Thứ Hai, 15/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tạp chí: thú vui và lợi ích

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đọc tạp chí là một trong những thú vui mà tôi có được sau khi chính thức trở thành sinh viên năm thứ nhất ngành văn chương Pháp Đại học Tổng hợp TPHCM cách đây 38 năm.

Khi đó, trong không gian ấm cúng của thư viện Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf) nhìn ra đường Đồn Đất (nay là Thái Văn Lung), cậu thanh niên 17 tuổi lần đầu tiên trong đời cầm trên tay những quyển tạp chí tiếng Pháp như Paris Match, Elle, Marie Clairre, tận hưởng cái mùi vị khó tả từ những trang giấy và ngắm nhìn những hình ảnh tuyệt vời về đất nước, con người của nước Pháp và bắt đầu ấp ủ với giấc mơ đơn giản là được chạm tay vào tháp Eiffel và nói chuyện lưu loát với dân Paris bằng tiếng Pháp.

Với tôi, tạp chí là cách thư giãn hiệu quả trong lúc giải lao sau khi đọc những tài liệu khô khan hay thực hiện xong các hoạt động học tập đề ra theo thời gian biểu.

Khi ra trường làm việc cho phòng đối ngoại của một ngân hàng thương mại thì tôi quan tâm nhiều đến các tạp chí kinh doanh. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến tôi trở thành cộng tác viên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) với mong muốn ban đầu chỉ là học hỏi và đóng góp. Nhất cận lân, nhì cận thân, tôi vẫn nhớ từ trụ sở Vietcombank ở 29 Bến Chương Dương đi bộ sang tòa soạn TBKTSG 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa mất không quá mười phút. Thỉnh thoảng viết xong một bài nào là tôi bỏ vào phong bì rồi trực tiếp cầm tay đưa sang.

Thời gian đầu cộng tác tôi không nghĩ TBKTSG là tạp chí – có lẽ do cái tên “Thời báo” và chỉ khi ấn bản tiếng Anh (Saigon Times Weekly) và tiếng Pháp (Saigon Eco) ra đời thì tôi mới để ý đến từ tương đương tiếng Anh là “magazine”. Nay TBKTSG đã đổi tên thành Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (KTSG) với yêu cầu của độc giả và ban biên tập ngày càng cao hơn trước. Và tôi chợt phát hiện ra rằng, chính nhờ thói quen đọc sách báo nói chung và thú vui với tạp chí nói riêng, tôi mới có thể tiếp tục đồng hành với KTSG để đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội ở quê nhà.

Lợi ích của việc đọc tạp chí

Trong bài viết mang tên “The reading brain in digital age: The science of paper and screens” (tạm dịch:“Bộ não đọc trong thời đại kỹ thuật số – Khoa học về giấy và màn hình) đăng trên tạp chí Scientific American, tác giả là nhà báo nổi tiếng người Mỹ Ferris Jabr cho rằng máy đọc sách điện tử và máy tính bảng đang trở nên phổ biến hơn khi các công nghệ này được cải thiện, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng việc đọc trên giấy vẫn có những lợi thế độc đáo.

Theo ông, tạp chí giống như “chimera”, tạm dịch là “hợp thể khảm” – một thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật mang nhiều bộ nhiễm sắc thể khác nhau được tạo thành qua hợp nhất của nhiều hợp tử khác nhau. Kích thước tạp chí thường lớn hơn một cuốn sách bìa mềm thông thường sẽ cung cấp một khung vẽ rộng rãi cho từ ngữ và hình ảnh, tạo ra những điểm mốc trực quan giúp người đọc thiết lập cảm giác tiến triển trong một văn bản và nhớ nơi họ đọc một cái gì đó trong ấn phẩm.

Theo ông, tính thẩm mỹ thị giác xuyên suốt các trang tạp chí tạo ra trải nghiệm đọc có tính giác quan cao, giúp cải thiện trí nhớ và vì tạp chí có thể được lấy xuống từ giá sách, người ta có thể chia sẻ với nhau thú vui đọc sách báo.

Một lợi ích khác của việc đọc tạp chí trên giấy in mà nhà báo Jabr nêu ra là việc định hình văn bản (topography of the text). Theo ông, khi mở một ấn bản tạp chí ra, người đọc có thể xác định rõ ràng trang bên trái, trang bên phải và tự định hướng qua tám góc. Người đọc có thể tập trung vào một trang duy nhất mà không mất đi toàn bộ văn bản và có thể biết tạp chí bắt đầu và kết thúc ở đâu và vị trí của một trang so với các đường viền đó. Người đọc có thể cảm nhận được độ dày của các trang bằng một tay và các trang sẽ đọc bằng tay kia.

Ông viết: “Lật các trang của một cuốn tạp chí cũng giống như để lại hết dấu chân này đến dấu chân khác trên con đường – nó có nhịp điệu và một bản ghi rõ ràng về quãng đường một người đã đi được. Tất cả những tính năng này không chỉ giúp văn bản trong tạp chí có thể điều hướng dễ dàng mà còn giúp việc hình thành bản đồ văn bản mạch lạc trong đầu dễ dàng hơn. Ngược lại, hầu hết các màn hình, máy đọc sách điện tử, điện thoại thông minh và máy tính bảng đều can thiệp vào việc điều hướng văn bản một cách trực quan và ngăn cản mọi người lập bản đồ hành trình trong tâm trí họ”.

Bài viết của nhà báo Ferris Jabr có thể giúp những độc giả ham thích đọc tạp chí như tôi hình dung cụ thể những lợi ích từ việc đọc tạp chí được tổng hợp trong sơ đồ dưới đây:

Nhưng tôi cũng không phủ nhận những lợi ích thiết thực mà công nghệ mang đến cho người đọc trên những nền tảng kỹ thuật số, nội dung đa phương tiện, hiệu quả, tăng khả năng đọc, tính linh hoạt, hiệu quả về chi phí. Tuy nhiên, đọc online tôi phải trả giá với những tác động tiêu cực nhiều hơn, như thiếu/mất kiên nhẫn; đa nhiệm, xao lãng, phân tâm; mỏi mắt và chỉ đọc lướt chứ không đọc hết.

Tương lai nào cho tạp chí?

Theo các nhà nghiên cứu từ nguyên (etymologist), từ “magazine” xuất phát từ tiếng ẢRập (makhzan) có nghĩa là “nhà kho” để chỉ một tập hợp các bài báo bằng văn bản. Ấn phẩm đầu tiên tự gọi mình là “magazine” là The Gentleman’s Magazine, được thành lập ở London vào năm 1731 nhưng được công nhận là tạp chí đầu tiên trên thế giới lại là Edifying Monthly Discussions, một tựa sách triết học Đức được xuất bản từ năm 1663-1668 bởi nhà thần học Johann Rist.

Sau một thời kỳ hoàng kim trong thế kỷ 20, tạp chí đã chứng kiến ​​​​sự suy giảm với việc chuyển hoàn toàn sang trực tuyến hoặc phần lớn được duy trì nhờ số lượng đăng ký qua mạng ngày càng tăng. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội cũng đã cắt giảm thị trường quảng cáo mà các tạp chí in thường phụ thuộc vào.

Bất chấp những lợi ích từ việc đọc tạp chí trên giấy in, độc giả ngày nay mong đợi nội dung đăng tải hàng ngày hoặc thậm chí hàng giờ và cũng ít sẵn lòng chờ đợi tạp chí in hàng tuần hoặc hàng tháng được gửi qua đường bưu điện hoặc trên quầy báo. Phải chăng độc giả thời nay xem như thông tin là miễn phí và có sẵn ngay lập tức và không còn trân trọng những hiểu biết sâu sắc trong những bài viết đăng trên tạp chí? Một câu hỏi khác được đặt ra là trong bối cảnh đó tạp chí có thể tiếp tục “sống” nổi không và nếu có thì sẽ theo những hình thái hay cơ chế hoạt động ra sao?

Một số thông tin đáng chú ý trong thời gian gần đây có thể phần nào giúp giải tỏa những âu lo nói trên. Tháng 3 vừa rồi, ban lãnh đạo của The Atlantic, một tạp chí tại Mỹ có lịch sử từ năm 1857, cho biết đã thu được một triệu người đăng ký và có lãi sau một thời gian dài chìm trong cảnh báo thua lỗ.

Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast, Giám đốc điều hành của The Atlantic, ông Nicholas Thompson, cho biết tạp chí đã thử nghiệm những cách mới để tăng doanh thu và đưa ra các quy trình để tạo ra những ý tưởng mới. Đáng lưu ý là với sứ mệnh “khám phá ý tưởng của người Mỹ thông qua việc đưa tin và kể chuyện đầy tham vọng, thiết yếu”, The Atlantic đã giành được ba giải Pulitzer trong ba năm qua.

Tại Anh quốc, The Economist cũng đang ngược dòng thành công khi doanh số bán của ấn bản in năm 2022 cao hơn năm 2005. Trong báo cáo thường niên năm của tập đoàn, tổng biên tập của The Economist là bà Zanny Minton Beddoes, cho biết năm 2022 là “một năm có những thay đổi mạnh mẽ về địa chính trị và công nghệ”, từ cuộc chiến ở Ukraine đến sự cạnh tranh Mỹ – Trung và sự phát triển của công nghệ nhân tạo và nhấn mạnh rằng tạp chí đã giúp độc giả “hiểu được những gì quan trọng”. Tại Úc, doanh số bán tạp chí in đã tăng 4,1% vào năm 2023 và các ấn phẩm bị cắt giảm trước đây – chẳng hạn như Girlfriend – cũng đã bắt đầu xuất bản dưới dạng in.

Theo các nhà quan sát, thị trường tạp chí in không thực sự phát triển mạnh nhưng cũng không biến mất nhanh chóng như dự đoán. Một số nhà bình luận cho rằng sức hấp dẫn lâu dài của tạp chí in là do trải nghiệm đọc sách với các giác quan cụ thể như đã trình bày trong phần đầu của bài viết này.

Một nguyên nhân nữa có thể nêu ra là “sự mệt mỏi về kỹ thuật số” (digital fatigue) từ những năm xảy ra đại dịch khiến nhiều độc giả quay trở lại với việc đọc trên giấy in. Vẫn còn có chỗ cho các tạp chí thích hợp, chẳng hạn như tạp chí về thiết kế nội thất, trang trí, chăm sóc nhà cửa, nhiếp ảnh, thời trang hay du lịch với tính thẩm mỹ, cẩn thận với bố cục, hình ảnh và ấn bản không phải lúc nào cũng có thể được sao chép trên màn hình.

Theo GS.TS. Samir Husni, một chuyên gia nổi tiếng về báo chí với nhiều nhận định và dự đoán khá chuẩn xác về tương lai tạp chí cách đây hơn 15 năm, các tạp chí in độc lập mới nổi hiện nay đang tập trung hơn vào việc nhắm mục tiêu đến một lượng độc giả thích hợp.

Theo ông Julian Novitz, giảng viên của Khoa Truyền thông và Giao tiếp tại Đại học Công nghệ Swinburne (Úc), xu hướng này thoát khỏi ý tưởng coi tạp chí là rẻ tiền và dùng một lần hay nói đúng hơn, tạp chí giờ đây đã trở thành một món hàng xa xỉ. Tạp chí in không thể cạnh tranh với phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong việc cung cấp nội dung cập nhật liên tục cho độc giả đại trà nhưng có khả năng duy trì được lượng độc giả trung thành bằng ấn phẩm có ý nghĩa và có tính thẩm mỹ.

Điều này có nghĩa là các tạp chí in có thể tránh được một số biến động mà các trang web truyền thông vốn chỉ phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo kỹ thuật số phải gánh chịu. Tạp chí in cũng có thể nhận được sự quan tâm trở lại từ các nhà quảng cáo. Nghiên cứu gần đây cho thấy người tiêu dùng có sở thích mạnh mẽ đối với quảng cáo trên báo in. Người đọc có nhiều khả năng chú ý đến quảng cáo in và tin tưởng vào nội dung của nó hơn. Ngược lại, quảng cáo trực tuyến có nhiều khả năng bị bỏ qua hoặc loại bỏ.

Mặc dù số lượng phát hành và ảnh hưởng của tạp chí in có thể giảm sút nhưng chúng không nhất thiết đã chết hoặc thậm chí sắp chết. Tạp chí có thể coi là đang chuyển sang một vị trí khiêm tốn nhưng bền vững trong không gian truyền thông đa dạng.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới