(KTSG) - Con tàu chở dầu nằm chờ nạp dầu tại một nhà máy lọc dầu Venezuela, thế nhưng trên màn hình máy tính con tàu mang tên Reliable này dường như đang neo đậu cách đó đến 300 hải lý, ngoài khơi bờ biển St. Lucia ở vùng Caribe. Theo thông tin định vị vệ tinh, tàu Reliable trong vòng 10 năm qua chưa bao giờ ghé lại Venezuela.
- Các hãng tàu biển đồng loạt dừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga
- Cước vận tải biển lại tăng vọt khi tàu hàng châu Á tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ
Theo tờ New York Times, các nhà nghiên cứu dữ liệu hàng hải cho biết đã phát hiện hàng trăm trường hợp như Reliable, tức tàu ở một nơi nhưng lại giả mạo thông tin trên hệ thống định vị toàn cầu GPS để thông báo mình đang ở nơi khác nhằm tiến hành các hoạt động mờ ám, thậm chí vi phạm luật pháp, lẩn tránh luật lệ quốc tế.
Theo một nghị quyết hàng hải của Liên hiệp quốc được gần 200 nước ký kết vào năm 2015, mọi con tàu lớn phải trang bị và vận hành máy tiếp sóng vệ tinh (transponder), được gọi là hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Hệ thống này phát ra dữ liệu về danh tính con tàu cùng vị trí hàng hải của nó. Mọi nước ký kết, theo nghị quyết, có nhiệm vụ buộc các con tàu trong lãnh hải của mình thực thi yêu cầu nói trên. Và cho đến gần đây hầu như mọi con tàu đều tuân thủ quy định phát sóng chính xác vị trí của mình.
Thế nhưng trong năm qua, Windward, một hãng dữ liệu hàng hải lớn cung cấp dịch vụ nghiên cứu cho Liên hiệp quốc, đã phát hiện hơn 500 vụ làm giả thông tin GPS để che giấu vị trí thật của tàu.
Theo tường thuật của New York Times, những trường hợp này bao gồm các con tàu Trung Quốc đang đánh bắt cá ở vùng biển được bảo vệ ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ, các con tàu chở dầu ghé lại cảng dầu của Iran hay các tàu containers che giấu các chuyến đi đến vùng Trung Đông.
Không loại trừ có những trường hợp tàu buôn lậu vũ khí hay ma túy cũng áp dụng cách thức giả mạo thông tin GPS. Windward cho biết thoạt tiên họ phát hiện các trường hợp che giấu vị trí thật khi các con tàu hoạt động gần các nước đang bị cấm vận, nhưng gần đây cũng có nhiều vụ xảy ra gần châu Úc hay châu Nam cực.
Hệ thống định vị toàn cầu GPS được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống, từ vị trí người dùng điện thoại di động đến định vị một chiếc xe, một đoàn tàu… Trước đây việc giả mạo thông tin GPS trên biển là phức tạp, chỉ có các nước có ngành hải quân mạnh mới thực hiện được. Nhưng nay với tiến bộ công nghệ, người ta chỉ cần bắt chước cách vận hành các mạng riêng ảo VPN như trên điện thoại di động là đã có thể đánh lừa hệ thống GPS.
Với lệnh cấm vận nhập khẩu xăng dầu từ Nga do châu Âu và Mỹ áp đặt, người ta tiên đoán trong những tháng tới hệ thống xuất nhập khẩu của Nga có thể biến mất dưới rada theo dõi của phương Tây, kể cả các chuyến tàu chở hàng không nằm trong lệnh cấm vận. Trích lời các quan chức Mỹ, New York Times cho rằng Trung Quốc cũng đang nổi lên như một nơi có nhiều vụ sửa đổi thông tin AIS, nhất là với các hoạt động đánh cá trái phép ở nhiều khu vực.
Windward đưa ra một trường hợp để minh họa. Đầu năm ngoái họ phát hiện một con tàu dân sự phát ra thông tin giả mạo ngoài khơi bờ biển Venezuela. Con tàu chở dầu này, mang tên Berlina, trong nhiều tuần đã phát ra những vị trí rất kỳ lạ như có lần chỉ trong ít phút đã quay ngoắt 180 độ hay đường đi thẳng băng của nó là không thể có do tác động của thủy triều và sự chuyển động của trái đất. Một con tàu như Berlina khi ra khơi sẽ tiêu tốn hàng chục ngàn đô la mỗi ngày, không thể cứ chạy tới chạy lui như sơ đồ vị trí của nó được.
Trong thực tế, Berlina không đi dạo ngoài khơi như vị trí GPS cho thấy; nó đang nạp dầu ở cảng Jose phía Đông Venezuela. Vortexa, một hãng dữ liệu hàng hải khác phát hiện con tàu này ngoài thực địa và chia sẻ thông tin với Windward.
Mỹ là nước duy nhất cấm mua bán dầu với Venezuela nên hoạt động của Berlina, đăng ký tại Cyprus thì không có gì là trái phép ở Venezuela hay ở Cyprus. Chỉ có điều do vai trò của Mỹ trong ngoại thương quốc tế, các chủ tàu đều tránh việc họ ghé mua dầu từ Venezuela để khỏi bị các ngân hàng, hãng bảo hiểm của Mỹ làm khó dễ.
Nếu công nghệ giả mạo vị trí GPS lan sang ngành hàng không, vì các máy bay thương mại cũng đang sử dụng máy phát sóng AIS tương tự các con tàu, hệ lụy sẽ còn lớn hơn trong các lĩnh vực như buôn lậu, khủng bố, đưa người qua biên giới trái phép…
Trước mắt các vụ việc đã được phát hiện có thể dẫn đến khả năng Liên hiệp quốc sẽ đề ra các thủ tục chặt chẽ hơn đối với phần mềm cài đặt trong các máy phát sóng AIS, không cho phép người nào khác ngoài nhà sản xuất thiết bị can thiệp vào phần mềm để phát tín hiệu giả.