Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức chờ đợi thị trường chứng khoán năm 2023

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau những thăng trầm trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong năm 2023 khi yếu tố lạm phát và lãi suất diễn biến khó lường.

Từ tâm lý hào hứng trước sự bùng nổ về điểm số và thanh khoản giai đoạn 2020-2021, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) rơi vào trạng thái hoảng loạn khi các chỉ số trên thị trường liên tục giảm sút trước những biến động như xung đột Nga - Ukraine, xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero-Covid”, hay các biến cố trong nước với các vụ án và loạt chính sách tăng cường kỷ cương trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu...

Tuy nhiên, thanh khoản vẫn là một điểm sáng khi con số bình quân cả năm khá khả quan với mức 20.000 tỉ đồng một phiên.

Những thông tin xấu liên tục xuất hiện đã tạo tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong năm 2022. Ảnh: LÊ VŨ

Với năm 2023, các chuyên gia dự báo thị trường sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước các động thái của các ngân hàng trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ, vốn phụ thuộc vào diễn biến lạm phát và giá cả hàng hóa.

“Mưa tạnh nhưng mây chưa tan”

Đây là cụm từ được nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam sử dụng để dự báo diễn biến thị trường năm 2023.

Vế “mưa tạnh”, theo Yuanta Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ tổng vốn hóa/tổng lợi nhuận sau thuế (P/E) của chỉ số VN-Index ở mức 10,8x tại ngày 30-12-2022 và P/E dự phóng 2023 ở mức 10,1x, thấp hơn mức P/E trung bình 5 năm là 16,x.

Ngoài ra, tại phiên giao dịch ngày 27-1-2023, tỷ suất thu nhập trên giá hiện tại là 8,93%, cùng với tỷ suất cổ tức dự phóng 2023 là 1,96%, thì tỷ suất lợi tức thị trường ở mức 10,89% - cao hơn mức lợi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại.

“Như vậy, định giá thị trường thấp đã phản ánh các rủi ro của thị trường”, nhóm nghiên cứu của Yuanta Việt Nam cho biết.

Với vế “mây chưa tan”, Yuanta Việt Nam cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, khiến đà tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán có thể sẽ chưa thể khởi sắc mạnh mẽ trong năm 2023. Theo đó, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của thị trường trong năm 2023 lần lượt đạt mức âm 2,61% và 12,62%, tương ứng mức tăng trưởng tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần (EPS) là 7,65%.

Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất gia tăng khiến kênh chứng khoán trở nên ít hấp dẫn hơn trong năm 2023. Cụ thể, Fed đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào kỳ họp tháng 2-2023, tương đương với việc đưa lãi suất tham chiếu lên mức 4,5-4,75%. Dữ liệu kinh tế tháng 12-2022 của Mỹ cũng cho thấy tăng trưởng tiền lương và lao động đã chậm lại và chỉ số giá PCE lõi giảm còn 4,4%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%.

Đây là cơ sở để Fed tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tới ít nhất cuối quí 1-2023 và duy trì ở mức lãi suất này đến hết năm, theo các chuyên gia của FiinRatings. Điều này một mặt kéo dòng tiền về kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt khác khiến chi phí vốn gia tăng, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thậm chí, với giả định Fed bớt “diều hâu” hơn trong chính sách tiền tệ từ quí 4-2023, các chuyên gia của FiinRatings cho rằng các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục giảm quy mô cho vay ký quỹ, thu hẹp quy mô kinh doanh so với năm 2022 nhằm chờ đợi các tín hiệu vĩ mô tích cực hơn do ngành này khá nhạy cảm với yếu tố lãi suất.

Trước đó, xu hướng tăng lãi suất của Fed đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành hai lần liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10-2022. Kết quả, chỉ số VN-Index giảm khoảng 17%, từ mức 1.200 điểm về dưới 1.000 điểm do nhà đầu tư “bán tháo” cổ phiếu trong nhiều phiên giao dịch.

Đà “bán tháo” trên thị trường cũng gây ảnh hưởng mạnh đến kết quả tự doanh của nhiều công ty chứng khoán, có nguy cơ bào mòn vốn chủ sở hữu.

Với bối cảnh vĩ mô năm 2023, nhóm nghiên cứu của Yuanta Việt Nam dự báo ba kịch bản cho TTCK trong năm 2023.

Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index sẽ có diễn biến tích cực trong nửa đầu năm 2023 và có xu hướng đi ngang trong nửa cuối năm 2023 quanh mức 1.200 điểm, cao hơn 25% so với thời điểm cuối năm 2022.

Với kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.405 điểm, cao hơn 39,5% so với thời điểm cuối năm 2022. Kịch bản này có thể xảy ra khi Fed "quay xe" trong việc điều hành lãi suất cuối năm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.

Với kịch bản bi quan, chỉ số VN-Index có thể giảm về mốc 998 điểm, thấp hơn 0,9% với thời điểm cuối năm 2022. Theo Yuanta Việt Nam, kể cả trong trường hợp kịch bản bi quan xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm.

Trong nguy có cơ

Bên cạnh những khó khăn, các chuyên gia nhận định TTCK Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi một số yếu tố tích cực khi tác động của nhiều sự kiện tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, thậm chí một số yếu tố đang trở nên tốt lên. Ngoài ra, định giá của thị trường chứng khoán đang ở vùng thấp trong 10 năm trở lại đây, hấp dẫn cho đầu tư dài hạn.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, nhận định nền kinh tế Việt Nam được tác động tích cực từ việc Trung Quốc gỡ bỏ các hạn chế Covid-19. Tác động tức thời là đồng Việt Nam (VND) tăng khoảng 5%, cộng thêm khoảng 2% tăng trưởng GDP Việt Nam vào năm nay được tạo ra bởi lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại.

Chuyên gia của VinaCapital cũng nhận định TTCK Việt Nam được thụ hưởng ảnh hưởng tích cực bởi lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh, các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ, áp lực về lãi suất và tỷ giá trong nước đã giảm đáng kể... Thêm vào đó, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm trước.

Một điểm lưu ý, theo chuyên gia của VinaCapital, là chỉ số VN-Index đang có mức P/E 10 lần - vùng định giá rẻ nhất trong vòng một thập niên trở lại đây. Như vậy, với góc nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn có nhiều cơ hội.

Các chuyên gia của FiinRatings cũng kỳ vọng áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với quy định cho phép gia hạn nợ được thông qua.

Trước đó, tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 1-2022, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đã tổng hợp và đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến thời điểm này đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65/2022 để trình Chính phủ trong tuần tới.

Ông Chi cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung nghị định mới để các quy định thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê của FiinRatings, ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157.970 và 341.270 tỉ đồng. Điều này khiến thị trường có thể chứng kiến thêm một số nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là các doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới