Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng quí 2 – lực kéo quan trọng nào đang trở lại?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng trưởng kinh tế quí 2-2024 chứng kiến sự khởi sắc đầy bất ngờ. Đâu là động lực chính kéo tăng trưởng và những yếu tố nào đang thúc đẩy sự phục hồi tích cực này?

Khu vực ngoài nhà nước, với dấu hiệu đang phục hồi mạnh mẽ trở lại. Ảnh: LÊ VŨ

Động lực tăng trưởng quí 2?

Sau khi tăng 5,66% trong quí 1-2024, GDP quí 2-2024 đã tăng tích cực hơn, đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm 2024 lên 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Đây là một kết quả khá bất ngờ, khi nhìn vào những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt trong thời gian qua.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là một động lực quan trọng, khi trong tổng mức tăng 6,8% của tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong sáu tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ, riêng nhóm doanh nghiệp FDI tăng 10,3% và tiếp tục nâng tỷ trọng lên 17,9%. Đây là hệ quả tất yếu khi dòng vốn FDI thực hiện trong sáu tháng đầu năm nay đạt 10,84 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất kỳ sáu tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay.

Bên cạnh những giải pháp mở rộng tài khóa, như mới đây Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì trong suốt thời gian qua cũng phần nào hóa giải bớt khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn ở khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, bất ngờ nhất có lẽ phải nói đến động lực từ khu vực ngoài nhà nước, với dấu hiệu đang phục hồi mạnh mẽ trở lại. Nếu như trong quí 1, dòng vốn từ nhóm này chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn cả mức tăng 4,9% của khu vực nhà nước, thì trong quí 2 vừa qua đã ghi nhận mức tăng 7,9%, giúp lũy kế sáu tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Xu hướng tăng trưởng tích cực hơn ở dòng vốn khu vực tư nhân còn thể hiện qua biến động số lượng doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu như đến hết quí 1, chênh lệch giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là âm 14.000 doanh nghiệp, thì đến hết quí 2 bức tranh đã đổi màu khi mức chênh lệch này đã dương trở lại 9.300 doanh nghiệp, đồng nghĩa riêng quí 2 vừa qua số doanh nghiệp bước vào thị trường nhiều hơn số rút lui lên tới 23.300 doanh nghiệp.

Ngược lại, dòng vốn khu vực nhà nước tiếp tục tăng khiêm tốn 4,4% trong quí 2 vừa qua, lũy kế sáu tháng đầu năm chỉ tăng 4,8%, trong đó vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ mới đạt 33,8% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể mức tăng 22,5% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là vốn trung ương giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy dòng vốn từ khu vực công dường như vẫn đang bị tắc nghẽn bất chấp định hướng mở rộng chính sách tài khóa và nhiều lời kêu gọi đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong suốt thời gian qua.

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quí 2-2024 cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước lại lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quí 3-2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quí 2-2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%. Điều này dường như cho thấy đang có những cơ chế, chính sách ràng buộc dòng vốn từ khu vực công, cũng như tâm lý e ngại ở một số lĩnh vực.

Yếu tố nào thúc đẩy?

Sự trở lại mạnh mẽ hơn của dòng vốn ở khu vực tư nhân đang phản ánh những kỳ vọng tích cực hơn về nền kinh tế trong giai đoạn kế tiếp. Có nhiều tín hiệu cho thấy điều này, như chỉ số sản xuất công nghiệp càng về giai đoạn sau càng khởi sắc hơn, khi quí 1 chỉ tăng 6,47%, bước sang quí 2 tăng 8,55%, nâng lũy kế sáu tháng đầu năm tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sáu tháng đầu năm nay tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%); hay tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân cũng giảm từ mức 83,1% trong sáu tháng đầu năm 2023 xuống còn 76,9% trong sáu tháng đầu năm 2024.

Lãi suất thấp cũng góp phần kích thích tiêu dùng ở các hộ gia đình, giúp sức cầu trong nền kinh tế được cải thiện. Ảnh  minh hoạ: VD

Đáng lưu ý, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã duy trì ba tháng liên tiếp trên ngưỡng 50 trong quí 2 vừa qua, cho thấy các điều kiện sản xuất kinh doanh tiếp tục được mở rộng. Đặc biệt, chỉ số này trong tháng 6 tăng mạnh lên 54,7 điểm từ mức 50,3 điểm của tháng 5, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất từng được ghi nhận.

Hoạt động thương mại khởi sắc cùng với đơn hàng xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn, bất chấp những rủi ro địa chính trị gần đây. Dữ liệu cán cân thương mại hàng hóa cho thấy thặng dư kỷ lục trở lại ở mức 2,94 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6 vừa qua, sau khi ghi nhận mức thâm hụt 0,46 tỉ đô la Mỹ trong tháng 5. Diễn biến này giúp sáu tháng đầu năm nay chứng kiến xuất siêu hàng hóa lên tới 11,63 tỉ đô la Mỹ.

Bên cạnh những giải pháp mở rộng tài khóa, như mới đây Quốc hội quyết định tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì trong suốt thời gian qua cũng phần nào hóa giải bớt khó khăn cho doanh nghiệp và kích thích hoạt động đầu tư mạnh mẽ hơn ở khu vực tư nhân.

Đầu tiên phải kể đến mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong hơn một năm qua và hiện đang duy trì ở mức thấp trong nhiều năm, rõ ràng đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính, từ đó có động lực mở rộng các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Lãi suất thấp cũng góp phần kích thích tiêu dùng ở các hộ gia đình, giúp sức cầu trong nền kinh tế được cải thiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và triển vọng tích cực hơn cho sản phẩm đầu ra.

Đây là chính sách thật sự quan trọng và cần thiết, nhất là khi thị trường lao động vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, thu nhập giảm sút đã phần nào ảnh hưởng lên động lực chi tiêu.

Số liệu doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm nay nếu loại trừ yếu tố giá dù tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 8,8% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các khu vực có sự phân hóa lớn, khi các dịch vụ lữ hành và lưu trú, ăn uống tăng mạnh mẽ, nhưng hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ khác phục hồi chậm hơn.

Lãi suất thấp cũng giúp các hoạt động đầu tư cá nhân mạnh mẽ hơn, thể hiện qua thị trường chứng khoán diễn biến khá tốt trong nửa đầu năm nay. Trong kho đó thị trường bất động sản đang cho tín hiệu khởi sắc trở lại.

Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp nói chung có điều kiện tiếp cận trở lại các kênh huy động vốn, trong khi nhóm doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng có thể kỳ vọng việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra sẽ sớm bình thường trở lại, giúp lành mạnh hóa dòng tiền. Điều này góp phần giúp các doanh nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng, mà dường như vẫn đang bị kiểm soát chặt chẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới