(KTSG Online) – Adani, tập đoàn đa ngành của tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani, đã được phép nghiên cứu đầu tư tại dự án bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
- Đà Nẵng khởi động dự án đầu tư cảng Liên Chiểu
- Đầu tư cảng Liên Chiểu: Những thách thức trước mắt về kết nối hạ tầng
Sau khi nghiên cứu, Adani cần nộp hồ sơ tham gia đấu thầu cùng với các doanh nghiệp khác trước khi được chọn để cấp phép đầu tư vào các gói thầu của dự án đầu tư bến cảng Liên Chiểu với diện tích quy hoạch khoảng 450ha. Theo chia sẻ từ đại diện của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, một số tập đoàn khác cũng đang quan tâm đến đầu tư vào cảng Liên Chiểu, bao gồm liên doanh Sumitomo và BRG.
Trước đó, vào ngày 25-6, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho hay tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng cùng ngày, Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani Sandeep Mehta thuộc Tập đoàn Adani đã thay mặt tỉ phú Ấn Độ Gautam Adani cam kết khoản đầu tư 10 tỉ đô la vào Việt Nam. Khoản tiền này nằm trong ngân quỹ 100 tỉ đô la mà Adani dự kiến sẽ đầu tư ra nước ngoài.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng sẽ là điểm khởi đầu trong chiến lược đầu tư của tập đoàn chuyên đầu tư cảng biển và kho vận này. Và dự án cảng Liên Chiểu cùng với các dự án đầu tư kho vận và khu công nghiệp tại thành phố miền Trung đang được Adani phối hợp với đối tác trong nước để xúc tiến tìm hiểu đầu tư.
Adani – tập đoàn có vốn hóa thị trường hơn 206 tỉ đô la và có mạng lưới 13 cảng tại Ấn Độ – cũng sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi công năng Cảng Tiên Sa hiện hữu thành cảng du lịch.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, Cảng biển Liên Chiểu là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, với diện tích quy hoạch khoảng 450ha. Đây sẽ là cảng container lớn nhất miền Trung Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế xã hội liên vùng và cả nước với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Nằm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền 4 nước Myanmar, Thailand, Lào và Việt Nam, là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho toàn khu vực, cảng Liên Chiểu còn có kết nối giao thông thuận lợi và đa phương thức (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không), là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực miền Trung Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu bao gồm 2 hợp phần. Phần cơ sở hạ tầng dùng chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 3.426,3 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và vốn ngân sách thành phố với thời gian thực hiện từ 2021-2025. Bên cạnh đó, hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân bao gồm công trình bến cảng có tổng diện tích 45,45 ha với hai cầu cảng dài 750 m.