Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tân Long ‘bắt tay’ tỉnh An Giang, Kiên Giang nâng chất lượng lúa gạo và thu nhập nông dân

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long vừa “bắt tay” để tiến đến xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn theo chuỗi liên kết ở hai địa phương này. Đây là bước đi nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo và thu nhập của người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Công ty Tân Long “bắt tay” tỉnh An Giang và Kiên Giang nâng cao chất lượng lúa gạo và thu nhập của nông dân. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa tỉnh An Giang, Kiên Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long diễn ra tại tỉnh An Giang vào hôm nay, 8-2, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương này cùng tỉnh Kiên Giang và Công ty Tân Long thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Theo ông Thư, nằm trong vùng ĐBSCL, An Giang và Kiên Giang là hai địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, đóng góp quan trọng cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như vị thế xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Riêng đối với tỉnh An Giang, theo ông Thư, với tổng diện tích sản xuất lúa gạo hàng năm khoảng 640.000 héc ta, địa phương đóng góp cho cả nước hơn 3,8 triệu tấn lúa mỗi năm và đứng thứ hai cả nước về sản lượng lúa gạo, sau tỉnh Kiên Giang với sản lượng đạt gần 4,3 triệu tấn/năm. “Xuất khẩu hàng năm của tỉnh trên 500.000 tấn, với kim ngạch đạt trên 280 triệu đô la Mỹ”, ông Thư cho biết thêm.

Theo ông Thư, để tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo và thu nhập người nông dân trong thời gian tới, bên cạnh áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong công tác giống lúa và canh tác, địa phương cũng chú trọng mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo.

“Việc Công ty Tân Long khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc (An Giang) có quy mô lớn nhất châu Á mới đây (có công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa 240.000 tấn, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn lúa khô/ngày, công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày- PV) sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững tại tỉnh An Giang và Kiên Giang”, ông Thư nhấn mạnh và cho rằng, đây cũng là tiền đề cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thời gian tới.

Nói về tình hình phát triển mô hình cánh đồng liên kết với doanh nghiệp, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2016 địa phương có 12.860 héc ta thực hiện liên kết sản xuất; năm 2018 là 75.000 héc ta. Tuy nhiên, sang năm 2019 giảm còn 33.251 héc ta và năm 2020 là 30.672 héc ta.

Riêng trong năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng được 783 cánh đồng lớn với diện tích 74.968 héc ta, trong đó, có 651 cánh đồng có liên kết tiêu thụ với diện tích 53.478 héc ta, tăng 74,35% so với năm trước đó.

Theo ông Toàn, qua thực hiện cánh đồng lớn, nhận thức của nông dân trong liên kết làm ăn đã được nâng lên, tập quán canh tác cũng thay đổi, tạo vùng nguyên liệu lớn đáp ứng được yêu cầu của thị trường. “Từ đó, rất thuận lợi cho địa phương trong kêu gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia liên kết”, ông Toàn cho biết.

Đại diện Công ty Tân Long và UBND tỉnh An Giang ký thoả thuận hợp tác. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long cho rằng, thoả thuận hợp giữa đơn vị này với UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang là bước đi quan trọng để tiến đến mục tiêu: thứ nhất, phát huy lợi thế của các địa phương có năng lực sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; thứ hai, phát triển tốt các giống lúa chất lượng cao, xây dựng thành công thương hiệu gạo quốc gia và tham gia hiệu quả vào thị trường lúa gạo thế giới.

Theo ông Bá, mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ dựa trên những định hướng sau: thứ nhất, là phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Qua đó, giúp nông dân gia tăng lợi nhuận từ việc trồng lúa nhờ giảm chi phí đầu vào khi canh tác trên cánh đồng lớn, có giống tốt, tăng năng suất.

Theo ông Bá, việc đơn vị này đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy gạo Hạnh Phúc chính là sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và là cầu nối quan trọng giữa cánh đồng và thị trường trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Thứ hai, sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 vào canh tác lúa nhằm tạo ra cánh đồng thông minh, giúp tăng năng suất và giảm công sức của người nông dân.

Thứ ba, đảm bảo đầu ra cho người nông dân trồng lúa bằng chính sách bao tiêu theo cơ chế nông dân canh tác theo “đặt hàng” và định hướng thị trường của doanh nghiệp. “Tân Long sẽ góp vốn đủ cho nhu cầu của hợp tác xã trong việc mua giống, vật tư nông nghiệp”, ông cho biết thêm.

Thứ tư, sẽ hướng đến sản xuất an toàn, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học. “Chúng tôi ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa chất lượng cao như: ST21, ST24, ST25 và các sản phẩm hữu cơ, lúa tôm…”, ông Bá cho biết.

Cuối cùng, theo ông Bá, đơn vị này sẽ xây dựng và thực hiện truy suất nguồn gốc cho sản phẩm thông qua thiết lập và số hoá cơ sở dữ liệu đồng ruộng, từ diện tích gieo trồng, thời gian xuống giống, đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ. “Qua đó, sản phẩm sẽ được truy suất nguồn gốc chính xác, tạo cơ sở để tham gia vào thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Ông Bá cho biết, tiếp theo biên bản khung hợp tác được ký hôm nay, 8-2, đơn vị này sẽ tổ chức các buổi hội thảo cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng nông nghiệp huyện, Trung tâm khuyến nông, đại diện các liên minh hợp tác xã và hợp tác xã địa phương để có những bước đi cụ thể hơn về kế hoạch bao tiêu và xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại An Giang, Kiên Giang.

Chẳng hạn, ở tỉnh An Giang, mục tiêu của việc hợp tác, đó là trong năm 2022, Tân Long sẽ liên kết và tiêu thụ lúa gạo hàng hoá với tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) đạt 10.000 héc ta, năm 2023 đạt 15.000 héc ta, năm 2024 là 20.000 héc ta và năm 2025 đạt 30.000 héc ta.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới