Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tận dụng mối quan hệ giữa thị trường vàng và cà phê

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vàng với tư cách hàng hóa, gần đây tỏ ra có quan hệ chặt chẽ với một số thị trường nông sản, nhất là cà phê. Giá cả hai mặt hàng này từ lâu đi cùng chiều nhưng nay bỗng nhiên “trở chứng” nghịch chiều. Nhà kinh doanh hàng hóa có thể nhìn hướng giá bên này mà đoán bên kia và ngược lại.

Sàn vàng và cà phê thường được chọn làm nơi trú ẩn đồng vốn trên thị trường tài chính vì cả hai đều cực kỳ nhạy cảm theo hơi thở của đô la Mỹ. Ảnh: Lê Vũ

Đầu năm, nghĩ được hầu chuyện về mặt hàng vàng vì chắc sẽ góp thêm phần sang trọng giữa bầu khí vui tươi của ngày Tết Quý Mão. Vả lại, thời gian gần đây, vàng với tư cách hàng hóa, tỏ ra có quan hệ chặt chẽ với một số thị trường nông sản, nhất là cà phê.

Từ lâu, giá cả hai mặt hàng này có nhiều khi đi cùng chiều, nhưng thời gian mới đây, bỗng nhiên chúng “trở chứng” nghịch chiều. Mối liên hệ tương tác không nhất thiết là một chiều thuận.

Nhìn ra hướng nghịch để biết hoạt động lưu chuyển dòng vốn trên các sàn kinh doanh tài chính là có thật và nhất là giúp cho nhà kinh doanh hàng hóa có thể nhìn hướng giá bên này mà đoán bên kia và ngược lại.

Vàng đang có hoàn cảnh thuận lợi

Xét về tương quan, sàn vàng và cà phê thường được chọn làm nơi trú ẩn đồng vốn trên thị trường tài chính vì cả hai đều cực kỳ nhạy cảm theo hơi thở của đô la Mỹ. Cho nên, tùy từng lúc, hai mặt hàng này thường cùng lúc hoặc thay nhau làm lá chắn bảo vệ cho vốn liếng của nhà đầu tư, nhờ lực thanh khoản cực tốt, có nghĩa rằng họ có thể đặt hay rút cược một cách trôi chảy.

Thời gian qua, nhìn chung giá vàng tăng nhưng cà phê thương phẩm giảm (xem biểu đồ:giá vàng được minh họa màu vàng và cà phê màu xanh). Mặt hàng vàng trở thành nơi trú ẩn vốn xuất sắc. Tại sao? Một phần nhờ giới đầu tư hy vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ. Cho nên, cũng đừng vội nghĩ rằng giá vàng hay một mặt hàng thương phẩm nào tăng hay giảm là do được hay mất mùa, nhu cầu tiêu thụ mạnh hay yếu.

Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường hàng giấy (phái sinh), thấy giá vàng tăng, thường họ tranh thủ mua vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền. Thật tình mà nói, không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu được điều gì kích đẩy giá kim loại quý lên, đặc biệt là giữa lúc giá vàng có thể còn tăng hơn nữa nhờ triển vọng tươi sáng của nó.

Diễn biến giá vàng và cà phê trên các sàn thương phẩm đến 22-1-2023 (nguồn: tradingeconomics)

Như đã thấy, vàng lóng lánh trở lại mấy tháng nay và đến ngày mùng 2 Tết Quý Mão tức 23-1-2023, giao dịch ở mức 1.935 đô la Mỹ/ounce. Giá vàng tăng nên được hiểu là nhờ giá trị đồng đô la Mỹ giảm và tình hình lạm phát tạm lắng. Giới đầu tư nay đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023 và đang được dự đoán tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 2-2023, so với 50 điểm vào tháng 12-2022 và bốn lần tăng liên tiếp 75 điểm trong năm 2022.

Suy đoán về một chính sách tiền tệ dễ dãi hơn khiến đô la Mỹ giảm giá. Một loại tiền tệ tăng giá trị khi lãi suất tăng và mất khi lãi suất giảm. Giới đầu tư rõ ràng đang kỳ vọng vào kịch bản thứ hai này, ít ra trong trung hạn. Đô la Mỹ giảm giá khiến mặt hàng vàng trở nên hấp dẫn hơn, nhất là đối với người mua đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác.

Đồng thời, khi lợi suất trái phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn trong thời kỳ lãi suất giảm, nhà đầu tư tập trung ủng hộ vàng vì trạng thái dự trữ của nó, được coi như một tài sản hữu hình không mất giá.

Ngoài việc vàng được người dân thường mua trữ như một cách bảo toàn chống lại lạm phát, vàng đang được hưởng lợi từ bối cảnh địa chính trị khó khăn. Nhờ được chọn là nơi trú ẩn an toàn, giá vàng đã tăng vọt ngay khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, rồi giảm dần vào năm 2022 và chạm đáy ở mức 1.615 đô la/ounce.

Chiến tranh Đông Âu, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, tiềm ẩn chiến tranh kinh tế Mỹ và EU, đại dịch, nguy cơ suy thoái kinh tế và khủng hoảng khí hậu… bất ổn liên tục như thế củng cố thêm tâm lý truyền thống cất trữ vàng, cho nên, đương nhiên mặt hàng vàng có hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều so với các loại hàng hóa khác.

Cũng nhờ “đủ duyên”, một số ngân hàng trung ương tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đô la Mỹ và tăng mua vàng. Điều thú vị là Trung Quốc đã tăng dự trữ thêm 62 tấn vàng vào hai tháng 11 và 12-2022. Một nguồn tin cho rằng tổng lượng vàng dự trữ của Trung Quốc đầu năm 2023 lên đến 2.000 tấn, với định giá ước hơn 120 tỉ đô la, là nước có lượng vàng dự trữ lớn thứ sáu thế giới.

Tìm cách tối ưu hóa kinh doanh nông sản nhờ lợi thế của sàn vàng

Từ tháng 11-2022 đến 23-1-2023, hiệu suất kinh doanh trên sàn vàng tăng gần 17% trong khi sàn cà phê arabica giảm bằng chừng ấy so với cùng kỳ và sàn robusta mất 11%. Giá vàng lên mức cao nhất tính từ chín tháng trở lại, còn giá cà phê arabica đang cố gượng lên ngang bằng với các mức lập vào tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường càng tin rằng sự bất ổn kinh tế và địa chính trị còn kéo dài, thì mức tâm lý 2.000 đô la/ounce của vàng càng có khả năng quay lại để tìm mức cao lịch sử 2.070 đô la/ounce đạt ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Như vậy, có thể tin rằng bao lâu giá vàng cao và còn tăng cao trên sàn phái sinh, thì bấy lâu cơ hội tốt cho giá cà phê và nông sản nói chung càng hiếm hoi. Khác với người đầu tư “cứng”, tức mua trữ một mặt hàng rồi để đó chờ thời, giới kinh doanh hàng hóa thương phẩm phải theo dòng chảy của các thị trường.

Rủi ro tiềm ẩn khi ôm chặt một mặt hàng duy nhất là có thể thua lỗ lớn khi diễn biến không thuận với quyết định của mình. Vì sao? Giá vàng cao có khả năng xuống lại khi có thay đổi tích cực và bất ngờ của bức tranh kinh tế vĩ mô và địa chính trị; giá cà phê đang thấp và chưa chắc sẽ ngừng giảm.

Một số nhà vườn muốn quay lại thói quen cũ, bán cà phê để mua vàng trữ nhằm giữ lấy sự an toàn. Nhưng làm vậy chắc gì đã an tâm? Tuy nhiên, đấy là quyền chọn của mỗi người cần được tôn trọng.

Nhưng đối với nhà kinh doanh hàng hóa nông sản, đơn cử như cà phê, vẫn có cách để bảo vệ giá cà phê đồng thời đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh và đầu tư của mình giữa lúc tình hình quyết định mua bán mặt hàng kinh doanh chính còn lắm khó khăn.

Khi giá hai sàn hàng hóa phái sinh đi nghịch chiều một cách rõ ràng và kéo dài như sàn vàng và cà phê (arabica), các nhà kinh doanh nông sản nghĩ ngay đến cách bảo vệ chéo (cross-hedge) bằng cách chia sẻ vốn đối với sản phẩm kinh doanh chính tối đa chừng 5% đến 10% để mua bên này bán bên kia (và ngược lại) nhằm khóa bớt rủi ro có thể gây ra do biến động của đô la Mỹ, là đơn vị tiền tệ dùng để giao dịch trên các sàn này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới