Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng cường chất lượng y tế, an sinh xã hội để đẩy nhanh phục hồi kinh tế

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng việc xử lý triệt để các vấn đề y tế và bảo đảm an sinh xã hội sẽ quyết định tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội ở Việt Nam, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. 

Mở rộng dư địa hỗ trợ nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023

TS Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV – cho rằng Chính phủ nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thiết kế và triển khai chính sách hỗ trợ tài khóa theo hướng chấp nhận gia tăng nợ công, thâm hụt ngân sách và khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát trong 2 năm tới.

“Từ năm 2024, Chính phủ có thể quay lại quỹ đạo để kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc”, ông Lực viết trong tham luận tại diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021.

Việc mở động độ bao phủ vaccine giúp Việt Nam có nhiều cơ hội phục hồi kinh tế trong 2 năm tới. Ảnh: TD

Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khuyến nghị Việt Nam chấp nhận mức bội chi cao hơn và xu hướng gia tăng nợ công trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Về dài hạn, Chính phủ cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để tái thiết lập kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau - khi nền kinh tế dần phục hồi.

Cơ quan này đề xuất Chính phủ, Quốc hội nâng quy mô ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế từ mức 3% GDP lên khoảng 5-7% GDP.

“Điều quan trọng là cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi”, ADB nhấn mạnh.

Lý giải đề xuất này, ông Lực và nhóm nghiên cứu của ADB cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý nhờ tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ - tín dụng hiện tại.

Ông Lực cho biết các chỉ tiêu gồm thâm hụt NSNN/GDP, nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP năm 2020 lần lượt ở mức 3,5%, 43,5% và 38,6% theo GDP điều chỉnh. Với năm 2021, tỷ lệ thâm hụt NSNN, nợ công và nợ Chính phủ dự kiến ở mức 4,1%, 43,7% và 39,5% theo GDP điều chỉnh do các biện pháp tài khóa được tăng cường cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Những con số này, theo ông Lực, cho thấy thâm hụt NSNN và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới và các quốc gia mới nổi ở châu Á.

Cụ thể, thâm hụt NSNN/GDP toàn cầu ở mức 10,2% năm 2020 và ước tính ở mức 8% năm 2021. Nợ công/GDP toàn cầu ở mức 99% năm 2020 và ước tính ở mức 98% năm 2021.

Với các nước mới nổi châu Á, thâm hụt NSNN/GDP là 10,8% năm 2020 và ước tính ở mức 9,2% năm 2021. Nợ công/GDP ở mức 67,6% năm 2020 và ước tính ở mức 70% năm 2021.

Cũng theo ông Lực, lạm phát năm 2021 của Việt Nam dự kiến trong khoảng 2,2-2,4%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây.

“Điều này vừa là kết quả của việc kiểm soát cung tiền, phối hợp chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, vừa tạo dư địa mở rộng chính sách tài khoán và chính sách tiền tệ trong trung hạn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn”, ông Lực cho biết.

Hiện nhiều quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ (hỗ trợ tài khóa và tiền tệ - PV) để phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của Covid-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội với giá trị lên tới 18.272 tỉ đô la Mỹ tính đến hết tháng 10-2021 - tương đương 16,4% GDP toàn cầu năm 2020, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cụ thể, quy mô các gói hỗ trợ của các quốc gia phát triển như Trung Quốc các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản lần lượt bằng 6,1%, 10,5%, 27,9%, 44,8% GDP.

Với các quốc gia đang phát triển và mới nhổi như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, quy mô gói hỗ trợ lần lượt bằng 5,4%, 8,8%, 15,6% GDP.

Còn ADB cho biết gói hỗ trợ tài khóa của hầu hết các quốc gia đều tập trung nguồn lực với 3 ưu tiên, gồm: hỗ trợ hệ thống y tế đối phó với dịch bệnh; mở rộng bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội để giảm tổn thất, hỗ trợ sinh kế cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, người già, trẻ em, lao động trong các khu vực không chính thức; hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong các khu vực bị ảnh hưởng, bảo vệ và tạo việc làm, tái phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Ngoài ra, một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cho phép Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) mua trái phiếu Chính phủ từ thị trường sơ cấp/thứ cấp để tạo nguồn tài chính rẻ hơn cho các biện pháp cứu trợ Covid-19 của Chính phủ. Ngược lại, Thái Lan thực hiện hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện công cụ tài chính chuyển nhượng và thỏa thuận mua lại tài sản thông qua NHTƯ.

Trước đó, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) – cho biết nền kinh tế sẽ không có nguồn lực để phục hồi và phát triển nếu không nới trần nợ công và trần bội chi. Nhưng nếu nới quá cao và không kiểm soát hiệu quả sẽ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.

Tăng cường chất lượng y tế để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế

Để đảm bảo nền kinh tế phục hồi bền vững sau khi điều chỉnh tăng bội chi ngân sách, các chuyên gia cho rằng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ khi khối lượng tiền lưu thông nhiều lên. Ngoài ra, cần lưu ý tới năng lực trả nợ của nền kinh tế.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ coi chính sách hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác như một cấu phần quan trọng trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về tài khóa, cần xem xét một số chính sách gồm: giảm 1-2% thuế giá trị gia tăng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong năm 2022; thúc đẩy bảo lãnh vay doanh nghiệp nhỏ và vừa qua các quỹ bảo lãnh vay vốn; tiếp thục giảm một số loại thuế, phí như năm 2021; hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như phí bảo hiểm xã hội (BHXH), phí công đoàn, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chi phí 3 tại chỗ, chi phí tuyển dụng, đào tạo; tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo nghề.

Tổng các gói hỗ trợ này, theo ước tính của ông Lực, có giá trị khoảng 400.000 tỉ đồng. Còn giá trị thực chi ước khoảng 240.000 tỉ đồng, bằng 3% GDP.

Về tiền tệ, chuyên gia này khuyến xây dựng gói tín dụng hỗ trợ có lãi suất thấp hơn khoảng 2-3% so với thị trường. Điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi hoặc hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới như kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, hạ tầng số.

Về an sinh xã hội, ông Lực cho rằng cần chú trọng hỗ trợ lao động tự do thuộc khu vực phi chính thức, lao động của những doanh nghiệp bị phá sản, thua lỗ nhưng không thuộc diện được hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động phải chuyển nghề do mất, thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi sản xuất.

Về chính sách khác, Chính phủ nên xem xét giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022, theo ông Lực. Ngoài ra, hỗ trợ 50% chi phí tư vấn chiến lược, chi phí tư vấn triển khai chuyển đổi số, chi phí mua giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, cần tài trợ 20-30% cho các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và một số lĩnh vực ưu tiên khác.

“Với các gói hỗ trợ này, tỷ nợ công/GDP chỉ tăng khoảng 1-2%, thâm hụt ngân sách/GDP tăng và có thể ở mức 5,5-6% GDP năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm khá nhanh khi kết thúc chương trình phục hồi và kinh tế lấy lại đà tăng trưởng tích cực sau đó”, ông Lực phân tích.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng mục tiêu ngắn hạn của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế. Vì vậy, cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội với người dân và người lao động, đặc biệt là lao động tự do.

Ngoài ra, cần hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp hướng vào các ngành lan tỏa và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch.

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ quan này cho rằng các khoản trợ cấp trực tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng.

Về dài hạn, ADB kiến nghị Chính phủ chuyển dần các biện pháp tài khóa từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp. Cụ thể, chuyển từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ chú trọng tới yếu tố con người trong quá trình xây dựng chương trình phục hồi kinh tế.

Lý giải điều này, Thủ tướng cho biết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 nêu rất rõ việc phát huy giá trị con người. Theo đó, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Vì vậy, vấn đề an sinh xã hội và tập trung cho con người và nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất.

“Trong phát triển chúng ta lấy nội lực là chiến lược cơ bản, lâu dài là quyết định. Nội lực gồm 3 nội dung chính là con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử. Vậy nên con người phải được chú trọng trong chương trình này”, Thủ tướng chia sẻ trước Quốc hội sáng 12-11.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ xây dựng Quỹ phòng, chống dịch và Quỹ an sinh xã hội để chủ động hơn trong sử dụng nguồn lực.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các chính sách phục hồi sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế sẽ được xây dựng dựa trên việc bảo đảm các mục tiêu gồm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, ổn định của các tổ chức tín dụng, nợ công, bội chi, lạm phát. Đồng thời, phù hợp với khả năng huy động vốn vay và trả nợ.

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới