Tết vui vậy mà tụi nhỏ than "có tới 10 điều chán", là sao?
Khánh Nghi
(TBKTSG Online) - Mấy đứa cháu tôi hay bị người lớn trong nhà la vì cứ mỗi Tết lại than chán mà chẳng có lý do gì cụ thể. Đọc báo thấy có một số nhà nghiên cứu gọi đó "hội chứng trầm cảm trước và trong dịp lễ", nó giống như là một sự tẻ nhạt, buồn rầu không rõ lý do nhưng lại làm cho người ta chỉ mong mau qua lễ, tết để trở lại bình thường. Đọc rồi tự hỏi, cái hội chứng "lãng xẹt" đó từ đâu ra đối với đám cháu mình?
Mua sắm Tết tại một siêu thị ở TPHCM. Với nhiều người, chuyện chen lấn sắm sửa cho Tết là niềm vui nhưng có người lại ngán ngẩm cảnh mua bán, chọn lựa trong dòng người đông đúc vào dịp cuối năm. Ảnh: Khánh Nghi |
Thật ra, nếu nói không có lý do gì cụ thể thì cũng không đúng mà phải nói là không có lý do chủ quan gì về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, các mối quan hệ trong gia đình... để mấy đứa nhỏ đang tuổi phơi phới xuân thì và cực kỳ ham vui than chán Tết. Nói về lý do khách quan thì tụi nhỏ đưa ra khối chuyện.
Thậm chí, có đứa còn bắt chước bộ phim Hollywood có tên là 10 Things I Hate About You (tạm dịch là: 10 điều em ghét ở anh) để đưa ra những điều không thích ở Tết. Không biết mấy đứa nhỏ sinh cuối thế hệ 9x và sau năm 2000 mà lại coi chi cái phim sản xuất đâu đó từ lúc tụi nó mới sinh ra như vậy không biết!. Thế nhưng, theo tụi nó, những điều chán của Tết, là vầy:
Tết, ra đường có thể hết thở nổi vì kẹt xe từng sáng sớm đến tối. Kế đến là ồn ào kinh khủng, mà sợ nhất là tiếng hát phát ra từ các dàn karaoke ở khắp hang cùng ngõ xóm, quán ăn có dịch vụ hát cùng với nhau hay nhà hàng ven sông... vào các buổi tiệc tất niên, tiệc mừng xuân... Khi đề cập đến lý do này, chú Ba có cung cấp thêm thông tin hỗ trợ, là không chỉ mấy đứa cần yên tĩnh để học hành, thi cử như tụi nó mới điên đầu mà nhiều người khác cũng phát cuồng vì tiếng hát. Thậm chí, bữa rồi họp tổ dân phố, bà con hầu như chỉ bàn về chuyện dẹp vụ hát suốt ngày vì đã khiến mọi người "sống ở thời bình mà cũng không có giấc ngủ yên”.
Thêm nữa là mọi thứ đều tăng giá "lãng xẹt". Nho nhỏ như tô hủ tiếu, ngày thường 30.000 đồng, Tết lên 35.000 đồng, tăng mười mấy phần trăm vậy mà người bán chỉ nói gọn hơ là... do Tết, rồi sau đó cứ giữ nguyên giá đó (dù Tết đã qua). Vụ này được cho rằng là nguyên nhân gây bực bội và chán nản vì ảnh hưởng đến túi tiền của giới sinh viên và những người mới đi làm vốn rất eo hẹp.
Rồi kế đến là chuyện cúng kiếng. Tết mệt kinh khủng vì ông ngoại bắt cúng cơm ngày ba bữa. Hồi đó mẹ làm nay mẹ đưa chuyển hết qua cho "sắp nhỏ" cho nên mỗi ngày nội chuyện hâm đồ ăn, dọn ra cho người lớn cúng cơm rồi dọn cất là "mệt xỉu".
Cũng liên quan đến đồ ăn, tụi nhỏ nói là "chỉ nhìn không cũng đủ ngán" vì quá trời thứ. Món thường ngày đã có thì nay nhiều hơn, món đặc biệt chỉ có ở Tết như bánh tét, dưa món, củ kiệu, tôm khô cũng bạt ngàn, rồi bia rượu... khiến cái tủ lạnh với tủ đá chật cứng. Và sau Tết, cả nhà lớn bé là phải "căng sức" để giải quyết mấy tủ đồ ăn đó.
Rồi mẹ cứ sai đi mua hết thứ này đến thứ kia để dùng trong nhà và biếu xén họ hàng, bạn bè mà siêu thị ngày cận Tết đông như mắc cửi, nội chuyện xếp hàng tính tiền không cũng đủ... xỉu.
Tụi nhỏ còn liệt kê nhiều thứ nữa cho đủ "ten things" (10 điều) nhưng nghe một hồi mấy người lớn trong nhà kết luận: Đó là hội chứng của sự quá đủ đầy cho nên dù có thứ này, thứ nọ cũng không làm con người vui hơn.
Cụ thể là vầy, thím Út lý giải. Tại sao hồi đó người ta nói Tết vui, Tết nô nức canh nồi bánh tét rồi hồi hộp chờ đón giao thừa, hay nghĩ đến Tết là "chảy nước miếng" với nồi thịt kho tàu lóng lánh màu mật ong của mẹ. Là vì lúc đó còn thiếu thốn, chưa có nhiều món ngon, chưa có nhiều chỗ chơi nên ai Tết là dịp để có những thứ đó.
Đến nay thì khác. Nồi thịt kho tàu của mẹ vẫn lóng lánh và ngon lành như vậy nhưng do ngày thường vẫn có để ăn, chưa kể còn bao nhiêu món ngon khác, chỉ cần bấm bấm điện thoại là có người giao đến cửa cho nên thấy cũng thường. Rồi hồi đó làm gì có tiền, có chỗ mà mua sắm, vui chơi nên chỉ cần người lớn kêu đi mua đồ là hớn hở lên đường chứ đâu có than phiền như bây giờ...
Thím Út nói, chỉ cần ra những vùng quê cách Sài Gòn vài trăm cây số là thấy người ta không "xụi lơ" với Tết như mấy đứa nhà mình. Có người vui vì Tết làm ăn có thêm chút đỉnh; có người mừng vì con cái - cha mẹ được gặp nhau sau những ngày dài bôn ba kiếm sống, người ta vạ vật ở sân bay, sân ga, bến xe hàng giờ chỉ vì mấy ngày trùng phùng đó; có những đứa nhỏ hồ hởi 'hết ga" chỉ vì Tết đến là cả xóm có hội chợ về... Sống đô thị có cái hay là thứ gì cũng có nhưng đôi khi những điều nho nhỏ đem lại niềm vui và sự hứng khởi thì lại ít.
Nhưng vì sao lại vậy? Có phải vì tụi nhỏ nhà mình quá đủ đầy đến độ không có gì để vui hơn nữa hay không? Hay và tại vì mình cứ "nhốt" sấp nhỏ mãi trong lồng nên nó đâu còn thấy cái khác để mà so sánh; hay là tại nhà mình quá sa đà cho Tết nhất lễ lạc quá thành ra làm mất đi sự đặc biệt của những ngày Xuân; hay là do Ông Bà chưa cởi mở, cho tụi nhỏ có thêm không gian, thời gian để thưởng Xuân, vui Tết thay vì cứ phải lo quá nhiều nghi lễ...
Hình như nguyên nhân nào cũng có một chút, nếu như những chuyện bên ngoài khó giải quyết thì chuyện trong nhà chắc phải tính từ bây giờ cho tụi nhỏ ăn Tết nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Hy vọng năm sau, những thanh niên phơi phới xuân thì nhà mình sẽ bớt bài ca chán Tết mà kể về 10 điều khiến mọi người yêu Tết cổ truyền. Tết là phải vui, để tụi nhỏ nói chán hoài sao được!
Mời đọc thêm:
Sinh viên Việt đón Tết trong bão tuyết ở Canada
Hoa nở khắp thành phố đón Tết Canh Tý 2020
Khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ với chủ đề “TPHCM - Vững tin tiến bước”