghệ tái hiện bối cảnh và con người thời kỳ Lạc Việt.

Các diễn giả trong phiên tọa đàm “Những khả năng mới cho phim lịch sử Việt” tại ICHCHAA. Ảnh: Diễm Trang

Trăm cái khó của việc làm phim lịch sử

Kịch bản

Không phải tự nhiên mà nhà sản xuất sợ làm phim lịch sử, khán giả ngại (và ngán) xem phim lịch sử. Điểm lại hành trình làm phim lịch sử của điện ảnh Việt Nam, có thể thấy cay đắng nhiều hơn vinh quang. Dù thành công hay chưa thành công, phim lịch sử vừa khó làm vừa khó bán vé.

Một bộ phim lịch sử sẽ dễ bị săm soi, phê phán từ nhiều góc độ: cách đặt vấn đề, bối cảnh, diễn xuất, phục trang, hóa trang… Vì lẽ, câu chuyện lịch sử thuộc về ký ức tập thể. Cho nên, nếu kể các nội dung lịch sử quen thuộc trong trí nhớ của người xem thì bộ phim có thể rơi vào tình trạng minh họa lịch sử bằng hình ảnh; bằng nếu kể khác đi – từ góc độ của nhà biên kịch – thì có thể không được đại chúng chấp nhận, vì câu chuyện mới gây ra tình trạng “phản ký ức” (từ của Michel Foucault).

Mà ngay cả khi bộ phim kể một câu chuyện có cứ liệu lịch sử, văn hóa nhưng cứ liệu ấy không phổ biến thì khán giả cũng chẳng thể “tin”, chưa kể ải kiểm duyệt. Đó là chưa bàn đến hiện tượng “mỹ hóa” (làm cho đẹp hơn sự thật lịch sử) và “xú hóa” (làm cho xấu hơn sự thật lịch sử) – vốn là một đặc quyền của người sáng tạo nghệ thuật – cũng có thể gây phản ứng tiêu cực từ người tiếp nhận.

Không chỉ có vậy, một kịch bản phim lịch sử bao giờ cũng là liên văn bản (kết hợp nhiều tài liệu, nhiều thể loại khác nhau); và làm thế nào để sự phối trộn này hợp lý, thuyết phục được người xem là cả một hành trình gian nan. Kịch bản là cái khó đầu tiên của phim lịch sử.

Phục dựng

Kiến tạo ra những bối cảnh, những bộ trang phục, những sắc diện, những ngôn ngữ và hành động ngày cũ “coi cho được” và khiến người ta “tin” vào chúng là các yêu cầu khắc nghiệt nhưng chính đáng dành cho phim lịch sử.

Đã qua rồi cái thời vơ đại các mẫu phục trang cổ bắt mắt của Trung Hoa, lai căng một cách tùy tiện phục sức Việt qua các thời kỳ. Một bộ phim cổ trang chỉn chu hôm nay phải có sự nghiên cứu về chất liệu, màu sắc, họa tiết, kiểu dáng của trang phục, vũ khí, dụng cụ sinh hoạt… Các thành tố cơ bản của văn hóa bao gồm ăn – mặc –  ở – đi lại đều phải được chú trọng. Ngôn ngữ - bao gồm ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ nhân vật – sẽ thể hiện trình độ cảm thụ, mức độ nghiêm túc của ê-kíp với tác phẩm của mình.

Một vũ trụ phim cổ trang thành công còn nằm ở chỗ tạo ra hệ biểu tượng (semiotics) thống nhất xuyên suốt qua các cảnh phim và phần phim. Hệ biểu tượng ấy phải đạt được quy chuẩn ước lệ và ý nghĩa triết mỹ. Một bộ phim cổ trang càng xa với thời kỳ hiện đại thì càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các cứ liệu để phục dựng. Tuy nhiên, trong thách thức lớn này, các nhà thiết kế, nhà ngôn ngữ và hình thể, võ sư… tài năng thật sự sẽ có mảnh đất màu mỡ để sáng tạo.

Tiếp nhận

Một bộ phim lịch sử hao tiền tốn của sẽ được bao nhiêu người thật sự muốn xem? Phim nghệ thuật làm cho thơ, cho đẹp chứ đừng trông mong vào việc bán vé thương mại?

Theo dòng thời gian, con người hôm nay phải đối diện với sự lãng quên hoặc đứt gãy văn hóa. Không chỉ có vậy, sự “gieo cấy vô cơ” văn hóa từ các vùng miền khác, quốc gia khác vào một địa phương có thể gây ra sự ngộ nhận hoặc phẫn nộ trong công chúng. Chẳng hạn việc nhà đầu tư nào đó có thể đề cao một bức tượng tôn giáo xa lạ với văn hóa truyền thống hoặc một bộ phim sử ra đời theo đơn đặt hàng nhằm kỷ niệm một dịp đại lễ nhưng lạc nhịp với đời sống hôm nay. Việc công chúng bị “ngoài lề hóa” có thể gây ra tình trạng thờ ơ, vô cảm với cội nguồn – cụ thể là hiện tượng không mặn mà gì với việc tiếp nhận phim lịch sử, dù cho có khi họ không phải mua vé.

Và vô lý làm sao khi chất xám và tài lực bị đổ sông đổ bể theo những tác phẩm nhạt nhòa, hô khẩu hiệu đao to búa lớn nhưng không tài nào chạm vào trái tim người xem. Người ta không thể rung động trước những gì xa lạ và hời hợt với tâm thức và nhịp sống của mình. Lâu dần, định kiến phim lịch sử như là những sản phẩm đốt tiền, gây ngủ gật trở thành một đám cháy lan ra khó lòng dập tắt.

Tuy vậy, những nhà văn hóa có tầm luôn ý thức rằng việc nghệ thuật hóa văn hóa và lịch sử là một cách thức nhắc nhở ký ức tập thể và trách nhiệm công dân trực tiếp, có hiệu quả rõ rệt. Một bộ phim lịch sử thu hút được sự quan tâm và thiện cảm của công chúng là cách giáo dục đúng đắn và nhanh chóng về lòng yêu nước, các giá trị đạo đức nhân bản.

Nghệ thuật đúng nghĩa không chỉ để giải trí, chúng khơi gợi cho người ta sự chọn lý tưởng và xây dựng các phẩm cách ưu tú của mình. Vì lẽ đó, nhà làm phim phải nghĩ đến thái độ tiếp nhận của khán giả trước khi bắt tay vào sản xuất. Trong vài thập kỷ qua, khán giả Việt ngày càng được trẻ hóa. Nhà sản xuất buộc phải nghiên cứu thị hiếu của họ để cân đối giữa việc làm ra sản phẩm vừa bán được vé vừa không rẻ rúng quan niệm nghệ thuật của mình cũng như lõi giá trị của vấn đề lịch sử.

Sân khấu hoá thời kỳ Lạc Việt

Những khuynh hướng mới cho phim lịch sử Việt

Nghĩ khác đi và kể mới hơn

Có thể thấy, các báo cáo viên tại hội thảo ICCHAA đã dày công nghiên cứu và trình hiện hàng loạt chân dung phụ nữ từ thời trung đại đến thời cận hiện đại trong lịch sử và văn chương Việt Nam được thể hiện trên màn ảnh: Dương Vân Nga, Lê Ngọc Hân, Đặng Thị Huệ; Kiều, người ca nữ đất Long Thành; các nhân vật nữ thời kỳ thuộc địa; các nhân vật thuộc thời kỳ hiện đại được lấy cảm hứng từ nhân vật văn học trung đại. Ngoài ra, các nhà khoa học còn đề xuất thêm một số nhân vật có khả năng trở thành chất liệu của điện ảnh như Đạm Phương nữ sĩ (nhân vật lịch sử), Đào Thị (nhân vật văn học)…

Điều này cho thấy phim lịch sử Việt khai thác hình tượng người phụ nữ như một nội dung chủ lực. Trong các sản phẩm đã phát hành, có thể nhận thấy nhân vật nữ đang được khai thác theo ba hướng: hư cấu cung đấu, hư cấu hồng nhan bạc mệnh, hư cấu Đông Phương luận. Các áp chế mang tính phụ quyền lộ rõ trong cách xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong phim sử Việt, chẳng hạn người nữ luôn được đặt ở ngoại biên, hứng chịu định kiến, bị tính dục hóa/ vật hóa… Tại sao không mạnh dạn phá vỡ các khuôn mẫu và đưa ra những khả thể mới cho nhân vật (sự độc lập, tư duy, phẩm cách, tài năng, hành động…)? Lưu ý rằng, nữ quyền không có nghĩa là chống lại đàn ông; cũng như các góc nhìn mới phải dựa trên yếu tố nhân văn nghệ thuật chứ không gây sốc hoặc vô nghĩa, phản cảm.

Và như vậy, ngoài đề tài phụ nữ, phim cổ trang lịch sử Việt còn có thể hướng tới các đề tài nào? Làm thế nào để lòng yêu nước được chuyển tải một cách mềm mại nhất? Có nhất thiết phải học theo Trung Quốc, Hàn Quốc làm đề tài cung đấu để thu hút người xem? Nên tập trung vào dòng phim phi hư cấu hay hư cấu?

Phim lịch sử thường gắn liền với các đại cảnh và chiến trận. Nếu kinh phí và khả năng dàn dựng chưa tới, nhà sản xuất Việt có thể xem xét kể các “vi tự sự” – tức những mẩu chuyện nhỏ trong lịch sử có kịch tính, đào sâu vào tâm lý, tình yêu, triết lý nhân sinh. Các kỹ thuật làm phim hiện đại cũng giúp cho việc làm hài lòng thị giác của khán giả trở nên ít khó khăn hơn.

Địa phương hóa và toàn cầu hóa

Để có một sản phẩm thu hút, nhà làm nghệ thuật không bao giờ chỉ chú trọng chủ nghĩa dân tộc mà quên đi yếu tố toàn cầu hóa. Các vấn đề mà thế giới hiện đại đang phải đương đầu là chiến tranh và vũ khí hủy diệt, chủ nghĩa bành trướng mạnh được yếu thua, ô nhiễm môi sinh, các loại bệnh tật thể chất và tinh thần đang gặm nhấm loài người. Một bộ phim lịch sử đúng nghĩa, ngoài việc chuyển tải được câu chuyện hôm qua thì còn phải cho người xem liên tưởng đến vấn đề hôm nay. Vấn đề lịch sử trong phim, dù là câu chuyện của người Việt, vẫn có thể được soi rọi dưới ánh sáng của các tư tưởng triết luận Đông Tây, từ cổ chí kim.

Nhà làm phim sử Việt cần nghiên cứu các hãng phim nổi tiếng ở Âu – Mỹ  – Á đang làm phim lịch sử như thế nào, các quốc gia ít điều kiện làm phim như Iran có cách kể chuyện hấp dẫn ra sao. Các giai đoạn tiền kỳ, trung kỳ và hậu kỳ đều có thể hợp tác với các cá nhân và đơn vị nước ngoài để có được kết quả khả quan nhất.

Ngoài phương pháp làm phim, phương thức phát hành cũng phải có tính toàn cầu hóa. Một bộ phim sử ra đời trước hết là cho người Việt nhưng không chỉ hướng đến thị phần Việt. Nó có thể bước ra bên ngoài biên giới Việt Nam, khỏe khoắn đứng cạnh những người bạn của nó khắp năm châu, hướng khán giả thế giới nhìn vào một giai đoạn lịch sử của người Việt thông qua lăng kính nghệ thuật.

Hàn lâm và đại chúng

Chúng ta có đang sai lầm và cực đoan khi ra sức tách bạch phim hàn lâm – phim đại chúng, phim nghệ thuật – phim thị trường, phim thương mại – phim dự giải? Một bộ phim hay chắc chắn sẽ được người thưởng lãm đón nhận, sẽ vận hành tự lực và gây tiếng vang trong cộng đồng mà nó được đón nhận.

Poster chương trình “The Call” (Tiếng gọi đứng lên) tại ICHCHAA

Kết

Tại ICHCHAA, người tham dự có thể “đọc” các tham luận theo nhiều trục: Thời Gian (quá khứ - hiện tại – tương lai); Giới (nam giới – nữ giới; nữ giới chiếm đa số các báo cáo); Thể Loại: lịch sử - dã sử; thể hiện – tái hiện – trình hiện, tài liệu – phim truyện; Lý Luận Nghệ thuật: cải biên học, diễn ngôn, giới, liên văn bản, tâm lý học – phân tâm học, trần thuật học, sinh thái học, thiền…

Hội thảo cung cấp một bức tranh tổng quan về ý thức làm phim lịch sử và đề xuất những phương thức khác nhau trong việc xây dựng lại hình ảnh các nhân vật trong lịch sử và văn học. Đã đến lúc nhìn nhận khác đi và đúng đắn về việc làm phim lịch sử để đạt được các tiêu chí: nghiêm túc, tài hoa, hiện đại.

Nhìn chung, muốn làm được phim lịch sử, nhà sản xuất phim lịch sử cần có 3T: Tâm, Tầm và Tiền. Cả ba thứ này đều khó nên cần cá nhân/ tổ chức hội tụ đủ điều kiện. Sứ mệnh thì không nhất thiết phải trao cho nhiều người, chỉ cần đúng người. Chúng ta biết rằng, nếu không có những bước đi đầu tiên thì cũng sẽ không bao giờ có con đường.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới