Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng của Trung Quốc gây thất vọng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Khủng hoảng bất động sản dai dẳng và tiêu dùng nội địa yếu ớt khiến tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí 2 chậm lại đáng kể.

Vì vậy, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào những cải cách chính sách kinh tế dự kiến được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vừa khai mạc sáng hôm nay (15-7).

Những ngôi nhà chưa hoàn thiện tại một dự án bất động sản ở ngoại ô của thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Khủng hoảng bất động sản dai dẳng và nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ớt khiến tăng trưởng của Trung Quốc không đạt kỳ vọng trong quí 2 Ảnh: Getty

Tăng trưởng chậm lại rõ rệt

Dữ liệu công bố hôm 15-7 của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng hàng năm 4,7% trong quí 2. Mức tăng trrưởng này thấp hơn mức 5,1% theo dự báo của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Reuters và chậm lại đáng kể so với mức 5,3% trong quí 1.

Trung Quốc vẫn đang vật lộn với nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ớt và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ 5,3% trong tháng 6 nhưng doanh số bán lẻ chỉ tăng 2%, thấp hơn nhiều so với dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tăng 0,2% trong tháng trước, cũng yếu hơn dự báo.

Trong cùng tháng, giá nhà mới giảm hàng năm 4,5%. Số lượng nhà xây dựng mới Trung Quốc và đầu tư bất động sản lần lượt giảm 23,7% và 10,1% trong nửa đầu năm.

NBS không tổ chức họp báo như thường lệ và chỉ ra thông báo giải thích, sự tăng trưởng chậm lại trong quí 2 do các yếu tố ngắn hạn như thời tiết khắc nghiệt gồm mưa lớn và lũ lụt. Thông báo cho biết, dữ liệu mới nhất phản ánh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Các vấn đề về nhu cầu trong nước yếu lưu thông hàng hóa nội địa tắc nghẽn vẫn còn tồn tại. NBS kêu gọi củng cố động lực phục hồi và tăng trưởng để đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế.

Dữ liệu tín dụng mới nhất của Trung Quốc công bố cuối tuần trước cho thấy, sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng của nguồn cung tiền và các khoản vay bằng nhân dân tệ mới trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), các khoản vay hộ gia đình tăng 1,46 nghìn tỉ nhân dân tệ (200 tỉ đô la Mỹ) trong nửa đầu năm. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái.

Các khoản cho vay doanh nghiệp tăng 11 nghìn tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, thấp hơn một chút so với mức 12,81 nghìn tỉ nhân dân tệ được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc mang lại một số hỗ trợ cho tăng trưởng, căng thẳng thương mại gia tăng với bên ngoài hiện là mối đe dọa.

Dữ liệu công bố trong tháng này cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 8,6% so với một năm trước và nhập khẩu bất ngờ giảm 2,3%. Điều này cho thấy, các nhà sản xuất Trung Quốc đang vận chuyển sớm nhiều đơn hàng để né thuế quan sắp tới từ các đối tác thương mại.

Trong quí 2, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 4,7%, thấp hơn dự báo và chậm lại đáng kể so với mức tăng 5,3% trong quí 1. Ảnh: Reuters

Sẽ có thay đổi lớn về chính sách kinh tế?

Dữ liệu mới được công bố cùng ngày khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 (Hội nghị Trung ương 3 khóa XX).

Hội nghị kéo dài 4 ngày này là sự kiện quan trọng để giới lãnh đạo Trung Quốc vạch ra hướng đi chính sách kinh tế.Trọng tâm của hội nghị ​​sẽ là quyết định chiến lược tốt nhất để đối phó với những thách thức kinh tế mà đất nước đang đối mặt.

Hội nghị cũng có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về lộ trình để đất nước đạt được một loạt mục tiêu công nghiệp và công nghệ vào năm 2035, cũng như mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ vào năm 2049.

Truyền thông nhà nước cho biết, Hội nghị Trung ương 3 sẽ thông qua một văn kiện đặt ra kế hoạch “cải cảch sâu sắc” và thúc đẩy “hiện đại hóa theo màu sắc Trung Quốc”.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, cho rằng, thách thức chính mà Bắc Kinh đang đối mặt là tìm ra một hệ thống tài khóa thay thế. Hệ thống hiện tại phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, vốn đang chịu áp lực nặng nề do thị trường đất đai lao dốc.

Ông dự báo, Hội nghị Trung ương 3 sẽ tập trung vào cải cách tài khóa và các chính sách mang tính cấu trúc khác. Các chính sách mang tính chu kỳ, có thể bao gồm liên quan đến các linh vực bất động sản, sẽ thảo luận tại các cuộc họp khác như cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, dự kiến ​​diễn ra vào cuối tháng Bảy.

“Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng có khả năng khẳng định lại cam kết đối với đổi mới, liên quan đến lực lượng sản xuất mới”, Larry Hu nói khi đề cập đến nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ sản xuất tiên tiến và công nghệ cao.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ khác dành cho thị trường bất động sản sau cuộc họp của Bộ Chính trị ​​ vào cuối tháng này.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024. Nhiều nhà phân tích nhân định, mục tiêu tham vọng này đòi hỏi Bắc Kinh triển khai thêm các biện pháp kích thích.

Xiaojia Zhi, nhà kinh tế của Credit Agricole, cho rằng với dữ liệu kinh tế quí 2 gây thất vọng, Bắc Kinh sẽ cần cân nhắc những hỗ trợ chính sách lớn hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5%.

Theo ông, khả năng ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 ngày càng tăng. Vị cựu tổng thống Mỹ, người đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước đây, cam kết sẽ áp thuế 60% hoặc hơn đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông điều hành Nhà Trắng một lần nữa.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ cần những nỗ lực chính sách bổ sung để thúc đẩy nhu cầu trong nước kịp thời trước khi rủi ro suy giảm nhu cầu bên ngoài xuất hiện.

Để bù đắp cho nhu cầu nội địa yếu và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư hạ tầng và bơm vốn ồ ạt vào các ngành sản xuất công nghệ cao. Nhưng chiến lược lược thúc đẩy sản xuất và các ngành công nghệ cao đang đối mặt rủi ro khi hàng loạt đối tác của Trung Quốc dựng các rào cản thương mại mới để hạn chế dòng chảy hàng giá rẻ của nước này.

 Theo Reuters, Bloomberg, CNN, SCMP

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới