(KTSG Online) - Mức lương tối thiểu ở phần lớn các nền kinh tế chính của ASEAN sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Điều này sẽ buộc mỗi nước đánh giá lại thế mạnh cạnh tranh của mình và có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài xem xét lại chiến lược ASEAN là điểm đến mới của quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Chính thức tăng lương tối thiểu vùng, tăng cao nhất 280.000 đồng
- Thổ Nhĩ Kỳ tăng lương tối thiếu 49% để giúp người dân ứng phó lạm phát
Nhiều nền kinh tế chính của ASEAN tăng lương
Từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu tại Việt Nam tăng trunh bình 6%. Tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, người lao động hiện được đảm bảo 4,96 triệu đồng (193 đô la) mỗi tháng, tăng khoảng 80% so với một thập niên trước.
GDP của Việt Nam tăng 6,9% trong quí 2 so với cùng kỳ năm trước. Hơn 15 tỉ đô la vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam trong nửa đầu năm, tăng gần 7% so với cùng kỳ. Sự hấp dẫn này có liên quan đến giá lao động tương đối rẻ và vị trí địa lý gần với Trung Quốc của Việt Nam.
Tuy vậy, mức lương tối thiểu mới tăng của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, hầu hết đều ở mức trên 200 đô la. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu 2.420 nhân dân tệ (332 đô la) tại Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu liên tục có thể đe dọa một trong những lợi thế chính của Việt Nam, đặc biệt là khi nhiều công ty đầu tư vào những ngành sử dụng nhiều lao động như lắp ráp và dệt may.
Thái Lan, một trung tâm sản xuất khác ở ASEAN, có kế hoạch tăng mức lương tối thiểu hàng ngày lên 400 baht (10,93 đô la) mỗi ngày bắt đầu từ tháng 10. Mức lương tối thiểu mới tăng khoảng 14% từ mức 350 baht hiện tại, bất chấp sự phản đối của các chủ doanh nghiệp. Mức tối thiểu mới có nghĩa là người lao động sẽ kiếm được ít nhất khoảng 237 đô la mỗi tháng.
Trước đó, Thái Lan đã tăng mức lương tối thiểu thêm 5,02% vào năm 2022. Năm 2023, Đảng Pheu Thai cầm quyền đã vận động tranh cử với lời hứa sẽ đưa mức lương tối thiểu lên 600 baht vào năm 2027.
Trong khi đó, Philippines sẽ tăng mức lương tối thiểu ở khu vực Metro Manila lên 645 peso (11 đô la) mỗi ngày, tăng 6% so với mức 610 peso hiện tại và chính sách này có hiệu lực từ ngày 17-7. Mức tối thiểu hàng ngày mới có nghĩa là mức lương hàng tháng là khoảng 241 đô la.
Năm ngoái, chính phủ Philippines đã thực hiện tăng mức lương tối thiểu hàng ngày với tỷ lệ rất thấp để kiềm chế lạm phát. Việc tăng lương mới sẽ chỉ áp dụng cho khu vực Metro Manila, nhằm trấn an người tiêu dùng thủ đô và khu vực xung quanh. Tuy nhiên mức tăng này không có ý nghĩa nhiều do đồng peso trên đà suy yếu.
Với Malaysia, mức lương tối thiểu của quốc gia này khó có thể thay đổi trong năm nay. Malaysia đã thực hiện chính sách lương tối thiểu vào năm 2013 và sau đó đã thực hiện điều chỉnh chi phí sinh hoạt. Năm 2022, mức tối thiểu trên toàn quốc tăng lên 1.500 ringgit (318 đô la) mỗi tháng.
Năm nay, chính phủ nước này đã đưa ra một chương trình lương mới “Chính sách tiền lương lũy tiến” nhằm khuyến khích người sử dụng lao động trong một số lĩnh vực tăng lương, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp. Các yếu tố chính bao gồm tăng trưởng tiền lương, liên kết việc tăng lương với phát triển kỹ năng và năng suất, khung lương theo ngành và các biện pháp tuân thủ nâng cao. Hiện tại, chính sách lương lũy tiến sẽ mang tính tự nguyện, do chủ sử dụng lao động quyết định áp dụng hay không.
Tiền lương thấp là động lực hay trở ngại cho tăng trưởng?
Trong bản tin cuối tháng 6-2024, chi nhánh Việt Nam của hãng luật Dezan Shira & Assocites (Hồng Kông) đã khuyến cáo doanh nghiệp cần chú ý đến mức tương tối thiểu theo luât định. Bởi mức lương mới “sẽ tác động đến nhiều khía cạnh được tính dựa trên mức lương theo luật định, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi bảo hiểm xã hội của người lao đông”.
Akira Miyamoto là tổng giám đốc của Sufex Trading, công ty trung gian có trụ sở tại Việt Nam với dịch vụ giúp các công ty Nhật Bản tìm kiếm mặt bằng khu công nghiệp. Miyamoto bày tỏ rằng “lo ngại về chi phí lao động gia tăng, nhiều công ty đang xem xét mở rộng ra ngoài các khu đô thị lớn”.
Việt Nam quy định mức lương tối thiểu ở 4 vùng, trong đó mức lương ở khu vực đô thị cao hơn 40% so với các khu vực kém phát triển nhất. Nhưng chi phí lao động không phải là thành tố duy nhất tăng giá. “Giá đất tại các khu công nghiệp đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở khu vực xung quanh TPHCM”, Miyamoto nói.
Tuy vậy, các doanh nghiệp địa phương vẫn lo ngại về việc tiếp tục tăng lương. Trong một báo cáo hồi tháng 2-2024, Phòng Thương mại và công nghiệp Philippines cảnh báo rằng mức lương tăng có thể khiến các nhà đầu tư nản lòng.
CEO Sonny Africa thuộc tổ chức phi lợi nhuận IBON Foundation ở Manila nói: “Việc tăng lương trong lịch sử luôn quá nhỏ. Chủ yếu là theo khả năng mà các ông bà chủ sẵn sàng chi trả, chắc chắn mức tăng không phải là những gì mà người lao động cần”.
Poj Aramwattananont, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan nhìn nhận, chính sách tăng lương tối thiểu lên 400 baht mỗi ngày trên toàn quốc là “không thực tế, không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế Thái Lan”. Poj tin rằng, mức tối thiểu mới sẽ khiến Thái Lan mất khả năng cạnh tranh công nghiệp.
Tuy vậy, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin là người cổ vũ tích cực cho việc tăng lương tối thiểu ở các nền kinh tế trong khu vực. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF 2024) tại Davos hồi tháng 1 vừa qua, ông Thavisin nhấn mạnh rằng, Thái Lan cần loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng chi phí lao động thấp để thu hút đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, ông ủng hộ việc tập trung vào năng lượng sạch, trường học quốc tế tốt, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thị trường vốn công bằng, không tham nhũng và tạo thuận lợi cho kinh doanh.
Thủ tướng Thavisin cũng kêu gọi sự hợp tác giữa các nước ASEAN để tăng mức lương tối thiểu, coi chi phí lao động thấp là trở ngại cho sự tăng trưởng của khu vực. Tại Davos, ông Thavisin bày tỏ ý định sẽ thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Campuchia và Malaysia và nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo phải cùng nhau hợp tác để nâng mức lương tối thiểu lên mức hợp lý.
Tuy vậy, “cào bằng” hay tìm một mức lương bình quân hợp lý cho cả ASEAN là chuyện không tưởng. Bởi mức lương tối thiểu ở các nước Đông Nam Á khác nhau đáng kể và năng suất lao động ở mỗi nước ASEAN cũng khác biệt.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết trong năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 12,2% so với Singapore, 63,9% của Thái Lan hay 94,2% của Philippines.
Theo Nikkei Asia, Thailand Business News, Dezan Shira & Associates