Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tản mạn về ChatGPT – AI

Hiệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy tuần nay như có cơn bão công nghệ ChatGPT đang đổ vào Việt Nam...

ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ do Công ty phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ xây dựng. GPT là viết tắt của “Generative Pre-trained Transformer”. Vào trang OpenAI nơi có thể thử giao tiếp với ChatGPT có lời giới thiệu khá rõ “Chúng tôi đã đào tạo một mô hình gọi là ChatGPT tương tác theo cách hội thoại. ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, thừa nhận sai lầm của mình, thách thức các tiền đề không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp”.

Đoán mò về ChatGPT

Tôi thử tạo tài khoản và được câu trả lời, quốc gia của bạn chưa được dùng dịch vụ này. Dùng qua VPN thì hệ thống nói đang có quá nhiều yêu cầu nên đợi, đã nửa ngày không vào được. Trong vài tháng đã có hơn 100 triệu tài khoản người dùng.

Khi viết bài này tôi cứ mơ, giá như ChatGPT viết hộ vì người từ tòa soạn Kinh tế Sài Gòn nhắn “Anh ơi, nhân ChatGPT đang nóng sốt, anh viết giùm em một bài xoay quanh câu chuyện Người và Máy được không anh?”. Tính là chỉ cần chuyển nguyên văn câu này cho ChatGPT xem nó trả lời ra sao. Nhưng thôi, đành viết theo cảm tính của dân công nghệ thông tin (IT) quen lập trình.

AI là viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh “Artifitial Inteligence”, dịch sang tiếng Việt là trí tuệ nhân tạo. Khái niệm này tôi nghe từ nhóm nghiên cứu của giáo sư Hồ Tú Bảo, Chi Mai, Hoàng Kiếm từ mấy chục năm trước tại Viện Tin học ở làng Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Gọi là viện nghiên cứu cho oai, thực ra các nhà khoa học chung nhau cái bàn cũ kỹ cóc gặm nham nhở, trong cái phòng 8 mét vuông mà chứa 6-7 người, mở ngăn kéo ra muỗi bay đầy vào mặt, gián, chuột tha hồ tung tăng khắp sân, nhà vệ sinh bẩn thỉu, cửa trống tuềnh toàng, đang ngồi trong đó thì có khi có người cào phân phía dưới vì làng này trồng rau, hoa, nhất là hoa lay ơn, thược dược, cần phân tươi, nước giải. Chiều chiều bà con làm vườn, dân khoa học cổ cồn, quần ly, sang trọng dự seminar, vừa bịt mũi, vừa nghe giảng về lưới Petri, automat hữu hạn, lý thuyết fuzzy programming, rồi vi mạch và micro computer, và đương nhiên có cả nhận dạng và AI - trí tuệ nhân tạo, dạy máy tính học theo người.

Nhóm nghiên cứu AI của Viện Tin học thuở nào cũng nghỉ hưu hết rồi, và cũng khó tưởng tượng nổi sau mấy chục năm lĩnh vực họ nghiên cứu và mơ ước trong làng Liễu Giai ngày xưa đã thành sự thực trên đất... Mỹ.

ChatGPT, một kiểu AI, được đánh giá là một trong những hệ thống phản hồi tự động (chatbot) thông minh với lượng kiến thức “khủng”, khả năng trò chuyện, sáng tạo nội dung có thể làm những cây viết phải thất nghiệp hay khiến các trường lo ngại vì sinh viên nhờ viết hộ bài luận, “làm” tiến sĩ không cần viết luận văn mà thuê luôn ChatGPT.

Một bài báo trên tờ Economist viết vui, nếu hỏi ChatGPT một cái gì đó, các phản hồi được gửi lại gần như ngay và luôn nhưng... thường sai. Nó hơi giống như ta hay nói chuyện với một nhà kinh tế, bởi vì ChatGPT trả lời mang tính dự kiến nhiều hơn là khẳng định. Dân kinh tế thích dự đoán hơn là khẳng định, kiểu như thầy bói thích đoán tương lai, hỏi về quá khứ là các vị... lảng tránh.

Có thể hỏi, kinh tế Việt Nam ra sao, AI tuồn ra vài trang trong vài phút, với kiến thức kinh tế đáng nể, lời khuyên và dự báo, nghe quen quen như từng đọc báo, xem ti vi hay dự hội thảo có báo cáo kinh tế quốc gia thường niên của Ngân hàng Thế giới. Đó là do các kiến thức này đã có trên Internet.

Tôi nghiêng về ý kiến của tác giả Wayne MacPhail trên tờ The Global and Mail rằng, ChatGPT có thể khiến chúng ta cho rằng nó suy nghĩ như con người nhưng nó không thể cảm nhận được thế giới. “ChatGPT hoàn toàn không suy nghĩ - và chắc chắn không suy nghĩ như con người. Những gì nó đang làm là tìm kiếm, với tốc độ chóng mặt, thông qua hàng ngàn tỉ kết nối ngôn ngữ mà nó tạo ra bằng cách quét hàng núi nội dung do con người tạo ra”, ông MacPhail viết.

Nếu dùng tìm kiếm trên Google sẽ có hàng triệu bài báo, đường link, hình ảnh, video dính đến câu hỏi nhưng “đống link” này không liên quan tới nhau mà đó là Google tìm theo từ khóa. ChatGPT cũng tìm kiếm tương tự nhưng lại biết tổng hợp thành một bài viết làm cho người dùng tưởng AI thay hết công việc của người. Tuy nhiên, là AI nên nó không có cảm xúc, nó chẳng biết nó viết thế có đúng hay không như giác quan của người được.

Không có “núi nội dung văn bản” trôi nổi thì ChatGPT sẽ chịu thua. Không tin, bạn là người lần đầu tiên vào Internet, chưa có một bài báo hay bất kỳ hoạt động nào được Internet ghi lại, mà hỏi “Tôi là ai?” thì thật khó tin nếu ChatGPT nói đúng tên tuổi của bạn vì “núi thông tin” kia chưa có dấu vết của bạn. Nhưng nếu bạn đã viết bài, đã đăng ảnh, có khai tên tuổi đâu đó, sở thích cá nhân, nếu AI có camera nhận dạng thì nó sẽ lôi CV của bạn ra ngay. Đó là do AI do con người lập trình, dạy nó cách tìm kiếm, nhận dạng, suy diễn logic, thì nó sẽ làm ra thứ bạn muốn.

AI và cuộc sống

Người ta đã đồn đại, AI mà ví dụ là ChatGPT sẽ làm rung chuyển trái đất, thúc đẩy năng suất trong một loạt ngành công nghiệp và nghề nghiệp, như nhân loại phát minh ra động cơ hơi nước, điện và máy tính. Tuy nhiên, phát minh vĩ đại đến đâu cũng cần thời gian để đưa vào cuộc sống và biến đổi nhân loại.

James Watt phát minh ra động cơ hơi nước vào năm 1769 được cho là động trời, nhưng nó quá đắt và chỉ được sử dụng đại trà cho tới những năm 1830 ở Anh và những năm 1860 ở Mỹ, nghĩa là gần 100 năm sau.

Năm 1936, Alan Turing, nhà toán học người Anh có ý tưởng về một cỗ máy vạn năng, sau này gọi là máy Turing, có khả năng tính toán bất cứ thứ gì có thể tính được. Ý tưởng đó là nền tảng cho máy tính hiện đại ngày nay.

Gần chục năm sau (1943-1944), hai giáo sư John Mauchly và J. Presper Eckert đã hợp tác tạo ra thiết bị tích phân và tính toán số học điện tử hay còn gọi là ENIAC (Electronic Numerical Integrator and Calculator). Đây được xem là máy tính điện tử đầu tiên và là ông tổ của máy tính hiện đại. Cỗ máy với kích thước đồ sộ này đã chiếm hết căn phòng 6x12 mét, nặng tới 30 tấn, cần đến 18.000 bóng điện tử chân không và có giá thành 400.000 đô la Mỹ - tương đương với 6,2 triệu đô la Mỹ theo thời giá hiện nay. Khi đó, máy tính là thứ gì đó xa vời, chả gắn với người dân.

Gần nửa thế kỷ sau thì chiếc smartphone - điện thoại thông minh - trên bàn tay có sức mạnh tính toán gấp hàng chục triệu lần ENIAC, nhưng giá thành chỉ khoảng 1.000 đô la Mỹ, nghĩa là số tiền mua một ENIAC có thể mua được 6.200 chiếc iPhone 14. Và lúc này thì máy tính mới thực sự đi vào cuộc sống đại trà.

Vì thế, AI đủ loại, kể cả sản phẩm ChatGPT đang sốt do cách người Mỹ quảng bá cho sản phẩm thì cũng cần thời gian rất dài có thể tính bằng thập kỷ để thay thế một số công việc cho con người, nó giống robot lắp ráp máy tính, xe hơi, ti vi hay kể cả máy bay - từ lý thuyết mơ mộng tới thực tế ứng dụng còn một quãng đường dài.

Nhiều người mới chỉ nghe qua về AI và ChatGPT sẽ lo ngại về hậu quả đối với người lao động, như họ dễ bị sa thải do AI sẽ làm hết mọi việc. Đó là nỗi sợ chung mỗi khi có công nghệ mới. Taxi truyền thống sợ taxi công nghệ do tính ưu việt của sự tiện lợi và giá cả, truyền thống không thay đổi theo công nghệ thì sẽ bị gạt ra ngoài. Hay như với máy khắc đá nghệ thuật của cô cháu tôi ở quê, dùng một chương trình nhỏ điều khiển mũi khoan thì chỉ trong vài tiếng đã hoàn thành được một bức tranh thủy mặc mà nghệ nhân phải mất cả tháng mới xong.

Với AI cũng thế, sẽ có những lĩnh vực được AI đảm trách, mà đã là trí tuệ máy thì ít sai, không mệt mỏi, không đòi tăng lương, không cần mua bảo hiểm hay đình công như người.

Nhìn vào ChatGPT có thể thấy rõ AI có thể tăng năng suất của công việc viết lách - tìm kiếm thông tin, tổng quan khoa học, viết báo cáo hay làm các bài trình bày theo một chủ đề.

Cũng có thể AI sẽ phá vỡ khuôn mẫu lịch sử như các phát minh về máy tính, điện hay hơi nước từng làm. Công nghệ mới sẽ đưa con người vào những lĩnh vực kinh tế chưa được khám phá mà ngay cả AI thông minh nhất không dự đoán được. Con người sẽ thay đổi theo AI và đây chính là thời điểm cho sự cạnh tranh toàn cầu mới.

AI do ai làm ra? AI do con người làm ra, dạy và cải tiến liên tục tới mức hoàn thiện thì vẫn do con người làm chủ. Nhưng nhân loại lại không thể làm chủ hết được những gì do AI tạo ra đầy bất ngờ.

Nhóm nghiên cứu AI của Viện Tin học thuở nào cũng nghỉ hưu hết rồi, và cũng khó tưởng tượng nổi sau mấy chục năm lĩnh vực họ nghiên cứu và mơ ước trong làng Liễu Giai ngày xưa đã thành sự thực. Nếu họ mà may mắn thành công thì biết đâu ChatGPT Made in Viet Nam đang thành cơn sốt và có khi người Mỹ muốn dùng thử như tôi bây giờ lại được thông báo “Dịch vụ này không có ở Mỹ”. Ấy là tôi nói chữ “nếu”...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới