Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng GDP cả năm được dự báo giảm vì ảnh hưởng từ bão số 3 

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ước tính GDP cả năm của Việt Nam có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng có thể đạt 6,8-7% trước bão, trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Khung cảnh nhà xưởng đổ nát của một công ty sau bão số 3 (bão Yagi). Ảnh: TL.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 diễn ra sáng 15-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do bão số 3, theo TTXVN.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quí 3-2024 của cả nước có thể giảm 0,35%, quí 4-2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước tính GDP cả năm có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng có thể đạt 6,8-7% trước bão; trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm trên 0,5%. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.

Về nông nghiệp, các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Đặc biệt khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.

Đối với ngành công nghiệp không khói cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9-2024 đến tháng 4-2025) và cũng có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng là khoảng 80 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ khoảng 23.100 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới