Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng tốc để đón đầu dòng vốn xanh đang dần lan tỏa

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngày càng nhiều doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vốn xanh, bằng cách tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn của mình hoặc đưa ra quy chuẩn phù hợp với khung pháp lý. Nhưng để chạm đến vốn xanh, cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm.

Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại nhà xưởng để sản xuất nhằm giảm phát thải của nhiều doanh nghiệp tăng cao, hướng đến sản xuất bền vững, xanh.

Nhu cầu tìm vốn xanh đang tăng lên

Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp tiếp cận đến nguồn vốn được dán nhãn xanh của các ngân hàng. Chẳng hạn như thương vụ tài trợ của HSBC Việt Nam cho Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn. Đây là khoản tín dụng thương mại xanh ngắn hạn, hỗ trợ vốn lưu động cho hoạt động sản xuất thủy sản bền vững.

Hay tập đoàn Đại Dũng (DDC), đơn vị cung cấp dịch vụ tổng thầu và sản phẩm kết cấu thép, mới đây công bố hợp tác toàn diện với ngân hàng BIDV, trong đó có dự án cụ thể là vay vốn xanh tài trợ dự án Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn, là dự án được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn LEED Gold.

Ngoài ra, BIDV sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tài trợ vốn lưu động, vốn trung và dài hạn DDC tham gia với vai trò là chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu, nhà thầu đứng tên liên danh hoặc thành viên trong liên danh.

Thị trường vốn cũng có điểm nhấn mới khi bắt đầu có doanh nghiệp lĩnh vực phi tài chính huy động trái phiếu xanh. Trong tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đa quốc gia I.D.I (lĩnh vực thủy sản) phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỉ đồng được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo.

Lô trái phiếu phát hành dựa trên Khung trái phiếu Xanh của I.D.I, được xác nhận độc lập bởi FiinRatings trên cơ sở tuân thủ Nguyên tắc trái phiếu Xanh của ICMA (tiêu chuẩn “Hướng dẫn trái phiếu bền vững của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế”). Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính, theo FiinRatings, trong khi trước đó vốn là sân chơi của các định chế tài chính.

Trong khi đó, các định chế tài chính cũng tiếp tục tìm nguồn vốn xanh, nổi bật như hồi tháng 9 BIDV là ngân hàng đầu tiên phát hành thành công 3.000 tỉ đồng trái phiếu tự nguyện tuân thủ theo chuẩn ICMA. Năm 2023, ngân hàng này phát hành 2.500 tỉ đồng trái phiếu xanh. Nguồn vốn này sẽ được ngân hàng nói rằng sẽ sử dụng để cho vay các dự án mang lại tác động tích cực cho môi trường và xã hội.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Fiin Ratings, năm 2024 chứng kiến sự sôi động trở lại với tổng giá trị phát hành mới của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đạt gần 6.900 tỉ đồng, chiếm khoảng 2% lượng phát hành mới từ đầu năm. Còn trong giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỉ đô la Mỹ, tương đương gần 27.000 tỉ đồng. Dù vậy, những con số này được đánh giá là còn rất khiêm tốn.

Chia sẻ với KTSG Online tại hội nghị doanh nghiệp niêm yết 2024, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc CGS Việt Nam, Trưởng ban giám khảo Hội đồng bình chọn hạng mục Phát triển bền vững của VLCA (Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết), cho biết lĩnh vực tài chính năm nay có sự thay đổi đột phá.

Trong đó rõ nét là các chương trình tín dụng xanh, tài chính xanh, ghi nhận các tổ chức tín dụng đi đúng theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý theo đúng mục tiêu ESG. “Tỷ lệ tín dụng xanh của các ngân hàng ngày càng tăng, nhiều ngân hàng chú ý tăng dư nợ”, ông Thịnh đánh giá.

Chủ động đón đầu, chờ khung pháp lý

Với doanh nghiệp, không hề dễ dàng để nhận các khoản tài trợ vốn xanh từ các định chế quốc tế, đặc biệt là vượt qua nhiều rào cản về tiêu chuẩn. Các giải pháp xanh đòi hỏi phải có tiền vì công nghệ và phần cứng thường yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Vĩnh Hoàn cho biết một trong những lý do giúp nhận được khoản vay thương mại xanh là nhờ nhiều năm theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo thêm giá trị từ các phụ phẩm. Trong đó, các giấy chứng nhận quốc tế cũng góp phần không nhỏ trong hồ sơ.

Dù vậy, có thể thấy một điểm tích cực hiện nay là mức độ nhận thức của các chủ doanh nghiệp đang được cải thiện đáng kể. Bước đi hiện thực hóa đầu tiên là chủ động chuẩn bị trước bằng cách xây dựng khung tài chính xanh, khung trái phiếu xanh và thực hiện đánh giá độc lập trước phát hành theo tiêu chuẩn quốc tế như của CBI và ICMA.

Chẳng hạn như hồi tháng 6, Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC) công bố đạt chứng nhận Khung Tài chính Xanh đầu tiên tại Việt Nam của tổ chức CBI (Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu). GEC dự kiến phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho hai dự án điện gió ngoài khơi.

Hay Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai ban hành nguyên tắc Trái phiếu Xanh do Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA) công bố. Dự án cấp nước này tiềm năng giảm thất thoát nước và tiết kiệm điện năng, qua đó giảm tác hại đến môi trường và góp phần cung cấp nước sạch một cách bền vững.

Các tổ chức tín dụng cũng đang bước vào đường đua huy động vốn xanh ngày càng nhiều hơn. Chẳng hạn như giữa tháng 11, Vietcombank thông báo ban hành Khung Trái phiếu xanh tuân thủ tự nguyện nguyên tắc Trái phiếu Xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn quốc tế (ICMA Green Bond Principles). “Các khoản tín dụng xanh của Vietcombank góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách nhất mà đất nước đang đối mặt, như khí thải carbon và ô nhiễm”, S&P Global, tổ chức độc lập đưa ra Ý kiến bên thứ hai (Second Party Opinion) đánh giá.

Dù nhu cầu chủ động tìm hiểu và tuân thủ theo chuẩn quốc tế đang đi lên dần, vướng mắc của Việt Nam vẫn là thiếu nhiều quy định pháp lý, điển hình nhất là câu chuyện phân loại các tiêu chí xanh. “Nếu bạn xây dựng một khung pháp lý khí hậu tốt thì các nhà đầu tư và các bên cho vay vốn sẽ đến. Chắc chắn điều đó”, ông Darryl J. Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), từng chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024 do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Theo đánh giá của FiinRatings, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng dự thảo để ban hành khung phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh. Tuy nhiên, các giao dịch trái phiếu xanh được phát hành trong thời gian gần đây có phần khởi sắc hơn nhờ vào khung pháp lý cơ bản bước đầu và đặc biệt là sự tự nguyện của các thành viên trên thị trường.

Ngoài việc các quy định còn sơ khai, còn rất nhiều rào cản khác trên thị trường vốn xanh, từ năng lực đáp ứng vốn của các định chế, ít dự án tiềm năng cũng như tâm lý nghi ngờ các dự án khí hậu vốn được coi là rất rủi ro. Hoạt động báo cáo, đo lường cũng như định giá, liên quan đến nguồn nhân lực cũng là một điểm đáng chú ý.

Áp lực với các nhà băng hiện nay đến từ hai hướng. Một là phải tìm cách huy động nguồn vốn xanh phù hợp (vì vốn xanh thường không rẻ), và hai là phải cân đối đầu ra. Nhiều ngân hàng huy động từ thị trường quốc tế rồi rót ngược trở lại các dự án nội địa, nhưng thách thức sẽ là việc tìm các dự án đủ chuẩn để tài trợ “Chúng tôi đang cần dự án xanh để sử dụng nguồn vốn xanh của BIDV”, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ tại buổi lễ ký kết với DDC.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới