Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tết buồn với dân chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết buồn với dân chứng khoán

Rất nhiều những hình ảnh “buồn” trên sàn trong những tháng cuối năm 2007- Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online) – Nếu như năm Đinh Hợi, các nhà đầu tư chứng khoán ăn Tết vui vẻ bao nhiêu thì năm nay lại đón Tết buồn đi bấy nhiêu. Bởi lẽ, những người này gần như chỉ thu lại được con số 0 hay chịu lỗ nhiều sau một năm gắn bó với sàn và chứng kiến thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thụt lùi.

Anh Trương Duy Khiêm, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán ACB (ACBS), cho biết Tết Đinh Hợi là năm “trúng mùa” cho dân chứng khoán. Sau khi đón giao thừa, anh đã vi vu sang Singapore chơi, nhưng năm nay thì ngậm ngùi ở nhà vì “Tiền đâu mà đi”. Tết năm nay lại là Tết của những nhà đầu tư bất động sản, anh Khiêm bộc bạch “Bạn tôi rủ đầu tư vào bất động sản từ năm ngoái, nếu chịu thì biết đâu năm nay đi nước ngoài tiếp”.

Tết năm ngoái, người người bàn chuyện chứng khoán, nhà nhà bàn chuyện chứng khoán, đi chúc Tết nhà nào cũng nghe bàn về chứng khoán, 100 người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán cũng là đề tài được nhiều người quan tâm nhất. Gần bước sang năm mới, hai từ “chứng khoán” cũng được nhắc tới đấy nhưng với tâm trạng buồn và dè dặt hơn. Người giàu nhất trên sàn chứng khoán với 6.300 tỉ đồng được công bố cũng chẳng khiến nhiều nhà đầu tư bỏ tiền mua chứng khoán hơn. Có lẽ, năm nay khi đi chúc tết nhau, câu hỏi được nhiều người hỏi nhất sẽ là “Có tiếp tục đầu tư không?”.

Trợ lý giám đốc của một ngân hàng, cũng được xếp vào loại nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm, chặc lưỡi khi nói đến kinh doanh chứng khoán năm con Heo, “mất cả 10 tỉ đồng vào đó”. Nếu như cuối năm ngoái anh còn chạy ngược xuôi mua vào bán ra đủ loại cổ phiếu từ trên sàn đến ngoài sàn, từ doanh nghiệp sản xuất đến ngành tài chính, thì năm nay trải qua những ngày cuối năm vô cùng im ắng.

Anh cho biết “Nặng nhất là lỗ do cổ phiếu ngân hàng, mua với mệnh giá lớn, lại giao dịch OTC nên khi sàn xuống thì cổ phiếu ngân hàng bán không ai mua”. Anh đang ôm khá nhiều cổ phiếu Eximbank, sau khi chia tách đã từ 13 “chấm” xuống còn chưa tới sáu “chấm” vào cuối năm. Coi như tiền kiếm được lúc cuối 2006 và đầu năm 2007 đã “của thiên trả địa” trước khi đón Tết Mậu Tý, anh nói.

Khoảng hai tháng sau Tết Đinh Hợi có thể nói là thời kỳ huy hoàng của chứng khoán Việt Nam, VN-Index đã lập kỷ lục điểm cao nhất từ trước đến nay, nhưng bắt đầu từ tháng Tư đến tận cuối năm, dân chứng khoán đã rút thêm bài học kinh nghiệm xương máu “Không có cái gì lên hoài được”. Thời kỳ sau Tết con Heo, bước ra sàn chứng khoán là cảm nhận được không khí mua bán sôi sục của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến cuối năm con Heo, điều mà nhiều người chứng kiến là cảnh các công ty chứng khoán thưa thớt khách, nhà đầu tư bỏ ra ngoài đường ngồi nhiều hơn là ngồi trong sàn để chứng kiến tài sản của họ sụt thê thảm mỗi ngày.

Một nhà đầu tư nhỏ trên sàn Đại Việt tâm sự chị theo dõi thị trường đã lâu qua báo chí, đến tháng 10 thị trường bắt đầu đi xuống, cuối tháng 10 chị quyết định đầu tư, chỉ mua một ít thôi vì nghĩ giá đã bắt đầu rẻ. Không ngờ, thị trường đã liên tục đi xuống kể từ tháng 10 cho tới trước Tết, trong thời gian đó chị vẫn cố gắng mua thêm nữa, nhưng mỗi ngày mở mắt ra là cổ phiếu của chị xuống thêm một mức mới. Chị nói, nghe trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán tư vấn cổ phiếu ngành bất động sản như UIC khá tốt và đang ở giá rẻ, chi đã mua vào ở mức 84.000 đồng, nhưng cổ phiếu này đã liên tục rớt và đến phiên cuối cùng trước Tết Mậu Tí đứng ở mức 59.000 đồng, giảm 30%. “Tết này coi như tôi đón Tết buồn”, chị nói.

Nếu như đầu năm con Heo, người ta có thể dễ dàng bắt gặp anh bán thịt, anh chạy xe tải trên sàn thì đến cuối năm, chỉ có thể điểm lại được một số gương mặt quen thuộc đã trụ ở sàn trong nhiều năm. Anh Khiêm của công ty ACBS nói những người tham gia thị trường từ sớm như anh còn có thể tiếp tục gắn bó với sàn, còn có thể ăn Tết con Chuột này đàng hoàng, nhưng những người đến với chứng khoán từ sau Tết con Heo có lẽ đón Tết con Chuột này buồn lắm.

Thử nghĩ xem, chỉ số VN-Index giảm hơn 26% kể từ khi đạt đỉnh và tháng Ba năm ngoái, đó là chưa kể những cổ phiếu có mức sụt giảm nhiều hơn như vậy nữa, thì công sức gắn bó với sàn trong suốt năm con Heo của những nhà đầu tư mới coi như con số 0. Chị Hương, một “cò” chứng khoán hoạt động tại sàn SSI cho biết chị và các bạn cũng là môi giới đã cắt lỗ từ khi thị trường bắt đầu xuống mạnh, nhưng một số khách hàng của chị, đặc biệt là những người mới, đã không dám cắt lỗ khi thị trường xuống, và đến giờ này thì không thể cắt lỗ được nữa, và cũng không còn tiền để mua lại.

Tuy nhiên, một hy vọng đã được nhóm lên nơi các nhà đầu tư chứng khoán khi chỉ số VN-Index đã tăng liền bảy phiên trước Tết. Chị Hương nói “Giá đã xuống nhiều lắm rồi, mọi người đều tin rằng qua năm mới thị trường sẽ ấm trở lại”. Anh Khiêm nói ở thị trường chứng khoán, chỉ cần thấy lên không cần biết bao nhiêu phần trăm thì nhà đầu tư đã có hy vọng và tâm lý thị trường sẽ được cải thiện phần nào, cho nên Tết Mậu Tý này, nhà đầu tư vẫn còn được an ủi rằng đầu năm sau có thể hứa hẹn những phiên tăng điểm.

Cũng ở tâm trạng hy vọng như vậy, nhưng ông Johan Nyvene nói rằng những phiên tăng điểm cuối năm con Heo cũng chỉ là những ngày sôi động trong hoang mang, nhà đầu tư hiện giờ đang rất dễ bị dao động, thị trường tăng liên tiếp bảy phiên nhưng nhiều người vẫn hỏi ông không biết sau Tết thị trường thế nào, có nên mua bây giờ không… Nhà đầu tư Việt Nam hiện nay vẫn rất chú trọng vào lợi nhuận trong ngắn hạn, nên ông Johan cho biết không dám đưa ra dự đoán gì cả vì “thực tế cho thấy dự đoán của tất cả các chuyên gia vào thời điểm tháng cuối cùng trước Tết, trong đó có cả tôi, đều sai”.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới