Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tản mạn về biến dịch

Huỳnh Văn Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(TKSG) – Trong ngôn ngữ thường ngày, biến dịch có lẽ là từ ít được dùng đến nhưng thực ra mọi hoạt động của con người (nhân giới) cũng như sự chuyển động, vận hành của tự nhiên (nhiên giới), tất thảy, từ nhỏ đến lớn đều diễn ra theo nguyên lý này với sự tương tác luôn có giữa các thực thể của mỗi giới cũng như giữa hai giới với nhau.

Thật lý thú, nguyên lý được xem như là cốt lõi của mọi vận động tồn sinh này đã được nhà triết học cổ Hy Lạp Heraclitus (hay Héraclite) tóm gọn trong chỉ một câu mà khó có ai có thể nói ngắn hơn, dễ hiểu hơn “Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Biến dịch, nói chường ra là sự chuyển động, đổi thay diễn ra từng giây phút với mỗi người, mỗi sinh thể, vật thể từ ở địa cầu này cho đến ở những tinh cầu khác của vũ trụ (mà con người đã dần vén mở được phần nào).

Những hoạt động, những vận động của con người, của tự nhiên bao giờ cũng mang đến những đổi thay với nhiều cấp độ – từ vi mô đến to lớn, tạo nên cái mới vốn hàm chứa sự tích cực hay tiêu cực, có khi chứa đựng cả hai cùng lúc, trên nền của hiện thực vốn có trước. Lại cũng rất lý thú khi nhìn lại việc ngôn ngữ Anh đã dùng từ news – những sự việc/sự kiện/biến cố mới tức là những đổi thay, diễn biến lớn, nhỏ vừa xảy ra để tạo nên từ ngữ tin tức, thông tin từ gốc nền của từ new. Và báo chí chính là phương tiện/công cụ để chuyển tải, loan truyền những tin tức, thông tin mới từ muôn mặt của đời sống đến với mọi người ở mọi nơi.

Với con người, mọi họạt động cá nhân hay tập thể nhắm đến sự tiến bộ, tốt lành cho mình, cho tha nhân khi được điều dẫn bởi những ước muốn, những động lực công chính sẽ tạo nên những đổi thay tích cực cho con người và cả cho tự nhiên. Bởi những đổi thay, chuyển biến có ích lợi cho nhân gian mà tổn hại đến tự nhiên là đi ngược với tinh lý của biến dịch.

Sống chính là sống giữa biến dịch, đổi thay, có khi ta làm chủ, nhưng cũng có khi phải chịu phần thụ động (trước những đổi thay, dịch biến). Khi những thiên tai, dịch bệnh khắc nghiệt quật ngã hoặc làm giảm thiểu sự chống chỏi của con người, thì cái quý nhất ta giữ lại được là sự tồn tại của mình và của người chung quanh, bởi còn con người là còn có thể làm lại tất cả!

“Khi cơn bão đang xảy ra ta lo lắng cho sự tồn tại của ngôi nhà. Nhưng khi cơn bão qua đi ta biết phải làm gì” – lời của một nhà văn Nam Phi, ngẫm lại trên nền của lẽ biến dịch vô hình phác lên bức tranh đối phó trường diễn của con người với những biến dịch. Đại dịch Covid-19 mà cả thế giới cùng chống chỏi, dù ác liệt nhưng rồi vẫn dần được chế ngự bằng mọi cách, càng nhắc nhở con người thấu đạt hơn về sự tiềm ẩn, bùng phát của những biến dịch dù con người đã biết, đã thấy, đã có phần dự phòng từ trước.

Biến dịch, nhất là những biến dịch lớn thường xuất hiện những nhận thức mới. Đại dịch Covid-19 đã làm nảy sinh một thuật ngữ khá lý thú từ những nhận thức biện chứng qua đó ta chấp nhận những thay đổi đang diễn ra (của đại dịch với sự chống chọi, đối phó cam go của con người) là những thực tiễn, những tình trạng, tình huống bình thường nhưng là một “bình thường mới” so với trước. Nhờ sự nhận thức như thế con người đã có những phương sách chống chọi, đối ứng thích hợp để có thể đương đầu, vượt qua đại dịch.

Cũng giống như ta nhìn ra được cái mới, cái thay đổi của dòng sông/con nước mỗi khi ta đang tắm dù đó là dòng sông/con nước ta đã từng tắm. Và ta biết phải làm gì để con nước đó được trong lành, mát mẻ, bình yên như mong đợi mỗi lần ta bước xuống tắm. Cả đến việc ta biết phải đối ứng ra sao khi chính con nước đó trở nên hung hiểm mà không trở nên nguy hại cho mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới