Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tăng trưởng tín dụng cuối năm 2024: Tăng tốc cần đi kèm kiểm soát rủi ro

Phạm Tâm Long

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm tới nay đã ghi nhận đà phục hồi khi nhu cầu vay vốn tăng tại nhiều nhóm ngành, song đi kèm là nợ xấu tăng theo và nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều thách thức từ bất ổn địa chính trị thế giới. Dòng vốn tín dụng trước nay luôn đóng vai trò trọng yếu trong việc dẫn dắt vốn, nên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là vấn đề then chốt để phát triển kinh tế. Song, với đặc thù là nền kinh tế có quy mô nhỏ, độ mở lớn, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần đi kèm với kiểm soát rủi ro chặt chẽ, tránh nhiều hệ lụy.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến hết ngày 11-10-2024 đạt 8,78% so với thời điểm cuối năm 2023. Ảnh: LÊ VŨ

Tính đến hết ngày 11-10-2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,78% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng nhẹ so với mức tăng 8,53% tại thời điểm cuối quí 3-2024. Nhìn chung, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng tốc từ nửa cuối quí 2 đến nay, sau khởi đầu chậm chạp trong khoảng năm tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối quí 3 năm nay cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2023 và năm 2021 (lần lượt tăng 5,73% và 7,17%); nhưng thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2022 (gắn liền với những đứt gãy thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp).

Tuy mức tăng trưởng tín dụng có cải thiện đáng kể trong quí 2 và quí 3, song vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra là 15% trong năm 2024. Tín dụng ghi nhận tăng trưởng không đồng đều giữa các tổ chức tín dụng (TCTD). Một số TCTD trong quí 3 đã sử dụng hết room tín dụng được NHNN phân bổ cả năm, trong khi một số TCTD ghi nhận tín dụng tăng chậm, thậm chí tăng trưởng âm tại nhiều thời điểm.

Đáng chú ý, tín dụng tăng trưởng đi kèm nợ xấu gia tăng. Nợ xấu có xu hướng duy trì đà tăng trong quí 2 và quí 3 năm nay, kéo tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng sụt giảm. Theo khảo sát của NHNN, các TCTD cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quí 3-2024 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” so với quí 2-2024 và dự báo tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2024 ở mức 4,66% - cao hơn tỷ lệ nợ xấu thời điểm cuối năm 2023 (4,55%). Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu tại đơn vị của mình thấp nhất, ở mức 1,55% đến cuối năm 2024. Trong khi, nhóm công ty tài chính có kỳ vọng nợ xấu tại đơn vị của mình cao nhất, ở mức 9,71% đến cuối năm 2024. Điều này cũng phản ánh chất lượng tín dụng tại từng nhóm TCTD, đi kèm rủi ro hoạt động tại một số nhóm ngành trong nền kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét các ngành có quy mô dư nợ tương đối lớn, song đang tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu, bao gồm: bất động sản và cho vay tiêu dùng.

Thứ nhất, về dư nợ bất động sản: Tỷ trọng dư nợ bất động sản trong tổng dư nợ của nền kinh tế có xu hướng mở rộng từ cùng kỳ năm 2019 đến nay (từ 18,93% lên 21,46%), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng có xu hướng giảm rõ rệt từ năm 2023 đến nay. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện dần qua các tháng của năm 2024 nhưng tốc độ tăng vẫn ở mức thấp và tỷ trọng không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến tháng 5-2024 đạt hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 4,61% so với cuối năm trước và tăng 12,82% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 21,51% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, cho thấy bất động sản là kênh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dư nợ tín dụng.

Khối lượng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng cao, nên tiếp tục cảnh báo rủi ro cao. Khối lượng nợ xấu khu vực bất động sản đến hết tháng 5-2024 tăng lên hơn 106.000 tỉ đồng, tức tăng 43,84% so với cuối năm 2023, tăng 49,73% so với cùng kỳ; đưa tỷ lệ nợ xấu bất động sản lên mức 3,51%, tức tăng 0,58% so với cuối năm 2023, tăng 0,87% so với cùng kỳ. Kết thúc quí 2-2024, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này ước tăng lên mức 3,8%, tức tăng 1,25% so với cuối năm, tăng 1,31% so với cùng kỳ và tăng 0,67% so với quí trước. Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và của lĩnh vực bất động sản tác động xấu đến khả năng trả nợ chung của doanh nghiệp và người dân.

Các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4,8% trong quí 4-2024 và tăng 13,2% trong cả năm 2024, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm của NHNN. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quí 4-2024 thấp nhất (bốn ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 45,76% dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến hết quí 2-2024).

Rủi ro thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp lan truyền chéo, ảnh hưởng dây chuyền đến chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng. Theo Báo cáo Thị trường trái phiếu Việt Nam của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thì ngành bất động sản đứng thứ 2 (sau ngành ngân hàng) về khối lượng trái phiếu phát hành trong quí 2-2024 với giá trị 16.900 tỉ đồng, chiếm 19% tổng giá trị phát hành, tăng 164% so với cùng kỳ và là nhóm ngành duy nhất có lãi suất phát hành bình quân đi lên so với quí 1-2024.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm nay là 139.765 tỉ đồng; trong đó 58.782 tỉ đồng là trái phiếu bất động sản, tương đương 42%; 22.498 tỉ đồng là trái phiếu ngân hàng, tương đương 16%. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc mới trong quí 2-2024 ở mức 11.362 tỉ đồng, tăng nhẹ so với quí 1-2024. Phần lớn trái phiếu chậm trả lũy kế từ tháng 11-2022 đến nay là trái phiếu bất động sản, chiếm 63% tổng giá trị chậm trả, tiềm ẩn rủi ro cao.

Thứ hai, về dư nợ cho vay tiêu dùng: Tỷ lệ nợ xấu tiêu dùng quí 2-2024 tiếp tục tăng so với quí trước về khối lượng và cả tỷ trọng trong tổng dư nợ tiêu dùng. Đến hết quí 2-2024, dư nợ tín dụng tiêu dùng ước đạt 127.514 tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với cuối năm 2023, tăng hơn 47% so với cùng kỳ và tăng hơn 13% so với quí trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục đà tăng từ 3,96% trong quí 1-2024 lên 4,27% trong quí 2-2024 (quí 2-2023: 3,23%; quí 4-2023: 3,58%). Điều này cho thấy khả năng trả nợ của khu vực hộ gia đình đã có sự suy giảm rõ rệt so với cuối năm trước và chưa có tín hiệu hồi phục.

Thách thức cho tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm 2024

Tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2024 gặp không ít thách thức như sau:

Thứ nhất, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Căng thẳng địa chính trị thế giới ngày càng leo thang trong thời gian vừa qua, bao gồm: chiến tranh/xung đột vũ trang tại nhiều điểm nóng như Trung Đông, Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên hay vấn đề Trung Quốc với Đài Loan. Nhìn chung bất ổn địa chính trị có thể gây ra các cú sốc về cung, làm gián đoạn và ảnh hưởng tới hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Tác động có thể lan tỏa sang thu nhập doanh nghiệp/cá nhân, do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế có độ phụ thuộc tương đối vào tình hình xuất nhập khẩu. Sự thay đổi trong cơ cấu xuất nhập khẩu dưới tác động từ địa chính trị thế giới có thể làm suy giảm thu nhập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và thu nhập của công nhân.

Thứ hai, nền tảng vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro. Căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng ảnh hưởng tới các cân đối lớn về vĩ mô. Việc gián đoạn nguồn cung vì ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt do chiến tranh có thể khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng, làm gia tăng nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam. Trong khi đó, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có thể chịu nhiều áp lực tăng trong thời gian tới, dẫn tới việc điều hành lãi suất của NHNN gặp nhiều thách thức, trong bối cảnh cần duy trì nền lãi suất thương mại ở mức thấp để kích thích cầu tiền và tăng trưởng tín dụng/tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba là thách thức về tăng trưởng tín dụng đi kèm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu. Như đánh giá kể trên, tỷ lệ nợ xấu tăng theo đà tăng của dư nợ tín dụng. Điều này tiềm tàng nhiều hệ lụy liên quan tới hoạt động ngành ngân hàng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Theo khảo sát của NHNN, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4,8% trong quí 4-2024 và tăng 13,2% trong cả năm 2024, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm của NHNN. Các TCTD kỳ vọng khả năng nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi, xuất nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện, thị trường bất động sản có những tín hiệu tích cực hơn. Đáng chú ý, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quí 4-2024 thấp nhất (bốn ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 45,76% dư nợ tín dụng toàn ngành tính đến hết quí 2-2024).

Kỳ vọng giải ngân đầu tư vào một số dự án lớn của quốc gia như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam và một số dự án giao thông trọng điểm trong những tháng cuối năm tích cực hơn, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, hấp dẫn dòng vốn đầu tư/vốn tín dụng trong toàn xã hội.

Thị trường bất động sản ấm dần, đặc biệt phân khúc nhà ở khu vực nội thành/cận nội thành sẽ làm gia tăng nhu cầu vay vốn tài trợ bất động sản.

Trước nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng và nhiều rủi ro đến từ thị trường tài chính quốc tế, việc điều hành vĩ mô và tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm gặp nhiều thách thức. Tỷ giá thời gian gần đây có biến động bất ổn, liên tục tăng, thậm chí tăng gần kịch trần, đã khiến NHNN gặp không ít thách thức trong công tác điều hành lãi suất. Cụ thể, NHNN đã phải phát hành tín phiếu để kéo lãi suất tiền đồng tăng, giảm áp lực phần nào cho tỷ giá. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn trên thị trường 1 (giữa TCTD và dân cư, tổ chức) nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng là áp lực đẩy lãi suất huy động, cũng như lãi suất cho vay tăng. Việc bình ổn tỷ giá và lãi suất vẫn là then chốt trong công tác thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đòi hỏi nhà điều hành cần linh động trong công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, NHNN cần thúc đẩy các gói tín dụng hỗ trợ người dân (gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, gói tín dụng hỗ trợ nông, lâm, thủy sản 30.000 tỉ đồng…). Đề xuất Chính phủ đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các nhóm ngành, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập người dân. Song song với việc kích thích cầu tiền/nhu cầu sử dụng tín dụng, cần đi kèm kiểm soát chất lượng tín dụng, định hướng dòng vốn vào các khu vực được Chính phủ ưu tiên, hạn chế rủi ro tập trung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới