Thứ Bảy, 24/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng tín dụng cao trước thời điểm hỗ trợ lãi suất

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Xu hướng tăng trưởng tín dụng cao ngay khi chương trình hỗ trợ lãi suất còn chưa được triển khai, trong đó một số ngân hàng đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng của cả năm, buộc các ngân hàng này phải đề xuất được nới room tín dụng, nhất là khi các ngân hàng lớn với thị phần cho vay vượt trội có cơ hội được cấp hạn mức dư nợ hỗ trợ lãi suất cao hơn.

Thời điểm phù hợp?

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% diễn ra vào sáng 27-5-2022, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20-5-2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỉ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Như vậy, chỉ chưa đến năm tháng đầu năm nay, đã có xấp xỉ 800.000 tỉ đồng dư nợ được bơm ra nền kinh tế, đánh dấu tốc độ tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Diễn biến tích cực này thể hiện nhu cầu vay vốn đang tăng mạnh song hành với xu hướng phục hồi trở lại của nền kinh tế sau hai năm lao đao bởi đại dịch Covid-19. Số liệu của Tổng cục Thống kê mới đây cũng cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 tiếp tục tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ở hoạt động của doanh nghiệp, lũy kế năm tháng có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm tháng đầu năm nay, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Xu hướng tăng trưởng tín dụng cao ngay khi chương trình hỗ trợ lãi suất còn chưa được triển khai cũng mang nhiều hàm ý. Ngoài các yếu tố như kinh tế phục hồi kích thích nhu cầu vay vốn, lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành vẫn có sự tăng trưởng, hoạt động tái cơ cấu nợ tăng tốc khi sắp đến hạn chót thực hiện, một trong những động lực thúc đẩy tín dụng tăng cao thời gian gần đây có thể còn đến từ việc các doanh nghiệp tích cực vay các khoản nợ mới để hoàn trả các khoản nợ cũ, bao gồm lãi đã được tái cơ cấu hoặc bị quá hạn, để đảm bảo khả năng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh hơn, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn để có đủ nguồn lực phục vụ cho chương trình hỗ trợ lãi suất đang bắt đầu triển khai. Điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, vốn đã có xu hướng tăng trở lại khi chịu không ít lực đẩy trong những tháng gần đây.

Cụ thể, theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ NHNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 20-5-2022, tại điều 4, khoản 3 về điều kiện được hỗ trợ lãi suất có nêu rõ “Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả; khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ”.

Trong khi đó, theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4-2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695.000 tỉ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỉ đồng của gần 680.000 khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỉ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18.000 tỉ đồng của hơn 166.000 khách hàng.

Nới thêm chỉ tiêu tín dụng có gây áp lực lên lãi suất?

Với tín dụng đã tăng mạnh ngay từ đầu năm, trong đó một số ngân hàng đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng của cả năm, nay có thêm chương trình hỗ trợ lãi suất chắc chắn sẽ kích thích khách hàng tìm cách để tiếp cận vay vốn, khả năng tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm nay sẽ vượt mục tiêu 14% đã đề ra, khi mà các ngân hàng cũng sẽ cần được nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới có thể triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất.

Thực tế trong buổi hội nghị trực tuyến nói trên, một loạt ngân hàng đã xin được nới room tín dụng để triển khai hỗ trợ lãi suất 2%. Như tại Vietcombank, đại diện ngân hàng ước tính với quy mô dư nợ đến thời điểm hiện tại (tháng 5-2022) ở mức trên 1 triệu tỉ đồng, số đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất chiếm xấp xỉ 30% dư nợ, với khoảng hơn 30.000 khách hàng, trong khi đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 9%.

Lãnh đạo BIDV cũng cho rằng room tín dụng 10% dành cho ngân hàng này là không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đang tăng mạnh trở lại cũng như để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi mà qua rà soát sơ bộ, ngân hàng thống kê thấy có khoảng 10.000 khách hàng ban đầu đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm tới.

Tương tự, dư nợ gói hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện tại VietinBank ước tính chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng này, trong khi chỉ trong quí 1 năm nay thì tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 9,1%.

Ngoài ra, lãnh đạo các ngân hàng Agribank và MBBank cũng đề nghị NHNN hỗ trợ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để thực hiện tốt hơn chương trình hỗ trợ lãi suất này.

Theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, cũng có hiệu lực từ ngày 20-5-2022, về việc Hướng dẫn ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, tại điều 4 về xác định, thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng NHTM có nêu rõ “Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của các NHTM trong hai năm 2022 và 2023 lớn hơn 40.000 tỉ đồng, hạn mức xác định sẽ bằng tích số giữa 40.000 tỉ đồng và tỷ trọng dư nợ cho vay đến 31-12-2021 của từng NHTM trên tổng dư nợ cho vay của các NHTM có đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, nhưng không vượt quá số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký kế hoạch của từng NHTM”.

Ngoài ra, đến quí 3-2023, căn cứ báo cáo của các NHTM, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức hỗ trợ lãi suất giữa các ngân hàng theo nguyên tắc chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sử dụng hết hạn mức sang ngân hàng có nhu cầu bổ sung hạn mức hỗ trợ lãi suất (nếu có). Trong báo cáo phát hành mới đây, Công ty chứng khoán Agriseco đánh giá nhóm ngân hàng quốc doanh có thể sẽ được ưu tiên hơn khi đã tích cực đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong thời gian dịch vừa qua.

Thực tế với thị phần cho vay vượt trội của nhóm Big 4 là bốn NHTM gốc quốc doanh, cũng như các NHTM tư nhân hàng đầu như MBBank, các ngân hàng này sẽ được cấp hạn mức hỗ trợ lãi suất lớn nhất là tất yếu, nên dễ hiểu vì sao các ngân hàng này mong muốn sớm được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đến như vậy.

Phản hồi những đề xuất này, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã tính tới trường hợp nới room tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong năm tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Rõ ràng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh hơn, các ngân hàng sẽ phải tăng cường huy động vốn để có đủ nguồn lực phục vụ cho chương trình hỗ trợ lãi suất đang bắt đầu triển khai. Điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, vốn đã có xu hướng tăng trở lại khi chịu không ít lực đẩy trong những tháng gần đây, từ xu hướng giá cả hàng hóa gia tăng khắp toàn cầu, lạm phát kỳ vọng, cho đến tình hình thanh khoản của các ngân hàng cũng đã không còn dồi dào như trước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới