Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng GDP năm 2022 nhờ… chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Con số tăng trưởng GDP năm 2022 nói lên điều gì?

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quí 4-2022 và cả năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy ước tính GDP (tổng sản phẩm trong nước) năm 2022 tăng 8,02% (quí 1 tăng 5,05%; quí 2 tăng 7,83%; quí 3 tăng 13,71%; quí 4 tăng 5,92%) so với cùng kỳ năm trước phần nào do nền kinh tế phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19. Mức tăng trưởng này là cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong năm 2022, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng hẳn nhiều người cảm thấy mừng rỡ với tình hình kinh tế đất nước. Song, cũng không khỏi băn khoăn khi trực quan cho thấy người dân và doanh nghiệp quanh mình rất khó khăn.

Nhiều người dân cảm thấy mức sống của mình không cải thiện tương ứng, thậm chí đi xuống. Nhiều doanh nghiệp chưa giải thể, phần vì thủ tục giải thể doanh nghiệp khá rườm rà, phần thì cố gắng cầm cự với hy vọng... ngày mai trời lại sáng.

Vậy con số tăng trưởng GDP năm 2022 nói lên điều gì? Bài viết này cố gắng lý giải vấn đề này.

Nhìn từ phía cung, tăng trưởng GDP quí 4 và cả năm 2022 (5,92% và 8,02%) cơ bản dựa vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ (9,99%). Trong ba khu vực kinh tế (nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ), chỉ khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế (9,99% so với 3,36% của khu vực nông - lâm - thủy sản và 7,78% của khu vực công nghiệp - xây dựng). Nhóm ngành dịch vụ tăng cao là do năm 2021 tăng trưởng của nó so với năm 2020 chỉ là 1,6%.

Nhìn từ phía sử dụng (phía cầu), báo cáo tình hình kinh tế - xã hội nói trên cho thấy trong năm 2022 tiêu dùng cuối cùng tăng 7,18% so với năm 2021; tích lũy tài sản tăng 5,75%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,86%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,16%. Tiêu dùng cuối cùng, tích lũy gộp tài sản đều có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế.

Như vậy, tăng trưởng GDP (8,02%) nhìn từ phía cầu phụ thuộc vào chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Điều này có thể gây thắc mắc nhưng nếu để ý có thể thấy năm 2022 mức nhập siêu hàng hóa và dịch vụ (theo giá so sánh năm 2010) thấp hơn mức nhập siêu hàng hóa và dịch vụ của năm 2021 khá nhiều (khoảng 3 lần).

Nếu năm 2021 mức nhập siêu hàng hóa và dịch vụ (theo giá so sánh năm 2010) khoảng 186.000 tỉ đồng, thì năm 2022 mức nhập siêu hàng hóa và dịch vụ chỉ là 48.000 tỉ đồng.

Tăng trưởng GDP cơ bản do chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ và xa hơn nữa chính là do chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu để ý sâu hơn nữa khi nhìn vào giá hiện hành thì tình hình lại ngược lại, cả năm 2021 và 2022 đều xuất siêu.

Tình hình đảo chiều giữa hai loại giá (giá hiện hành và giá so sánh) của chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chính là do yếu tố giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Năm 2021 chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khá nhiều (2,32% so với 7,52%). Tuy nhiên năm 2022 chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lại tiến lại gần nhau, thậm chí chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ còn cao hơn chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (7,98% so với 7,48%).

Đáng chú ý là chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quí 4-2022 đột ngột giảm khá mạnh so với các quí trước (5,15% và 4,12%); quí 1 chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tương ứng là 7,42% và 10,48%; quí 2 là 9,6% và 8,6%; quí 3 là 0,86% và 7,1%.

Như vậy, phần nào tăng trưởng GDP cơ bản do chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ và xa hơn nữa chính là do chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng hẳn nhiều người cảm thấy mừng rỡ với tình hình kinh tế đất nước. Song, cũng không khỏi băn khoăn khi trực quan cho thấy người dân và doanh nghiệp quanh mình rất khó khăn.

Lưu ý rằng xuất khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2021 chiếm tỷ trọng khoảng 73% và năm 2022 ước khoảng 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Điều này dẫn đến tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của khu vực FDI khiến luồng tiền chi trả sở hữu thuần năm 2021 khoảng trên 19 tỉ đô la Mỹ và năm 2022 ước tính khoảng 23 tỉ đô la Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng của chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài theo giá hiện hành năm 2022 so với năm 2010 cao hơn tăng trưởng GDP và GNI (tổng thu nhập quốc gia) theo giá hiện hành khá nhiều (5,11 lần so với 3,47 và 3,03 lần - bảng dưới).

Như vậy, qua số liệu của cơ quan thống kê, có thể thấy phần nào thực trạng của nền kinh tế. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng theo kiểu hiện nay thì hầu như người dân Việt Nam thực chất không được lợi nhiều mà cơ bản các doanh nghiệp FDI được hưởng lợi. Nếu chỉ nhìn vào con số rất tổng quát là tăng trưởng GDP thì không đủ để đánh giá nền kinh tế.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mình hy vọng quý báo có nhiều những bài phân tích như vậy để chúng ta nhìn vào và cùng tìm các giải pháp. Đừng tô hồng thành tích mà bản chất thì lại không hồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới