(KTSG Online) - Tại kỳ họp Quốc hội ngày 23-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, năm 2023, cơ quan thanh tra sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các dự án chậm sử dụng đất, đầu tư công, quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ...
- Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, phê chuẩn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Nhiều giải pháp cấp bách của Chính phủ để phục hồi kinh tế
Theo Quochoi.vn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên toàn thể kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước năm 2022 cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương bao gồm tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm chi quản lý hành chính, tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỉ đồng.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách là Bộ Quốc phòng 2.556 tỉ đồng, Bộ Công an 1.896 tỉ đồng, Bộ Tài chính 328 tỉ đồng, Hà Nội 5.868 tỉ đồng, Vĩnh Phúc 1.855 tỉ đồng, Bình Dương 338 tỉ đồng...
Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đã kiểm tra xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 héc-ta. Một số doanh nghiệp được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt cũng được xử lý nghiêm.
Tại các địa phương, qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, vẫn còn tình trạng gây lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai; khiếu kiện đất đai có xu hướng giảm so với trước đây song vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lên tới 96,97%.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
TTXVN đưa tin, theo kế hoạch năm 2023, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Trong đó tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất, trọng tâm là các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm sử dụng đất; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa…
Công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng tập trung vào rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh; việc mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa ở các bộ, ngành, địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai minh bạch việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại các luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.