Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tâm thế nào trong thời dịch bệnh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tâm thế nào trong thời dịch bệnh?

Bình An

1. 2020 - năm mở đầu cho thập kỷ mới nên quả thực khởi đầu đã có sự khác thường hơn hẳn mọi năm. Đêm giao thừa, trời Hà Nội bỗng đâu nổi cơn sấm chớp ầm ầm, mưa rào ngập phố phường.

Nhiều bậc cao niên nói rằng sống ở Hà Nội mấy chục năm nay, chắc đây là lần đầu tiên chứng kiến một đêm 30 Tết “dị thường” đến vậy! Lạ cái là mưa to suốt ngày nhưng đến đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì mưa bỗng ngừng rơi, trời trong mát lạ thường, khiến người Hà Nội vẫn tận hưởng được bữa tiệc pháo hoa lung linh sắc màu. Nhiều người tin rằng cơn mưa rào đầu năm giúp gạt bỏ mọi sự xui xẻo, đen đủi của năm cũ để chào đón một năm mới với nhiều niềm vui và may mắn. Ai cũng kỳ vọng vào một năm 2020 bình an, kinh tế tiếp tục phát triển, lòng người hồ hởi, vận nước đi lên!

Ấy thế mà con virus Covid-19 chẳng hiểu “quái thú” phương nào, hình dáng ra sao mà bỗng chốc làm đảo lộn mọi thứ! Khởi phát từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nay dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, từ châu Á đến châu Âu rồi châu Mỹ, châu Phi. Không đất nước nào, chủng tộc nào, màu da, màu mắt nào có thể miễn nhiễm được với nó. Dù tỷ lệ tử vong chưa thật sự lớn nhưng mức độ lây lan nhanh chóng, nhất là khi người bệnh chưa có biểu hiện cụ thể, khiến cho việc kiểm soát dịch trở nên rất phức tạp và khó khăn.

2. Chứng kiến những tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội của con người thời hiện đại mới thấy loài người chúng ta sao mà mong manh và nhỏ bé trước thiên tai dịch bệnh đến thế! Công nghệ 4.0 nào giúp ngăn chặn “cô Vy” ngay từ đầu? Thuật toán nhận dạng khuôn mặt nào giúp phát hiện ra ngay nguồn bệnh? Robot nào giúp thay thế đội ngũ y tế không quản hiểm nguy đến tính mạng, sẵn lòng lao vào tâm dịch cứu giúp người bệnh? Bao nhiêu vũ khí hiện đại, bao nhiêu hệ thống tên lửa sao không đủ sức mạnh tiêu diệt hay ngăn chặn một con virus nhỏ bé? Hay vì loài người càng phát triển, thế giới càng phẳng, kinh tế càng toàn cầu hóa thì “cô Vy” lại càng có điều kiện để ra sức tung hoành từ Á đến Âu?

Việc đi lại giữa các quốc gia chưa bao giờ dễ như hiện tại, nhất là tại các nước thuộc khối EU, khiến cho nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh được nhận định sẽ gian nan nhất cho châu Âu. Trong khi đó, tại châu Á, những nỗ lực và thận trọng từ sớm đã cho kết quả tích cực bước đầu, điển hình như Việt Nam, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đang phải “trả giá” cho sự bị động của mình. Điều này là minh chứng cho thấy không phải cứ kinh tế phát triển, hệ thống y tế tối tân là có thể hoàn toàn tự tin trước dịch bệnh. Quan trọng nhất vẫn là tâm thế đúng đắn ngay từ đầu! Thận trọng không bao giờ là thừa, nhất là khi “địch” ở trong vùng tối, biến hóa khôn lường trong khi ngoài kia, loài người đang hiển hiện dưới ánh mặt trời với không ít sự lúng túng, tản mát, thậm chí thiếu sự hợp tác vì còn bận... cãi nhau.

3. Cuộc sống thời “cô Vy” quả là mang lại rất nhiều sự bất tiện và buồn chán, nhưng rồi ai cũng phải học cách dần thích nghi. Học sinh chưa bao giờ có kỳ nghỉ Tết kéo dài lâu đến thế. Các bậc phụ huynh đau đầu, tính toán không biết làm sao để cân bằng giữa việc đi làm và trông coi tụi nhỏ ở nhà. Kinh tế thì đình đốn, nhất là trong ngành du lịch và vui chơi giải trí. Không biết các doanh nghiệp của Việt Nam còn cầm cự được bao lâu khi vừa thiếu nguồn nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất vừa không bán được hàng do thị trường xuất khẩu sụt giảm? Đã có bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt của người nông dân rơi khi những chiếc xe container chở dưa hấu hay thanh long có lúc phải quay đầu trở lại từ nơi cửa khẩu? Đã có bao nhiêu người chủ khách sạn, quán ăn, công ty vận tải... đang phải chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm nguồn khách mới để tồn tại?

Hầu hết chúng ta đều có niềm tin rốt cuộc rồi thì dịch bệnh cũng sẽ qua, hè tới nắng lên rất có thể là lúc con virus sẽ bị đẩy lùi nhưng đâu phải ai cũng có thể cầm cự đến lúc đó! Mà lỡ con virus này quái ác, kéo dài hơn dự tính sang cả hai quí cuối năm thì sao? Chắc sẽ có không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, kéo theo thu nhập người lao động sụt giảm, cầu trong nền kinh tế cũng theo đó mà teo tóp. Mới nghĩ đến đó thôi đã thấy thật buồn! Thôi thì càng lúc nguy nan, chúng ta càng phải điềm tĩnh! Thế giới ngoài kia càng đảo điên, hỗn loạn thì trong đây ta càng phải cân bằng, an nhiên. Trong “nguy” luôn có “cơ” và lịch sử cũng đã chứng minh loài người mạnh nhất là khi cùng hợp tác. Có lẽ hiếm có lúc nào để kiểm chứng sự đúng đắn của những mệnh đề trên hơn những thời khắc này! 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới