Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tận dụng mâu thuẫn – góc nhìn từ quản lý kinh tế, kinh doanh

Phan Đình Mạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Mâu thuẫn thường được cho là vấn đề không mấy tốt đẹp, tuy nhiên trong hoạt động quản lý kinh doanh và kinh tế, đôi lúc vấn đề mâu thuẫn lại mang lại những cơ hội và nền tảng cho kinh tế phát triển.

Trong một nền kinh tế, mâu thuẫn sẽ xuất hiện khi có sự mất cân bằng và không đồng điệu giữa các tác nhân, thành phần kinh tế hay các quan hệ kinh tế. Lồng ghép định nghĩa này trong việc vận động của nền kinh tế, có thể đưa ra một số nhận xét về tình hình hoạt động của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển ở mức độ vi mô lẫn vĩ mô.

Nhìn chung, các nước phát triển gần như không có mâu thuẫn nhiều trong các quan hệ kinh doanh ở cấp độ kinh tế vĩ mô lẫn cấp độ vi mô. Theo đó, gần như mọi nhu cầu của người tiêu dùng đều được đáp ứng trong các mối quan hệ kinh tế đơn thuần.

Chẳng hạn, nếu một bà nội trợ cần một mớ nguyên liệu nấu ăn, cô ấy có thể đến siêu thị bằng hệ thống tàu điện ngầm hay xe buýt và thanh toán bằng ví điện tử, công thức nấu ăn sẽ được truy cập từ các trang mạng xã hội hoặc các dịch vụ tư vấn nấu ăn trực tuyến.

Ngoài ra, các phúc lợi xã hội, dịch vụ ngân hàng, hoạt động sản xuất,… đã được hình thành và đã đi vào ổn định. Vì vậy, cơ hội khởi nghiệp cho thị trường nội địa tại các quốc gia phát triển là ít.

Theo khái niệm này, các nền kinh tế dựa vào sản xuất và công nghiệp nặng như Tây Âu và Bắc Âu thì hoạt động khởi nghiệp là tương đối bão hòa nếu so với Vương quốc Anh, Bắc Ireland (nơi khởi nguồn cho cách mạng công nghiệp) và Mỹ vì những nơi này hướng vào thị trường tự do, công nghiệp văn hóa, sáng tạo và dịch vụ.

Trong khi đó, tại các nước đang phát triển vốn có nhiều mâu thuẫn (trong quan hệ kinh tế) nên cơ hội khởi nghiệp là lớn hơn. Nhưng mâu thuẫn này nên là mâu thuẫn trong nhu cầu tiêu dùng và phương pháp sản xuất (chẳng hạn như mâu thuẫn do nhu cầu chưa được đáp ứng, hay hệ thống sản xuất chưa tinh gọn đến mức tối đa), hơn là mâu thuẫn trong hạ tầng (chẳng hạn như cơ sở hạ tầng cứng, hệ thống giáo dục, hệ thống điện, nước,… chưa đáp ứng được nhu cầu của hệ thống kinh tế).

Mâu thuẫn trong tiêu dùng và phương pháp sản xuất sẽ dẫn đến cơ hội vì khi đó nhu cầu thị trường chưa được đáp ứng đầy đủ, trong khi năng suất của doanh nghiệp sản xuất chưa đạt đến mức tới hạn và còn dư địa để nâng cao năng suất và mở rộng thị trường.

Trong khi đó, mâu thuẫn về hạ tầng sẽ tỷ lệ nghịch với cơ hội vì hạ tầng là nền tảng của các ngành khác, đảm bảo cho các ngành kinh tế chính vận hành ổn định và tạo ra lợi nhuận cho cả nền kinh tế.

Theo cơ chế này, phải giải quyết mâu thuẫn hạ tầng trước, sau đó kích thích doanh nhân khám phá ra mâu thuẫn thị trường và phương pháp sản xuất mới, hiện đại để thúc đẩy kinh doanh trong nền kinh tế.

Cách giải quyết mâu thuẫn

Với các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, doanh nhân có thể quan sát và nghiên cứu các vấn đề tại thị trường nước mình và tham khảo các cách làm từ các nước khác và “mượn” các mô hình kinh doanh này để áp dụng vào trong thị trường nội địa, khi đó, cơ hội thành công trong kinh doanh khá cao.

Chẳng hạn, Malaysia, Singapore hay Indonesia đã có các công ty khởi nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh tại phương Tây vào thị trường trong nước như Shopee, Tokopedia hay Grab đã ứng dụng các mô hình kinh doanh trực tuyến như Uber và Amazon với các điều chỉnh tùy biến dựa vào từng trường hợp cụ thể.

Ngược lại, tại các nước phát triển (advanced nations), doanh nhân phải phá vỡ kết cấu tiêu dùng rất chặt chẽ ở đây vì mọi nhu cầu và quan hệ kinh tế đều đã được hình thành và thiết kế hợp lý và khá hoàn chỉnh. Doanh nghiệp có thể thực hiện được yêu cầu này bằng cách tạo ra nhu cầu “mới” cho khách hàng mà họ chưa biết… Qua đó, doanh nghiệp sẽ tạo ra “mâu thuẫn mới” trong thị trường kinh doanh.

Kỹ năng để phát hiện và giải quyết mâu thuẫn

Trường hợp các nước đang phát triển, tư duy sản xuất đóng vai trò quan trọng vì doanh nhân phần lớn sử dụng các mô hình kinh doanh có sẵn và đã được chứng minh thành công tại các nước khác. Các nước phát triển cần khả năng sáng tạo và nghệ thuật, tính mạo hiểm cao nhằm thu hút sự chú ý trong hoạt động quảng cáo/tiếp thị và tạo nhu cầu hoàn toàn mới trên thị trường.

Có thể thấy những công ty châu Âu, Mỹ là những công ty phải đi đầu về công nghệ và mạo hiểm trên thị trường để thử nghiệm các công nghệ mới, sản phẩm mới, cách tiếp cận mới, như Apple, Google, BMW, Mercedes…

Tóm lại, trừ mâu thuẫn hạ tầng ở mức độ cao, nếu doanh nghiệp càng phát hiện ra mâu thuẫn trên thị trường và phương pháp sản xuất thì cơ hội kinh doanh càng nhiều. Riêng mâu thuẫn hạ tầng ở mức độ thấp cũng là cơ hội cho kinh doanh khi nó có thể mở ra các cải cách và cơ hội cho các doanh nghiệp đề xuất hoặc áp dụng các mô hình và giải pháp cho các mâu thuẫn trên thị trường.

Tiếp cận từ quan điểm chính sách

Cạnh tranh trong kinh doanh phụ thuộc vào hai môi trường liên quan trực tiếp đến thành bại của doanh nghiệp. Cụ thể, môi trường bên ngoài sẽ quyết định doanh nghiệp nên sản xuất gì, tiêu chuẩn nào và môi trường bên trong quyết định doanh nghiệp sản xuất tốt tới đâu theo tiêu chuẩn thị trường như yêu cầu của môi trường bên ngoài nói trên.

Môi trường bên ngoài (như đối thủ, nhà cung ứng, hệ thống chính sách quốc gia, tâm lý khách hàng…) sẽ quyết định các cơ hội mà doanh nghiệp có thể khai thác trên thị trường; thiết lập các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường. Môi trường bên ngoài cũng đưa ra các thử thách mà doanh nghiệp phải giải quyết.

Vấn đề quan trọng thứ hai là nguồn lực của chính công ty bao gồm tiềm lực và kỹ năng của lực lượng nhân sự, tiềm lực và độ tinh vi của hệ thống sản xuất, kỹ năng và độ phủ của lực lượng tiếp thị, kỹ năng quản lý tài chính và nguồn tiền, khả năng đổi mới và sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nguồn lực này sẽ quyết định tầm cao của doanh nghiệp.

Theo đó, nếu doanh nghiệp càng có thể quản lý nguồn lực của mình tốt (dưới dạng quản lý hoạt động và quản lý chiến lược), doanh nghiệp sẽ càng có cơ hội leo cao trên nấc thang tiêu chuẩn và cơ hội mà môi trường bên ngoài mang lại.

Từ quan điểm vĩ mô, để thúc đẩy một ngành kinh tế, các chính sách phải tổng hợp được mọi vấn đề liên quan đến môi trường bên ngoài cho doanh nghiệp như chính sách có liên quan; thông tin tổng hợp về dân cư, khách hàng và thị trường; các chương trình cung cấp vốn đang được áp dụng…

Các vấn đề này cần được thông tin cho doanh nghiệp một cách hợp lý, kịp thời và chính xác nhất để họ có thể thiết kế được một chiến lược kinh doanh hợp lý và tốt nhất, bám sát được thước đo của môi trường bên ngoài.

Phần còn lại là tạo ra các chính sách để kích thích doanh nghiệp tăng cường nội lực để tiếp cận, thu hút và làm hài lòng khách hàng. Lúc này, mức độ thành công của doanh nghiệp được quyết định bởi nội lực và khả năng chấp nhận rủi ro.

Khi đó, doanh nghiệp phải nỗ lực cải tiến và sáng tạo hợp lý để có năng suất lao động cao nhất, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, tiên tiến và hiệu quả nhất, quản lý rủi ro tốt nhất… Kinh tế ngành đó cứ thế vận hành và phát triển đi lên, sản phẩm mới được giới thiệu, quy trình sản xuất, quản lý nhân sự và quản lý tiếp thị được nâng cấp và qua đó thị trường mở rộng ra các ngách mới hơn.

Nhìn chung, theo các nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do vấn đề bên ngoài là chính, do thiếu thông tin về khách hàng, thiếu kết nối với doanh nghiệp đối tác, thiếu thông tin về nguồn vốn và quản trị rủi ro… nên doanh nghiệp không thể đưa sản phẩm “đặc sắc” của mình tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.

Cần một… platform

Từ thực tế đó, Việt Nam rất cần có một “platform” (một đầu mối) để “all-in” (tích hợp tất cả) cho các doanh nghiệp (cả doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp có bề dày kinh doanh nhiều năm) có thể tiếp cận để có thể “thử thách” khả năng quản lý kinh doanh của mình trên thị trường nội địa và từng bước bước lên vũ đài kinh tế thế giới.

Theo đó, các cơ quan quản lý liên quan có thể xây dựng một đầu mối (dưới dạng một văn phòng vật lý, một trang web nền tảng, platform để giao dịch) để tổng hợp tất cả các thông tin có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các thông tin này gồm thông tin môi trường bên ngoài như nêu trên. Theo đó, cơ quan chủ quản platfom sẽ tập hợp và khảo sát các vấn đề như luật pháp và chính sách, các đặc điểm kinh tế – văn hóa – xã hội như GDP, giáo dục, y tế (cấp độ quốc tế, quốc gia, địa phương), môi trường và sinh thái, các công nghệ mới nổi… một cách tổng quát cho doanh nghiệp.

Thông tin này sẽ cung cấp các nền tảng chung về dung lượng thị trường cấp độ quốc tế, các cơ hội thông qua các quan hệ hợp tác với Việt Nam (như các hiệp định thương mại tự do, quan hệ ngoại giao) và cấp độ địa phương tại Việt Nam.

Ở cấp độ ngành, platform cũng cung cấp thông tin theo nhóm ngành quan trọng (ngành ô tô, ngành điện tử, ngành nông nghiệp…) như thông tin về các đối thủ tiềm năng trong ngành đang cạnh tranh nhau, các đối tác và nhà cung ứng, các khách hàng tiềm năng, các đơn vị phụ trợ trực tiếp cho ngành (dịch vụ nhà ở, các hỗ trợ tài chính, thuế, việc làm, đào tạo nhân sự, dịch vụ ăn, ở, giải trí cho công nhân và chuyên gia,…) và các chính sách hỗ trợ cho ngành và tiêu chuẩn có liên quan (vừa ở cấp độ trong nước và ở cấp độ quốc tế).

Ngoài ra, plaform cũng có thể làm công tác tư vấn cụ thể cho doanh nghiệp và hiệp hội thông qua hoạt động nghiên cứu chung như nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng. Chẳng hạn như nghiên cứu về nhu cầu và hành vi tiêu dùng của sản phẩm ngân hàng điện tử – mobile banking.

Tóm lại, platform được hình thành sẽ mang lại sân chơi rộng mở, rõ ràng, thuận tiện vừa ở cấp độ tổng quát thông qua các nghiên cứu bàn giấy, vừa thực hiện công tác cụ thể thông qua các nghiên cứu thực địa và theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.

Platform cũng tư vấn, kết nối với các cơ quan, tổ chức có chức năng và thẩm quyền liên quan nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy hết tiềm năng và lợi thế nội tại của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế được các rủi ro do thiếu thông tin tổng quát và pháp lý.

Phần việc của doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức và xây dựng chiến lược phù hợp, dựa trên nguồn lực của doanh nghiệp, để ghép lại nhằm tận dụng các thông tin mà platform cung cấp. Đội ngũ của platform, vì vậy, cũng vừa là nhà nghiên cứu vừa là nhà kinh doanh và quản lý.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mâu thuẫn, luôn là một phần quan trọng tất yếu của cuộc chơi/ cuộc sống. Không có mâu thuẫn sẽ không có cuộc sống. Cũng như không xử lý được mâu thuẫn thì không có sự tiến triển. Phẩm chất biết chung sống với mâu thuẫn là rất quan trọng, qua đó thể hiện rõ bản lĩnh và uy tín của một cá nhân/ tổ chức/ quốc gia. Bởi vậy, flatform quan trọng nhất, chính là xây dựng và phát triển văn hóa ứng xử với mâu thuẫn, cho mọi công dân, và nhất là cho giới tinh hoa của xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới