Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức chính là cơ hội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức chính là cơ hội

Lê Hữu Huy(*)

(KTSG Online) - Chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, sân bay Changi đã trở thành cụm lây nhiễm cộng đồng lớn nhất của Singapore cho đến nay - chỉ đứng sau đợt bùng phát ở các ký túc xá công nhân - với tổng số 78 ca nhiễm. Đảo quốc này đang chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất trong gần một năm nay.

Nhiều ý kiến chỉ trích chính phủ rằng việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt đã đến quá muộn, rằng các biện pháp giãn cách xã hội mới áp dụng lẽ ra cũng không cần thiết nếu không có các trường hợp nhập cảnh mang biến thể virus corona mới.

Trước các chỉ trích này, ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính và cũng là đồng chủ tịch lực lượng đặc nhiệm ứng phó dịch Covid-19 của Singapore, đã phải lên tiếng giải thích: “Vì chúng ta là một nước nhỏ, chúng ta không có đủ nguồn lực, chúng ta cần lao động nhập cư để xây dựng nhà cửa cho người dân, chúng ta cần lao động nhập cư với nhiều loại dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của chính chúng ta, chúng ta cần lao động nhập cư để chăm sóc người cao tuổi. Và do đó, chúng ta thực sự rất khó để đóng biên giới của mình".

Khi chính phủ Singapore nới lỏng các biện pháp y tế công cộng vào cuối năm ngoái, cuộc sống tại đảo quốc này hầu như trở lại bình thường. Các  trung tâm mua sắm lại sầm uất, nhà hàng ăn uống đông đúc và nhiều người đã quay lại văn phòng làm việc. Người Singapore có thể rủ nhau đến rạp chiếu phim, dự các buổi hòa nhạc và lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ.

Với số ca nhiễm trong cộng đồng gần bằng không, chương trình tiêm chủng đang được tiến hành, khiến mọi người dường như đã quên đi sự nguy hiểm của con virus corona. Singapore còn dẫn đầu bảng xếp hạng khả năng phục hồi hậu Covid-19 của hãng tin Bloomberg vào ngày 27-4 và được xem là nơi tốt nhất để sinh sống trong đại dịch.
Nói cho công bằng, chính phủ Singapore đã thực hiện được kỳ công là duy trì sự ổn định kinh tế sau khi Covid-19 bùng phát. Sau một năm xuống dốc, nền kinh tế Singapore đã tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quí đầu tiên của năm 2021, thay đổi từ mức giảm 2,4% được ghi nhận trong quí trước. Theo Ngân hàng trung ương Singapore (MAS), tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt mức cao nhất 6% trong năm nay.

Nhưng nay thì những ước tính này sẽ phải được đánh giá lại khi Singapore phải tiến hành các biện pháp ảnh hưởng đến tử huyệt của nền kinh tế như hạn chế nguồn nhân công từ Ấn Độ và toàn bộ lục địa Nam Ấn, bao gồm cả Bangladesh. Nhiều dự án xây dựng nhà ở hay công nghiệp sẽ bị chậm trễ đáng kể và đó là cái giá mà nhiều người Singapore phải trả không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến ổn định xã hội.

Theo giáo sư Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cần có sự cân bằng giữa việc mở cửa kinh tế bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, ổn định kinh tế không chỉ là vấn đề tài chính. Ông nói: “Khi các hoạt động kinh tế bế tắc, thiệt thòi nhất là những người thuộc nhóm thu nhập thấp không có việc làm ổn định, những người sống dựa vào tiền lương hàng ngày, hàng tuần. Cũng có những người rơi vào tình trạng khó khăn tài chính đến mức không có miếng ăn, những người không thể mua hoặc không thể tiếp cận thuốc men vì bị phong tỏa. Vì vậy, đó không chỉ là vấn đề kinh tế”.

Đợt bùng phát lần này không làm xáo trộn cuộc sống người dân lắm vì việc đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách đã được chấp hành tương đối nghiêm chỉnh. Người dân Singapore cũng đã quen phương thức làm việc từ xa, chuyện học hành tại nhà cũng được nhiều trường Singapore tiến hành.

Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là các chủng virus mới có độc lực mạnh hơn nhiều và có thể tấn công trẻ em, bằng chứng là các ca nhiễm đã lan vào trường học. Chính phủ Singapore phải yêu cầu tất cả các trường học tại Singapore đều chuyển sang hình thức học ở nhà kể từ ngày 19-5.

Chuyện đại dịch bùng phát lần này cũng không có gì quá lo lắng vì Singapore đã đi được nửa chặng đường của chương trình tiêm chủng. Phần lớn các chuyên gia y tế cho rằng hai loại vaccine mRNA đang được Singapore sử dụng là Pfizer-BioNTech và Moderna có thể cung cấp một lá chắn hiệu quả chống lại các biến thể virus.

Dĩ nhiên, hiệu quả ngăn ngừa virus của các loại vaccine vẫn còn đang tranh cãi. Nhưng theo bác sĩ Asok Kurup, người đứng đầu Hội Bác sĩ bệnh truyền nhiễm thuộc Học viện Y khoa, cần phải tiêm chủng nhanh hơn và cho nhiều người hơn, vì vaccine bảo vệ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong, bất kể là biến thể nào. Ông nói: "Đó là kết quả quan trọng nhất. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy các trường hợp đột phá, nhưng phần lớn, đó sẽ là nhiễm trùng không có triệu chứng hoặc bệnh nhẹ".

Thách thức lớn nhất hiện nay chính là ổn định xã hội vì một bộ phận người dân bị kích động tâm lý vì nhiều lý do trong đó phải kể đến những hành vi bạo hành mang tính sắc tộc khi biến chủng mới được định danh từ Ấn Độ. Rất may là một sự kiện vừa qua liên quan đến một người Ấn mang quốc tịch Singapore nên dư luận cũng nhanh chóng quên đi. Tuy nhiên, vẫn không thể xem thường những nguy cơ âm ỉ về chia sẻ sắc tộc hay phân biệt đối xử với nhân viên y tế trong các cụm phát sinh lây nhiễm.

Nhưng thách thức cũng là cơ hội để cho đảo quốc này vững mạnh hơn và nhất là dịp cho các ứng viên thủ tướng tương lai thể hiện bản thân. Chưa ai dự đoán được tình hình sẽ như thế nào trong những tuần lễ sắp tới nhưng mọi người đều an tâm là chính phủ đã dự trù nguồn cung vaccine với những kế hoạch, quy trình cụ thể để thông tin đến người dân. Bộ Y tế Singapore cũng vừa chấp thuận vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi và sẽ triển khai việc chích ngay tại nhà cho người lớn tuổi hay người vì lý do nào đó mà không đến cơ sở y tế để tiêm chủng.

Theo Cục Khoa học sức khỏe (HSA) thuộc Bộ Y tế Singapore (MOH), những tác dụng phụ nghiêm trọng khi chích vaccine rất hiếm, chỉ chiếm 0,004% trong số hơn 2,2 triệu liều được sử dụng.


-------------
(*) Giám đốc Công ty Tư vấnVietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới