Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Tam cận’ để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ông bà ta ngày xưa tuy không có cơ hội để học hỏi và tiếp cận các học thuyết về kinh tế, chính trị học, quản trị và xã hội... để áp dụng vào đời sống và sinh kế hàng ngày, nhưng đã chỉ dạy cho đời sau “bí quyết” chọn địa điểm để buôn bán, làm ăn thịnh vượng phải là: Nhất cận thị, nhị cận giang và tam cận lộ. Ngày nay, lời dạy “Tam cận” này cũng chính là chìa khóa để phát triển thịnh vượng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhất cận thị: Lợi thế lớn nhất của ĐBSCL là nằm cạnh TPHCM. Từ xưa đến nay, cho cả tương lai và dù bất cứ ở bối cảnh nào, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ hàng ngày giữa TPHCM và ĐBSCL vẫn phải diễn ra. Nếu như vùng ĐBSCL là nguồn cung lương thực và thực phẩm từ lúa - gạo, trái cây, tôm cá, gia súc, gia cầm... để nuôi sống gần 10 triệu dân thành phố, thì chiều ngược lại TPHCM là nguồn cung về sản phẩm công nghiệp, dịch vụ và cũng là thị trường tiêu thụ chính giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho hơn 17 triệu cư dân vùng đồng bằng.

Do tầm quan trọng về mối quan hệ cung - cầu giữa TPHCM và ĐBSCL, và cũng là cơ hội mở rộng không gian phát triển kinh tế cho cả hai phía, ngày 11-3-2023, tại Bến Tre, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng với chủ tịch của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã ký kết khung thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025 với sáu nội dung cơ bản về phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, giáo dục, y tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xúc tiến đầu tư và thương mại. Kỳ vọng rất lớn rằng khung thỏa thuận hợp tác này sẽ là nền tảng rất quan trọng để thực hiện lời ông bà dạy “nhất cận thị” để phát triển cả hai phía TPHCM và ĐBSCL.

Đặc điểm sông nước ĐBSCL nối kết với nhau bởi hệ thống sông lớn, nhỏ chằng chịt và nối kết với sông Tiền và sông Hậu, nhận nước từ thượng nguồn sông Mêkông và nối kết với chín cửa chảy ra biển Đông và cung cấp một phần nước ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau.

Với lợi thế con nước lớn và ròng, kết hợp mạng lưới sông ngòi chằng chịt, không những là điều kiện quan trọng để phát triển giao thông đường thủy nối kết ĐBSCL với TPHCM, mà còn là nền tảng quan trọng hình thành nền văn hóa sông nước của vùng. Đường thủy đã đảm nhận tới 70% lượng hàng hóa lưu chuyển hai chiều giữa ĐBSCL và TPHCM.

Đồng thời, nếu hệ thống đường bộ trong vùng được phát triển đúng mức, việc kết hợp với mạng lưới đường thủy sẽ nâng cao hiệu quả kết nối và vận chuyển hàng hóa với các cảng biển, mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển và dịch vụ hàng hải của vùng.

Vì vậy, nếu chúng ta tập trung thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển đường thủy nội địa theo Quyết định 1829-TTg ngày 31-10-2021 thì sẽ khai thác được những lợi thế sông nước của vùng để phát triển và đây cũng là khai thác được yếu tố “cận giang” mà người xưa đã đúc kết.

Điều chúng ta dễ nhận thấy với thời gian dài phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ vùng ĐBSCL là thường tập trung theo tuyến quốc lộ 1. Từ TPHCM qua Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long đến Cần Thơ...

Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng ĐBSCL sẽ phát triển ba trục dọc: 1. Cao tốc TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau; 2. Tuyến từ TPHCM xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười nối kết đường Xuyên Á Bắc Nam qua Kiên Giang và kết nối với Cà Mau; 3. Tuyến đường ven biển từ Bà Rịa- Vũng Tàu qua TPHCM nối với các tỉnh ven biển, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đồng thời phát triển bốn trục ngang: 1. Tuyến Hồng Ngự - Cao Lãnh - Cai Lậy - Mỹ Tho - Gò Công; 2. Tân Châu - Sa Đéc - Vĩnh Long - Trà Vinh; 3. Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, 4. Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Mạng giao thông đường bộ kết nối từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và tỉnh kết nối với mạng lưới phát triển ba trục dọc và bốn trục ngang như trong quy hoạch là cơ hội rất lớn để giải quyết điểm nghẽn về giao thông nhằm phát triển vùng ĐBSCL. Vì thế nếu Chính phủ, các bộ ngành có liên quan và lãnh đạo TPHCM và 13 địa phương vùng ĐBSCL có thể hợp sức để sớm hiện thực hóa quy hoạch này thì sẽ tạo ra một ưu thế mới về “cận lộ” giúp ĐBSCL phát triển.

(*) Chuyên gia về Chính sách công - Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới