(KTSG) - Có rất nhiều vấn đề đã được đặt ra trong buổi tọa đàm về việc khai thác lợi thế sông nước để phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tuần vừa qua. Trong đó, những vấn đề lớn như cơ sở hạ tầng, môi trường, sản phẩm và tiếp thị được cho là cần phải giải quyết sớm để trong một bối cảnh mới, du lịch vùng này có thể phát triển đúng tầm vóc.
- Biến lễ hội trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch
- Ngành du lịch tổ chức nhiều hoạt động để tìm nguồn lực phát triển
Sáng thứ Tư tuần rồi, hơn 40 người, là các doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện một số cơ quan quản lý ngành du lịch đã lên du thuyền Victoria Mekong ở Cần Thơ, xuôi dòng sông Hậu tham gia buổi tọa đàm về “Khai thác “mỏ vàng” du lịch trên mặt nước ở ĐBSCL”.
“Mỏ vàng” là từ được nhiều người có kinh nghiệm phát triển du lịch vùng ĐBSCL khuyên dùng khi đơn vị tổ chức - Chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (KTSG) bày tỏ ý định tổ chức tọa đàm về tiềm năng và sự phát triển du lịch sông nước của vùng. Những người này kỳ vọng, sẽ nói lên được sự giàu có mà tự nhiên ban tặng, từ đó đề cập đến việc khai thác sao cho hiệu quả để “mỏ vàng” thực sự đem lại sự trù phú cho vùng mà không bị cạn kiệt theo thời gian.
Kết nối trên bờ - dưới nước
“Du lịch sông nước ở ĐBSCL hấp dẫn nhưng du khách còn buồn là vì khó lên bờ”, một doanh nhân không muốn nêu tên, là người có hàng chục năm kinh nghiệm trong mảng du lịch này nói với KTSG sau khi nghe nội dung tọa đàm.
Theo ông, lợi thế từ sông nước ở vùng ĐBSCL là điều không cần bàn cãi. Những người làm du lịch đã biết tận dụng lợi thế này để phát triển du lịch và thực sự đã tạo ra được những kết quả tích cực.
Chẳng hạn, ở hãng du thuyền đã đưa khách từ Phnôm Pênh (Campuchia) đến ĐBSCL từ 21 năm trước, số lượng tàu đã tăng từ một lên thành năm chiếc, từ vài chuyến mỗi năm lên đến cả trăm chuyến mỗi năm hồi trước dịch Covid-19. Vào thời điểm trước dịch, thường thấy cảnh tàu bè đậu san sát ở bến tàu Mỹ Tho để đưa khách quốc tế ngược xuôi sông Tiền thăm thú vùng ĐBSCL và sang Campuchia. Hiện tại, số lượng tàu tuy ít đi vì ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.
Sau hơn 20 năm, sản phẩm du lịch ở vùng này đã định hình, có thêm nhiều điểm tham quan mới, nhiều điểm khác trên tuyến như chợ Sa Đéc đã được xây dựng lại nhìn đẹp hơn, Mỹ Tho có bến tàu du lịch, thuyền được đóng to - hiện đại hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn… Điều này cho thấy sức hấp dẫn và sự phát triển du lịch của vùng.
Tuy nhiên, nếu muốn du lịch phát triển mạnh hơn thì không nên tách du lịch trên bờ - dưới nước mà phải kết nối đường sông với các điểm đến trên hành trình tàu chạy. Có như thế, khách du lịch mới có thể tiếp cận gần hơn với điểm đến, để có thể thực sự “chạm” vào cuộc sống của người dân vùng đồng bằng, điều mà du khách trong nước và quốc tế đều đánh giá là vô cùng hấp dẫn. Việc này cũng giúp mảng đường sông tận dụng được lợi thế từ việc phát triển sản phẩm trên cạn, để không còn tình trạng trong khi nhiều địa phương đã có thêm nhiều sản phẩm đa dạng ở trên bờ nhưng du khách đường sông vẫn còn than chán.
“Muốn vậy thì cơ sở hạ tầng phải đồng bộ, từ đó tạo sản phẩm tốt hơn”, doanh nhân này nói.
ĐBSCL được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu. Trong đó, sông Tiền là nơi được nhiều hãng cho tàu chạy hơn còn sông Hậu thì chỉ có một vài hãng như du thuyền Victoria Mekong của Tập đoàn Thiên Minh vừa kể trên.
Từ Campuchia sang ĐBSCL qua cửa khẩu Vĩnh Xương, tàu thường đi theo sông Tiền để ghé Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Cái Bè, Mỹ Tho rồi đến TPHCM và ngược lại. Trong đó, số lượng tàu ngủ đêm tập trung chủ yếu ở Mỹ Tho, lượng tàu từ TPHCM về khá ít. Thời gian đi tàu ở ĐBSCL còn ngắn. Ở mỗi địa phương, tàu chỉ cập chừng một bến, không phải vì không muốn ghé, không có điểm tham quan đẹp để ghé mà vì không có bến cho tàu vào. Tình trạng này đã kéo dài rất nhiều năm.
“Cả vùng ĐBSCL chỉ có một bến du thuyền ở Mỹ Tho (Tiền Giang) còn những nơi khác chỉ ở mức tạm bợ”, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, nói tại tọa đàm ở Cần Thơ và cho rằng, hạ tầng giao thông để triển khai sản phẩm trên sông không đồng bộ hoặc vẫn còn rất yếu. Đây là điều cần phải thay đổi để có thể khai thác được tiềm năng lớn mà tự nhiên mang lại cho “vùng đất chín rồng”, không chỉ là để phát triển mảng du lịch du thuyền mà còn là các mảng du lịch khác.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, cũng có nhận định tương tự và cho biết, ngay như bến Ninh Kiều rất nhộn nhịp và nổi tiếng tại Cần Thơ cũng không phải là một bến tàu du lịch đúng chuẩn mà người làm du lịch và du khách cần. Thêm vào đó, việc thiếu kết nối các điểm du lịch, loại hình văn nghệ - giải trí ven sông trên đường đưa khách từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng cũng làm cho hành trình kém sinh động, tức cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn của loại hình tàu du lịch.
Thách thức phát triển bền vững
Khi thảo luận về việc khai thác thế mạnh sông nước để phát triển du lịch ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt bốn vấn đề lớn nêu trên trong bối cảnh mới là phát triển bền vững để giải quyết. Lý do, yêu cầu phát triển theo xu hướng bền vững không chỉ giúp điểm đến tránh tình trạng bị cạn kiệt tài nguyên mà còn là một đòi hỏi của đối tác và du khách. Nếu điều này không đáp ứng được thì sẽ khó có khách.
Tuy nhiên, theo ông Huê, quá trình phát triển du lịch, đô thị hóa… hiện đã làm môi trường, tài nguyên bị ảnh hưởng. Trong đó, chất lượng nước của một số con sông kém hơn bởi nước và rác thải sinh hoạt thải ra từ các khu dân cư dọc theo hai bờ; việc phát triển những con đập trong các nhánh sông nhỏ đã khiến ghe, xuồng từ ruộng, vườn khó ra sông, gián tiếp làm cho chợ nổi thêm vắng vẻ. Tình trạng bê tông hóa các công trình phục vụ du lịch, dùng xi măng be các con rạch cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tự nhiên.
Bà Tô Linh Đa, Giám đốc Khối du lịch MICE và Khách hàng doanh nghiệp của Công ty Image Travel & Events, cho biết yêu cầu phát triển bền vững không chỉ là các yêu cầu về bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn văn hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương và cộng đồng tại điểm đến. Với nhiều đối tác, đặc biệt là các hãng du lịch ở Pháp, cùng với đánh giá về chất lượng dịch vụ, bản phản hồi về tour còn ghi rõ nội dung là hướng dẫn viên có đề cập đến vấn đề phát triển bền vững hay không. Điều này chứng tỏ, phát triển bền vững là yêu cầu quan trọng mà các hãng chú ý khi đưa du khách đến.
Theo bà, khi phát triển du lịch, vùng nên hết sức lưu ý về việc gìn giữ bản sắc của vùng Mêkông, có thể đan xen những kiến trúc đặc sắc của Mêkông vào công trình mới, hạn chế bêtông hóa những khối công trình lớn và thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường.
Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Cụm khách sạn phía Nam của Tập đoàn Thiên Minh, chia sẻ với du thuyền Victoria, tập đoàn không chỉ sử dụng công nghệ xử lý nước tối tân nhất để xử lý nước thải mà còn thực hiện nhiều việc khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tại các điểm đến như làng nghề làm cà ràng (lò đất) ở Phú Tân (An Giang), làng chiếu Định Yên, làng dệt lụa Tân Châu, tập đoàn coi trọng việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng và giới thiệu văn hóa bản địa đến du khách. Với nhân viên, hệ thống ưu tiên sử dụng lao động địa phương, người Việt... Những việc này đòi hỏi nguồn đầu tư lớn và sự kiên trì nhưng mang lại giá trị không nhỏ cho tập đoàn, đặc biệt là về uy tín và quảng bá thương hiệu.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails Co., LTD, cũng lưu ý về phát triển bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh một số điểm đến và sản phẩm quan trọng của vùng đang dần mai một. Trong đó, doanh nhân này đặc biệt nói về chợ nổi, một điểm nhấn của vùng nhưng hiện đã không còn như trước. Sau dịch Covid-19, chợ nổi chỉ còn lèo tèo vài chiếc thuyền buôn, du khách quốc tế đến thất vọng vì không giống với hình ảnh được quảng bá.
“Chúng tôi đã phải điều chỉnh phần giới thiệu về chợ nổi, không còn coi đó là điểm nhấn của du lịch vùng ĐBSCL. Đây thực sự là điều rất đáng tiếc vì vùng đang dần mất đi một sản phẩm, một cơ hội tiếp thị đặc biệt”, bà nói với KTSG bên ngoài sự kiện.
Theo bà, trong các kế hoạch phát triển, vùng nên dành ưu tiên cho việc “làm sống lại” loại hình chợ đặc biệt này. Để làm được điều này, Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ để quy hoạch, tạo sản phẩm phụ trợ, tạo sinh kế cho người dân… nhằm làm cho chợ nổi cùng những điểm đến khác trong vùng có sức sống và phát triển bền vững hơn.