Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thách thức giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tính đến hết tháng 4-2023, dự kiến giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt khoảng 87.300 tỉ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực của chương trình này (301.000 tỉ đồng). Áp lực giải ngân rất lớn khi thời gian còn lại của chương trình này chỉ vỏn vẹn bảy tháng.

Kết quả giải ngân năm chương trình tín dụng chính sách mới chỉ đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị (38.400 tỉ đồng). Ảnh minh họa: Quang Vinh

Chính phủ vừa có Tờ trình 179/TTr-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), cho biết Chương trình đã được triển khai quyết liệt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Tính đến hết tháng 4-2023 dự kiến giải ngân đạt khoảng 87.300 tỉ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực của Chương trình (khoảng 301.000 tỉ đồng, số này không bao gồm 46.000 đồng dự kiến để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế).

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có thể chia thành hai hợp phần gồm: các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chi đầu tư phát triển. Số tiền đã giải ngân nói trên nằm toàn bộ ở hợp phần đầu tiên.

Cụ thể, tổng số thuế đã miễn, giảm cho người dân, doanh nghiệp là 57.000 tỉ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Các địa phương cũng đã giải ngân hơn 3.700 tỉ đồng hỗ trợ thuê nhà cho gần 5,3 triệu lượt người lao động. Số tiền giải ngân chỉ chiếm 57,2% nguồn lực bố trí để thực hiện trong khi chính sách này đã hết hiệu lực. Lý giải kết quả này, Chính phủ cho biết việc xây dựng nhu cầu hỗ trợ người lao động chưa sát với thực tế.

Triển khai thời gian đầu chưa kịp thời, đầy đủ, dẫn đến việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động còn chậm. Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn làm thủ tục hỗ trợ ba tháng tiền nhà trong một lần, đến tháng 7-2022 mới tiến hành hầu hết các thủ tục.

Việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt hoặc trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân kinh phí cho người lao động ban đầu bị chậm, dồn hồ sơ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2022. Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực nên lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách.

Tổng số thuế đã miễn, giảm cho người dân, doanh nghiệp là 57.000 tỉ đồng; chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7.400 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 5/5 chương trình tín dụng chính sách đạt dư nợ 16.900 tỉ đồng cho 332.000 lượt khách hàng; hỗ trợ lãi suất cho người nghèo và các đối tượng chính sách có khoản vay lãi suất trên 6%/năm khoảng 1.347 tỉ đồng.

Như vậy, kết quả giải ngân năm chương trình tín dụng chính sách mới chỉ đạt 42,7% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị (38.400 tỉ đồng).

“Lẹt đẹt” nhất là chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khi mới giải ngân được 327 tỉ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỉ đồng). Áp lực giải ngân chính sách này rất lớn khi Chính phủ cho biết có tới 67% khách hàng thuộc diện được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ.

Cùng với đó, có 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ. Vì thế, Chính phủ dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỉ đồng. Số vốn dự kiến không sử dụng hết còn khoảng 37.400 tỉ đồng, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội hủy dự toán, kế hoạch vốn.

Ở hợp phần chi đầu tư phát triển, báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay, Thủ tướng đã giao chi tiết 161.800 tỉ đồng kế hoạch vốn của Chương trình để thực hiện 223 nhiệm vụ, dự án.

Trong số 14.100 tỉ đồng chưa giao kế hoạch, Chính phủ đã có Tờ trình 92/TTr-CP ngày 31-3-2023, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với phương án phân bổ 13.300 tỉ đồng đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao vốn. Với 782,2 tỉ đồng còn lại, Chính phủ trình phương án không phân bổ tiếp. Lý do là Nghị quyết 69/2022/QH15 yêu cầu Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ vốn trước ngày 31-3-2023, sau thời điểm trên, số vốn còn lại của Chương trình không thực hiện phân bổ nữa. Tuy nhiên, vì Chính phủ trình phương án phân bổ 13.300 tỉ đồng vào đúng “hạn chót” nên cũng chưa rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định như thế nào về vấn đề này.

Theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính sách chi đầu tư phát triển chỉ áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023. Điều này có nghĩa thời gian còn lại để giải ngân cả trăm ngàn tỉ đồng nói trên là vô cùng ít ỏi. Kéo theo đó, áp lực giải ngân sẽ rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

“Khi số vốn còn nhiều, mà bây giờ mới trình, mới phân bổ, thì việc giải ngân trong năm 2023 là không khả thi”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có lần bày tỏ lo lắng. Chính phủ cũng xác nhận do phần lớn các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình là dự án khởi công mới nên khả năng không giải ngân hết kế hoạch được giao trong năm 2023.

Để đáp ứng mục tiêu giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2022, 2023 và thực hiện chủ trương điều hòa nguồn vốn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được quyết định điều hòa nguồn vốn thuộc Chương trình trong năm 2023 để bố trí cho: (i) dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025; (ii) dự án trọng điểm, liên kết vùng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 có khả năng hấp thụ vốn trong năm 2023 nhưng không vượt quá tổng mức vốn đã được Thủ tướng giao kế hoạch trong năm 2023.

Trong trường hợp cần thiết, giao Chính phủ chủ động điều hòa vốn của Chương trình giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, cho phép Chính phủ bố trí nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình trong các năm 2024, 2025.

Các đề xuất của Chính phủ sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp trong tuần này, từ ngày 9 đến ngày 12-5-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới